当前位置:首页 > Ngoại Hạng Anh

【nhận định deportivo】Một số cách làm hiệu quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại TP Cần Thơ

Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ, trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17/02/2005 và Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị, Đảng bộ, chính quyền thành phố luôn coi trọng, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và hội nhập quốc tế. Xem đây là khâu đột phá của thành phố.

1. Chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp

Xác định cán bộ là dây chuyền của bộ máy, chất lượng đội ngũ cán bộ (bao gồm cán bộ, công chức, viên chức) là một trong những nhân tố quyết định trực tiếp hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Từ năm 2012 đến năm 2022, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành 03 Nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và phát triển nguồn nhân lực thành phố, góp phần quan trọng trong việc chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Trước thực trạng trình độ chuyên môn từ đại học trở lên của đội ngũ cán bộ cấp thành phố chỉ có 60,68%, cấp huyện chỉ có 55,48%; cấp xã chỉ có 24,73%. Trình độ lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ cả thành phố: Cao cấp chỉ chiếm 4,67%; Trung cấp 12,26%. Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 18/5/2012 về đào tạo cán bộ cơ sở, quận, huyện và thành phố đạt chuẩn, trong đó, xác định “chuẩn hóa các chức danh, ngạch, bậc theo quy định và nâng cao hơn nữa trình độ đội ngũ cán bộ các cấp;… cán bộ chủ chốt từ cấp huyện trở lên phải tốt nghiệp đại học về chuyên môn và trình độ cao cấp lý luận chính trị”.

Cán bộ, công chức phường Trà Nóc, quận Bình Thủy được đào tạo nâng cao trình độ đã thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn. Ảnh: Anh Dũng

Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã kịp thời ban hành văn bản cụ thể hóa phù hợp với đặc điểm, điều kiện, tình hình thực tế của từng đảng bộ, cơ quan, đơn vị. Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành 05 Nghị quyết, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành 02 chỉ thị và nhiều quy định, chương trình, kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, chính sách hỗ trợ, khuyến khích trong đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ các cấp, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật. Có 6/9 quận ủy, huyện ủy đã ban hành nghị quyết, 9/9 quận ủy, huyện ủy xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và đề ra nhiều giải pháp cụ thể, hiệu quả, thiết thực nhằm đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa và nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ của địa phương.

Từ năm 2012 đến năm 2022, thành phố đã cử 148.295 lượt cán bộ đi  đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và cập nhật kiến thức mới. Trong đó, đào tạo lý luận chính trị: đã cử 1.621 đồng chí học Cao cấp; 6.559 đồng chí học lớp trung cấp và 1.233 đồng chí học sơ cấp chính trị; đào tạo chuyên môn:đã cử 8.777 đồng chí đi đào tạo chuyên môn trong nước và nước ngoài (đào tạo sau đại học 2.828 đồng chí); về bồi dưỡng: đã cử 130.105 lượt cán bộ tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và cập nhật kiến thức mới.

Song song với việc tiếp tục thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, quận, huyện và thành phố đạt chuẩn theo chức danh, ngạch, bậc, vị trí việc làm, chuyên môn đang đảm nhiệm, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố khóa XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định khâu đột phá đầu tiên là: “đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đi đôi với chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt ngang tầm với nhiệm vụ”. Thực hiện khâu đột phá này, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 27/12/2016 về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Nghị quyết đặt ra mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thành phố đảm bảo về cơ cấu, số lượng, chất lượng và có tính kế thừa; nâng cao chất lượng đạo tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, bao gồm nguồn nhân lực khu vực công và nguồn nhân lực xã hội; đối với nguồn nhân lực khu vực công, xác định trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và đào tạo chuyên sâu Sau đại học, “phấn đấu đến năm 2020, đào tạo mới 300 thạc sĩ và tiến sĩ (250 thạc sĩ và 50 tiến sĩ) trong và ngoài nước làm việc trong khu vực công của thành phố”. Kết quả, thành phố đã cử 15.608 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tham gia đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị và đã cử 564 lượt cán bộ đào tạo sau đại học, gồm 56 tiến sĩ và 508 thạc sĩ, trong đó: Đào tạo trong nước 550 lượt: 45 tiến sĩ, 505 thạc sĩ. Đào tạo nước ngoài 14 lượt: 11 tiến sĩ, 03 thạc sĩ; cao gấp 1,88 lần so với mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Sau đào tạo, bồi dưỡng nhiều cán bộ đã phát huy tốt trình độ, kiến thức, năng lực, sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được đề bạt, bổ nhiệm vào vị trí cao hơn, góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển thành phố.

