Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, trong 10 tháng, toàn ngành Thuế đã thực hiện hơn 72 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 79,54% kế hoạch năm 2017. Tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là hơn 13,9 nghìn tỷ đồng, bằng 134,64% so với cùng kỳ năm 2016.
Tuy kết quả từ việc thanh tra, kiểm tra khá khả quan nhưng cơ quan Thuế cho rằng hiện nay công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cản trở. Tại dự thảo Tờ trình Đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi, theo Tổng cục Thuế, quy định hiện tại nêu rõ: “Thời hạn thanh tra thuế do Tổng cục Thuế tiến hành không quá 45 ngày làm việc, trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày làm việc. Thời hạn của cuộc thanh tra được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra”. Tuy vậy, thực tế thời gian dành cho việc cung cấp hồ sơ, tạm dừng, hoãn thanh tra chiếm rất nhiều thời gian nhất là đối với các doanh nghiệp quy mô lớn, có phát sinh giao dịch liên kết. Bởi vậy, quy định thời gian thanh tra như luật hiện hành theo đại diện Bộ Tài chính chỉ phù hợp với các cuộc thanh tra thông thường.
Phía Bộ Tài chính cho rằng, đối với các cuộc thanh tra chuyên đề, thanh tra các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp đa quốc gia, quy định hiện tại không phù hợp do việc thu thập thông tin về công ty mẹ, công ty liên kết ở nước ngoài, thông tin về các giao dịch diễn ra ở bên ngoài Việt Nam mất rất nhiều thời gian. Đặc biệt, nhiều trường hợp, cơ quan chức năng phải thực hiện trao đổi thông tin với cơ quan thuế nước ngoài nên trong quá trình làm việc, các đoàn thanh tra phải tạm dừng nhiều lần chờ cung cấp, trao đổi thông tin.
Mặt khác, thanh tra giá chuyển nhượng dựa trên cơ sở phân tích, so sánh với các giao dịch (doanh nghiệp) độc lập mà phần lớn là thông tin từ các bên thứ ba nên mất nhiều thời gian để thực hiện thu thập thông tin về các đối tượng so sánh. Dẫn báo cáo tổng kết của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Bộ Tài chính cho hay, thời gian trung bình để thực hiện một cuộc thanh tra giá chuyển nhượng tại các nước trên thế giới là 573 ngày làm việc. “Qua thanh tra thực tế đối với một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Metro, BigC... thì thời gian để hoàn thành một cuộc thanh tra thường trên 1 năm do phải tạm dừng thanh tra để chờ doanh nghiệp cung cấp bổ sung thông tin, hồ sơ, tài liệu,” dự thảo Tờ trình nêu rõ.
Qua đó, đại diện Bộ Tài chính đề xuất cần bổ sung quy định thời hạn thanh tra thuế không quá 45 ngày làm việc tại trụ sở người nộp thuế. Trường hợp thanh tra doanh nghiệp có giao dịch liên kết xuyên biên giới, thời hạn thanh tra không quá 360 ngày làm việc tại trụ sở người nộp thuế. Thời hạn của cuộc thanh tra được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại trụ sở người nộp thuế. Ngoài ra, thời gian thanh tra không bao gồm thời gian cung cấp tài liệu, trao đổi thông tin và thời gian tạm dừng, hoãn.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, việc sửa đổi này là phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tế công tác thanh tra tại Việt Nam và sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra thuế.