Bình nóng lạnh nào cũng có các cảnh báo an toàn, người tiêu dùng nên lưu ý. Ảnh: N. N
Trên thị trường phổ biến các nhãn hiệu bình nóng lạnh như Ariston, Picenza, Ferroli, Centon hay Joven, Kangaroo, Panasonic, Datkeys, Electrolux… Các hãng này có nhiều loại bình kích cỡ khác nhau, từ loại 15 lít dùng cho gia đình có từ 1- 2 người hoặc bình 20 lít dùng cho gia đình có 2 -3 người và bình 30 lít dành cho gia đình có 3 - 4 người. Ngoài ra, các hãng cũng sản xuất ra những loại bình nóng lạnh cỡ lớn, dung tích 50 lít, 80 lít, 100 lít, đáp ứng nhu cầu của các gia đình có đông người hoặc ở những nơi kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn.
Để đảm bảo an toàn cho người dùng, gần như hãng nào cũng đưa ra các cảnh báo an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, cảnh báo một đằng, người dùng lại làm một nẻo. Điều đơn giản là đọc kỹ hướng dẫn trước khi lắp đặt và sử dụng đôi khi vẫn được bỏ qua.
Theo một chuyên gia kỹ thuật về bình nóng lạnh của hãng Ariston, khi lắp đặt sản phẩm phải dùng điện một pha và phải được nối đất. Cần chắc chắn bình đầy nước trước khi bật bình. Van đường nước vào phải luôn để mở.
Trong trường hợp van đường nước vào không mở, bình không có nước mà lại được bật, chắc chắn sẽ gây ra cháy nổ, nguy hiểm cho các gia đình.
Trên sản phẩm bình nóng lạnh của hãng Ferroli còn ghi rất tỷ mỷ: Chú ý, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi lắp đặt, sản phẩm phải được nối đất. Van nước lạnh vào bình phải luôn để mở. Cho nước vào đầy bình: Mở van nước lạnh. Chờ nước vào bình đồng thời mở bên vòi nước nóng. Xả bên vòi nước nóng cho đến khi nước chảy ra tròn đều.
Người tiêu dùng nên đọc kỹ các cảnh báo trên sản phẩm bình nóng lạnh. Ảnh minh họa
Về cách hướng dẫn khởi động lại Rơle bảo vệ quá nhiệt của Ferroli cũng theo quy trình các bước như sau: Mở nắp phải (đứng đối diện về phía bình). Xác định Rơle quá nhiệt theo hình vẽ. Ấn nút đen xuống để khởi động lại. Đậy nắp bình và làm lại bước 4
Đặc biệt, nhà sản xuất bình nóng lạnh Ferroli còn đưa ra cách hướng dẫn sử dụng bộ chống giật ELCB (nếu có, H3) kèm theo hình ảnh, để người sử dụng dễ hiểu hơn.
Ferroli chỉ rõ: Cấp nguồn cho ELCB đèn báo “LIGHT” sẽ bật sáng. Kiểm tra độ tin cậy của ELCB bằng cách nhấn nút “TEST”, ELCB sẽ ngắt điện, đèn báo LIGHT sẽ tắt. Để khởi động lại nhấn nút “RESET”, ELCB sẽ hoạt động trở lại và đèn báo, “LIGHT” sẽ bật sáng...
Theo các chuyên gia kỹ thuật điện, dù là dùng bình nóng lạnh nào, các hãng cũng đều có các cảnh báo, người dùng chỉ cần đọc kỹ và hướng dẫn dùng cho mọi người trong gia đình. Làm vậy sẽ tránh được các sự cố, tai nạn đáng tiếc diễn ra.
Theo KS. Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Viện Kỹ thuật Quân sự, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến rò điện ở bình nóng lạnh và nhiều khi sự thiếu hiểu biết của người sử dụng về sử dụng bình nóng lạnh đã gây ra những “họa” lớn cho chính mình.