2. Một số cách làm mang lại hiệu quả cao trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tại thành phố

Thứ nhất, về chuẩn hóa đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý gắn với đào tạo chuyên sâu Sau đại học.Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đã bám sát phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu trong các Nghị quyết của Thành ủy để xây dựng Đề án, chương trình, kế hoạch, tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ từ thành phố đến cơ sở theo hướng chuẩn hóa, nâng cao chất lượng gắn với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của từng đảng bộ, cơ quan, đơn vị và kết hợp đào tạo chuyên sâu Sau đại học. Tập trung thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cho 03 nhóm đối tượng: (1) những cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa đạt chuẩn chức danh; (2) những cán bộ được quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý; (3) nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và năng lực công tác đạt chuẩn và trên chuẩn cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, nhất là đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Từ đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ được thực hiện chủ động, đồng bộ ở 03 cấp (cấp xã, cấp huyện và cấp thành phố), đảm bảo đúng thẩm quyền theo phân cấp quản lý, đúng đối tượng và yêu cầu về chuyên ngành, chuyên môn, lĩnh vực cần đào tạo, bồi dưỡng. Kết quả đến nay, đội ngũ cán bộ của thành phố (kể cả cấp xã) đạt chuẩn theo chức danh, vị trí việc làm, chuyên môn đang đảm nhiệm, chiếm 99,35%, tăng 33,56% so với năm 2012, trong đó:

Trình độ chuyên môn từ đại học trở lên của đội ngũ cán bộ cấp thành phố 87,80%, tăng 27,12%; cấp huyện 70,76%, tăng 15,28%; cấp xã 89,98%, tăng 65,28%. Trình độ lý luận chính trị từ Trung cấp trở lên của đội ngũ cán bộ cấp thành phố 32,32%, tăng 17,55%; cấp huyện 22,22%, tăng 7,45%; cấp xã 86,09%, tăng 71,09%. Đã qua bồi dưỡng ngạch chuyên viên và tương đương trở lên của đội ngũ cán bộ cấp thành phố 68,50%, tăng 12,40%; cấp huyện 75,27%, tăng 22,41%; cấp xã 73,74%, tăng 64,85%. Riêng cán bộ, công chức: 100% cấp thành phố, cấp huyện, cấp xã đạt chuẩn về chuyên môn, lý luận chính trị theo quy định.

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp 100% đạt chuẩn chức danh theo quy định: Cấp thành phố 100% đại học trở lên; 100% lý luận chính trị cao cấp, cử nhân, tăng 4,96%; 100% đã qua bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính và tương đương trở lên, tăng 11,97%; đã qua bồi dưỡng ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương 26,45%, tăng 3,35%. Cấp huyện: 100% đại học trở lên, 100% lý luận chính trị cao cấp, cử nhân, tăng 5,47%; 100% đã qua bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính, tăng 26,39%. Lãnh đạo chủ chốt cấp xã: 100% đại học trở lên, tăng 77,31%; 100% lý luận chính trị trung cấp trở lên, tăng 42,49%; 100% đã qua bồi dưỡng ngạch chuyên viên trở lên, tăng 89,02%.

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có trình độ chuyên môn Sau đại học khá cao, cấp thành phố: Sau đại học, chiếm 69,32%, tăng 39,36%; Cấp huyện: Sau đại học chiếm 47,93%, tăng 24,31%; Lãnh đạo chủ chốt cấp xã: Sau đại học chiếm 11,65%, tăng 11,30%.

