Theo chương trình tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, vào chiều 7/1, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, nhiều đại biểu đề xuất đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết 30. Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, Nghị quyết 30 là một sáng kiến lập pháp rất đặc biệt, cùng với cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách. Quốc hội đã chia sẻ trách nhiệm hay nói đúng hơn là trao quyền của Quốc hội cho Chính phủ. Đây là một cách làm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử luật pháp Việt Nam. Đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh, chính điều này đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa cả hệ thống chính trị và người dân Việt Nam trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế đồng tình ủng hộ, huy động được tổng lực tối đa các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Vì thế, tại phiên họp, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với quan điểm trên, đồng thời bày tỏ tán thành cao việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết 30. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn một cách thống nhất, rõ tiêu chí, để dễ triển khai thực hiện việc chuyển tiếp chính sách; bên cạnh đó Chính phủ cần tuyên bố hết hiệu lực với các văn bản đã ban hành, ban hành các văn bản khác để giải quyết các vấn đề còn tồn tại, cập nhật các nội dung mới phát sinh cũng như các vấn đề đã được dự báo trước đối với những diễn biến bất thường của dịch bệnh. Tuy nhiên, về vấn đề thanh toán chi phí phòng chống dịch Covid-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh Covid-19, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) đề nghị quy định trong dự thảo Nghị quyết yêu cầu các thủ tục phải đơn giản, rút gọn. Vị đại biểu này cũng cho rằng nên áp dụng thêm cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách đối với việc mua sắm vật tư y tế, đầu tư cơ sở, trang thiết bị hóa chất trong bối cảnh dịch bệnh; phải tăng cường công tác phân tích, dự báo. Còn đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) lại bày tỏ băn khoăn về việc chậm thanh toán cho phòng, chồng dịch bệnh, nên cần phải quy quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân triển khai chậm. Báo cáo giải trình liên quan đến nguyên nhân chưa hoàn thành thanh toán chi phí và các việc triển khai thực hiện trong thực tiễn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, do đây là lần đầu tiên có một đại dịch như này, số lượng người mắc cao, nhiều tình huống phát sinh khó dự đoán. Các cơ quan vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, kể cả phác đồ điều trị cũng phải thay đổi liên tục, nhân lực làm chuyên môn y tế thiếu. Do đó, việc lập các giấy tờ, thủ tục hành chính gặp nhiều khó khăn. Nên theo Bộ trường, thời gian Quốc hội cho phép kéo dài đến ngày 31/12/2023 sẽ giúp cho các cơ quan rà soát hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo quyền lợi, chế độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác y tế cũng như chế độ đối với các lực lượng tham gia phòng chống dịch. Ngoài ra, thời gian vừa qua, để tập trung giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã rà soát và ban hành thông tư, sửa đổi thông tư về những thủ tục giải quyết chế độ nghỉ việc để hưởng bảo hiểm xã hội. Đây là một trong những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn về mặt quy trình, thủ tục, thực tiễn để các địa phương triển khai thực hiện. Về việc tổng kết và đưa ra thành những bài học kinh nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết Thủ tướng Chính phủ đã giao ngành y tế phối hợp cùng với các bộ, ngành, địa phương để tổng kết 3 năm trong công tác phòng chống dịch để từ đó đánh giá những mặt làm được những mặt chưa làm được, nguyên nhân, tồn tại và đặc biệt là những bài học kinh nghiệm cho thời gian tới. |