Để duy trì sự sống cho bệnh nhân ở Khoa ICU thì kỹ thuật chăm sóc và kế hoạch điều trị đóng vai trò vô cùng quan trọng. Điều này buộc các bác sĩ Khoa ICU phải áp dụng thành thạo một số kỹ thuật đòi hỏi chuyên môn cao.
NHỮNG “KỲ TÍCH”
Ngày 25-3-2015,ữngbaacutecsĩnơildquođầusoacutengngọsoi kèo leed anh Trần Văn Vân, cha cháu N.T.T ở xã Long Tân, huyện Bù Gia Mập (nay là huyện Phú Riềng) viết thư cảm ơn Bệnh viện đa khoa tỉnh, trong đó có tập thể y, bác sĩ Khoa ICU. Trong thư, anh Vân cho biết con anh bị tai nạn đuối nước, khi vớt lên được thì đã chậm. Tuy đã sơ cứu ở y tế cơ sở nhưng khi đưa đến bệnh viện tim cháu đã ngưng đập. Anh Vân cho hay: “Biết là đã hết hy vọng nhưng vì tình yêu với con quá lớn, gia đình vẫn nuôi hy vọng “còn nước còn tát” và đặt cả niềm tin vào đội ngũ bác sĩ ở bệnh viện tỉnh. Rất may, nhờ cấp cứu kịp thời nên các y, bác sĩ đã giành lại được sự sống cho con tôi. Tôi vô cùng cảm ơn”.
Trước đó, Khoa ICU cũng đã cứu sống một cháu bị tai nạn đuối nước trong tình trạng tương tự cháu T ở xã Long Tân. 2 trường hợp “sống lại như kỳ tích” này đều thuộc kíp trực của bác sĩ Cao Văn Phong. Anh chia sẻ: “Lúc nhận bệnh nhân, tôi dự đoán khả năng tử vong rất cao do tụt huyết áp, phổi tổn thương, ngưng tim. Nhưng tôi vẫn cố thử và mong có phép màu xảy ra. Kíp trực hôm đó đã làm việc rất tuyệt vời. Cháu bé sống lại, niềm vui vỡ òa và tôi không sao tả được”.
Bác sĩ Cao Văn Phong chăm sóc bệnh nhân tại Khoa ICU
10 bệnh nhân vào Khoa ICU thì có khoảng 6 người được bác sĩ giành lại sự sống. Vì vậy, bác sĩ khoa này cũng thường bị người nhà bệnh nhân phản ứng dữ dội khi người thân tử vong. Có người xông vào chửi bới, đá, đập cửa, thậm chí sẵn sàng “dí” bác sĩ chạy. Có lẽ từ đó các y, bác sĩ thường nói vui với nhau rằng: “Bác sĩ Khoa ICU là vận động viên chạy marathon”, bởi ngoài thường xuyên rèn luyện chuyên môn, họ còn hay gặp những trường hợp bất khả kháng và phải luôn luôn “thủ thế” khi có chuyện không may xảy ra.
CẢM GIÁC NHƯ “CỨNG LẠI”!
Bác sĩ Nguyễn Thành Trương, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh cho rằng, đồng nghiệp ở Khoa ICU là những người luôn phải đứng nơi “đầu sóng ngọn gió” của bệnh viện. Ông nói: “Để cứu sống bệnh nhân, khoa này phải có nhân lực giỏi, trang thiết bị hiện đại và thuốc men đầy đủ. Thế nhưng bao năm nay, cơ sở vật chất của bệnh viện vẫn còn rất khó khăn. Khoa thường quá tải, thiếu máy thở, máy siêu âm tại giường, máy theo dõi trung tâm... Toàn khoa chỉ có 5 bác sĩ mà 1 đi học nên anh em rất vất vả. Khó khăn gấp bội khi bệnh viện thiếu bác sĩ, không thể luân chuyển do đặc thù chuyên môn”.
“Kinh tế gia đình anh em trong bệnh viện phần lớn đều còn khó khăn. Có gia đình cả vợ lẫn chồng đều công tác ở bệnh viện hơn 10 năm nay nhưng vẫn phải ở trọ. Có bác sĩ thiếu vốn để mở phòng mạch nên phải đi xa bệnh viện hơn 10km để kiếm kế sinh nhai. Tuy mỗi người mỗi cảnh nhưng tôi chưa thấy anh em nào có tư tưởng chán nản, giảm nhiệt huyết với nghề. Có được những cộng sự này, đó là điều tự hào của bệnh viện”. Bác sĩ Nguyễn Thành Trương |
Bệnh nhân vào Khoa ICU được chăm sóc toàn diện nên bác sĩ phải trực 24/24 giờ. Bác sĩ Cao Văn Phong cho biết: “Đặc thù của khoa là bác sĩ phải kịp thời có mặt để cấp cứu bệnh nhân nên suốt ca trực hầu như không được nghỉ ngơi. Do nhân lực quá mỏng nên khi gia đình hay cá nhân có việc phải nghỉ, bác sĩ không dám nghỉ lâu vì sợ anh em “đuối”. Chị Nguyễn Thị Lơ, y tá hành chính Khoa ICU có 10 năm làm điều dưỡng chăm sóc, chia sẻ: “Chăm sóc một bệnh nhân Khoa ICU bằng 6 bệnh nhân ở những khoa khác. Áp lực của điều dưỡng ở chỗ vừa giúp bác sĩ theo dõi điều trị vừa trực tiếp chăm sóc và trấn an tinh thần gia đình người bệnh. Có những hôm bệnh nhân đông, điều dưỡng tan ca trực trong tình trạng bơ phờ, nhưng về đến nhà vẫn phải hoàn thành trách nhiệm gia đình”. Do vậy, việc điều chuyển y, bác sĩ về công tác tại Khoa ICU rất khó bởi không ai muốn về.
Để phục vụ bệnh nhân tốt hơn trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn đội ngũ y, bác sĩ Khoa ICU hầu hết phải tự nâng cao trình độ chuyên môn để có thể xử lý thành công những ca khó. Mặc dù khó khăn nhưng tập thể y, bác sĩ Khoa ICU ngày càng đoàn kết, chia sẻ và thông cảm với bệnh nhân. Yêu nghề, gắn bó với khoa nên hầu hết y, bác sĩ đều muốn cống hiến, dù áp lực công việc ngày càng cao, cuộc sống gia đình bộn bề lo toan.
Mặc dù đâu đó trong ngành vẫn tồn tại một số “con sâu làm rầu nồi canh”, làm cho nhân dân chưa dành nhiều thiện cảm, sự trân trọng đối với đội ngũ y, bác sĩ trong tỉnh. Song vẫn có nhiều bệnh nhân và người nhà bày tỏ lòng biết ơn bởi họ đã tận tụy từng giây giành lại sự sống cho người bệnh.
Bác sĩ Cao Văn Phong nói: “Trước làm ở Khoa Cấp cứu, tôi nóng tính lắm! Nhưng từ khi về Khoa ICU, mọi người nói tôi điềm tĩnh hẳn. Tiếp xúc nhiều với nỗi đau của người nhà bệnh nhân, cảm xúc dường như cứng lại”. Chúng tôi hiểu “cứng lại” theo lời bác sĩ Phong không có nghĩa lạnh lùng, vô cảm mà đó là sự chia sẻ, đồng cảm, thấu hiểu, thậm chí bất lực trước cái chết và trăn trở về trách nhiệm của những người thầy thuốc!
Phương Dung