Các học viên tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về cải cách hành chính do Sở Nội vụ TP Cần Thơ tổ chức năm 2022. Ảnh: Quốc Thái

Thứ hai,chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo uy tín trong nước và nước ngoài để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giúp cán bộ tiếp cận môi trường quốc tế. Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy chủ động phối hợp với Học viện Chính trị Chính trị khu vực II, tổ chức 08 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 982 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý theo Quy định số 164-QĐ/TW ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; phối hợp với Học viện Hành chính Quốc gia mở 05 lớp bồi dưỡng năng lực, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp huyện và tương đương cho 163 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; phối hợp với các Học viện Chính trị Khu vực II, IV mở 06 lớp bồi dưỡng cho 466 lượt cán bộ nguồn cấp ủy thành phố, quận, huyện và tương đương, góp phần chuẩn bị nguồn nhân sự chất lượng cho Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và nhân sự lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Ban Thường vụ Huyện ủy Cờ Đỏ chủ động phối hợp, liên kết với    Trường Đại học Cần Thơ tổ chức 01 lớp Đại học Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và 01 lớp Bảo vệ thực vật cho 66 cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã tham gia học tập. Đội ngũ cán bộ sau khi được đào tạo đã phát huy tốt trình độ, năng lực và tham mưu tốt cho cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Cờ Đỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới, góp phần giúp huyện Cờ Đỏ hoàn thành trước hạn chương trình xây dựng huyện nông thôn mới.

Để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của thành phố, ngoài việc cử cán bộ bồi dưỡng nước ngoài theo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương. Thành phố đã hoàn thành tốt Đề án đào tạo 150 tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài, với các nhóm ngành như: công nghệ thông tin, nông nghiệp   công nghệ cao, công nghệ chế biến, công nghiệp vật liệu - công nghệ hóa, khoa học xây dựng, giao thông, cầu đường, kiến trúc, luật, y tế… ở các nước tiên tiến trên thế giới. Ứng viên tốt nghiệp từ Đề án có chất lượng đạo tạo   khá tốt, có trình độ chuyên môn cao và phong cách làm việc nhanh, hiệu quả. Hầu hết các ứng viên của Đề án 150 đều hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập và trở về nước làm việc, nhanh chóng hòa nhập cùng với tập thể, phát huy tốt   kỹ năng, kiến thức chuyên môn và có nhiều đóng góp trong xây dựng và   phát triển thành phố, nhất là đóng góp cho hoạt động hợp tác quốc tế; nhiều đồng chí được bố trí giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt các cơ quan, đơn vị thành phố, như: Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị; Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải; Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ;…

Xây dựng Đề án phối hợp với Trường Đại học Victoria Wellington, New Zealand và Trường Đại học California, Riverside, Hoa Kỳ tổ chức 05 lớp bồi dưỡng tại New Zealand và Hoa Kỳ cho 120 cán bộ và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, nội dung bồi dưỡng thuộc 22 lĩnh vực như: cải cách hành chính; hoạt động bầu cử; quản lý tài chính công, môi trường và biến đổi khí hậu; quy hoạch xây dựng thành phố thông minh; quy hoạch sử dụng đất tích hợp và mạng lưới giao thông tích hợp; nhân sự; tài chính, ngân hàng; dịch vụ công và quản lý dịch vụ công; môi trường và quản lý chất thải,…Qua bồi dưỡng, trao đổi trực tiếp với các chuyên gia nước bạn, kết hợp với khảo sát thực tế các đô thị tại New Zealand và Hòa Kỳ, giúp cán bộ tham gia bồi dưỡng có góc nhìn tổng thể, đa chiều, định hướng chiến lược lâu dài về các nội dung được bồi dưỡng, nhất là các vấn đề về cải cách hành chính, quy hoạch xây dựng thành phố thông minh, môi trường, quản lý chất thải…, từ đó nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, phù hợp vào tình hình thực tiễn của thành phố.

Thứ ba, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành chế độ, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Thành phố thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng các chế độ, chính sách đối với cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng theo quy định chung của Đảng và Nhà nước; đồng thời, có chính sách phù hợp với thực tế của địa phương nhằm khuyến khích, động viên, tạo động lực thúc đẩy cán bộ phấn đấu học tập, rèn luyện, như: chính sách thu hút, hỗ trợ, khuyến khích nguồn nhân lực thành phố Cần Thơ giai đoạn 2015-2020 theo Nghị quyết 17/2014/NQ-HĐND; mức chi công tác đào tạo, bồi dưỡng trong nước đối với cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố.