Trong quá trình sử dụng, không ít người quan niệm sai lầm rằng bình nóng lạnh đã có rơle ngắt điện nên yên tâm để cắm điện suốt 24/24h, kể cả trong lúc đang tắm. Trong khi đó, kiểm tra trên thực tế sản phẩm cho thấy, rơle chỉ có nhiệm vụ điều khiển nhiệt độ nước của bình. Khi sử dụng, nhiệt độ nước thấp thì rơle tự động cấp điện, nhiệt độ nước cao rơle tự động cắt điện, chứ không có chức năng bảo vệ chống điện rò ra nước.
Cần phải tắt bình nóng lạnh trước khi tắm để đảm bảo anh toàn, phòng tai nạn. Ảnh minh họa
Chính việc cắm điện liên tục khiến cho dây mayso, dây dẫn…có thể bị hỏng do hoạt động quá tải gây ra rò điện. Thông thường, hiện tượng rò điện của bình nóng lạnh sẽ xảy ra khi có sự thông mạch từ dây may so với môi trường bên ngoài. Khi lớp cách điện của mayso bị ăn mòn,bong tróc hoặc bị hỏng là nguyên nhân gây ra rò điện.
Còn theo một giáo sư hàng đầu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc tế Kỹ thuật Điện, nước càng bẩn thì khả năng dẫn điện càng lớn. Theo đó, bình nóng lạnh bị rò điện, điện tiếp xúc với nước bẩn sẽ làm cho nguy cơ bị điện giật cao hơn nếu sử dụng nước sạch.
Để đảm bảo an toàn trước hết không nên sử dụng những chiếc bình nóng lạnh già nua. Ngoài ra, một nguyên tắc bất di bất dịch khác để đảm bảo an toàn trong khi sử dụng bình nóng lạnh, đó là tắt bình nóng lạnh trước khi tắm.
Không nên bật bình nóng lạnh 24/24h vừa gây tốn điện vừa tạo ra nguy cơ bị hỏng do hoạt động quá tải. Chỉ nên bật bình nóng lạnh trước khi tắm từ 5-10 phút. Khi thấy người người thân bị giật điện do bình nóng lạnh, không nên lao vào cứu mà phải nhanh chóng ngắt cầu giao điện, sau đó đưa người bị giật ra ngoài và làm các thao tác sơ cứu.
Tai nạn thương tâm do dùng bình nóng lạnh Đầu năm 2014, ông Đỗ Đình Khôi, SN 1945 và con dâu là chị Phạm Minh Nga, SN 1975, đều trú tại khu 5, xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, mất mạng trong nhà tắm của gia đình. Việc bố chồng và con dâu bị chết ở một nơi được cho là “nhạy cảm” khiến nhiều người suy đoán theo hướng không lành mạnh. Tuy nhiên, khi CA huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ vào cuộc và có kết luận thì vụ việc được sáng tỏ. Theo đó, thủ phạm đã giết hai bố con ông Khôi chính là chiếc bình nóng lạnh trong phòng tắm. Theo gia đình ông Khôi, chiếc bình nóng lạnh hiệu Ariston đã được gia đình họ sử dụng từ năm 2004. Vào buổi chiều định mệnh 24/01, trước khi xảy ra sự việc, ông Khôi có tháo bình nóng lạnh ra để sửa chữa. Đến tối chị Nga bật bình nóng lạnh để tắm rửa thì bị điện giật. Ông Khôi đang ngồi xem tivi ngoài phòng khách nghe thấy con dâu kêu cứu liền chạy vào kéo tay lôi ra ngoài cũng bị điện giật. Một trường hợp khác diễn ra tại Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội người giúp việc và đứa con nhỏ bị chết trong nha tắm. Hai vợ chồng anh Toàn đi làm về, gọi cửa nhiều lần nhưng không thấy ai trả lời nên phải phá cửa vào nhà. Vợ chồng anh Toàn phát hiện con gái 2 tuổi và người phụ nữ giúp việc đã chết trong nhà tắm. Qua khám nghiệm hiện trường và xác định chiếc bình nóng tại phòng tắm bị rò điện là thủ phạm. |
Thu Huyền
Quạt phun sương: Thủ phạm gây bệnh và hỏng thiết bị