Theo đó, người được thực hiện chính sách thu hút, ngoài chế độ chính sách theo quy định, được hỗ trợ một lần như sau:  Giáo sư - Tiến sĩ: 150 triệu đồng/người; Phó Giáo sư - Tiến sĩ: 130 triệu đồng/người; Tiến sĩ (người vừa tốt nghiệp: 100 triệu đồng/người; người đang công tác, có kinh nghiệm thực tiễn ít nhất 05 năm: 120 triệu đồng/người); Người vừa tốt nghiệp: Bác sĩ Chuyên khoa II: 65 triệu đồng/người; Bác sĩ Chuyên khoa I, Thạc sĩ - Bác sĩ: 45 triệu đồng/người; Người đang công tác, có kinh nghiệm thực tiễn ít nhất 05 năm: Bác sĩ Chuyên khoa II: 80 triệu đồng/người; Bác sĩ Chuyên khoa I, Thạc sĩ - Bác sĩ: 55 triệu đồng/người. Về chính sách hỗ trợ, khuyến khích đào tạo Sau đại học, sau khi có học vị, cán bộ được hỗ trợ một lần: Tiến sĩ: 75 triệu đồng/người (nữ); 70 triệu đồng/người (nam); Bác sĩ Chuyên khoa II, Dược sĩ Chuyên khoa II: 70 triệu đồng/người (nữ); 65 triệu đồng/người (nam); Thạc sĩ: 60 triệu đồng/người (nữ); 55 triệu đồng/người (nam); Bác sĩ Chuyên khoa I, Dược sĩ Chuyên khoa I: 55 triệu đồng (đối với nữ); 50 triệu đồng (đối với nam). Thành phố đã giải quyết cho 1.662 trường hợp hoàn thành Sau đại học, được hưởng chế độ hỗ trợ khuyến khích và hỗ trợ 32 Bác sĩ tuyến thành phố tăng cường về tuyến y tế xã, phường, thị trấn. Đối với cán bộ cấp xã, sau khi tốt nghiệp các chương trình đào tạo được xét nâng ngạch lương theo quy định và được hưởng lương theo đúng trình độ đã được đào tạo. Kết quả từ năm 2012 đến nay đã chuyển xếp nâng ngạch lương 856 trường hợp (829 đại học, 27 cao đẳng).

Thứ tư, quan tâm đảm bảo kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Thành phố đã quan tâm phân bổ kịp thời kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; tranh thủ nguồn học bổng quốc gia, quốc tế và các nguồn tài trợ khác, gắn với phương thức Nhà nước và người học cùng chi trả. Tổng kinh phí chi cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 2012-2022 trên 214 tỷ đồng, trong đó, cấp thành phố trên 140 tỷ đồng, cấp huyện trên 63 tỷ đồng và cấp xã gần 11 tỷ đồng. Nguồn ngân sách nhà nước chiếm 81%; nguồn vận động tài trợ, học bổng và các nguồn khác chiếm 19%.

Thứ năm, thường xuyên tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tổng kết thực tiễn, ngay sau khi hoàn thành các Đề án, Nghị quyết về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, Ban điều hành thực hiện các Đề án hoặc cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ đều tham mưu cấp thẩm quyền tiến hành tổng kết Đề án, Nghị quyết về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, trong đó nêu rõ tình hình, kết quả thực hiện; đánh giá thuận lợi, khó khăn; xác định nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm và kiến nghị phương hướng, nhiệm vụ sau khi hoàn thành các Đề án, Nghị quyết về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.

Thực hiện nhiệm vụ “Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận... gắn tổng kết lý luận với định hướng chính sách” theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Thành ủy Cần Thơ thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị chú trọng công tác sơ kết, tổng kết thực tiễn, gắn tổng kết thực tiễn với nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học. Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Thành ủy Cần Thơ đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế”, thu hút hơn 70 nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy và ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh khu vực phía Nam tham dự. Trường Chính trị thành phố đã đăng ký với Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đề tài khoa học cấp thành phố về “Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp thành phố ở Cần Thơ”.

Bên cạnh đó, thành phố luôn quan tâm đổi mới triết lý, tư duy trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ theo hướng chuyển từ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức sang phát triển năng lực cá nhân, đề cao vai trò trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ; Ban Tổ chức Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy và Trường Chính trị thành phố đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học  cấp  thành phố “Giải pháp nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức để thành phố Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững”,… Tài liệu của các Hội thảo, sản phẩm của Đề tài khoa học là những thông tin quan trọng, góp phần giúp cấp thẩm quyền định hướng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của thành phố.

3. Hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh kết quả đạt được, qua 10 năm thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhìn tổng thể, chất lượng đội ngũ cán bộ của thành phố, nhất là chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp còn một số hạn chế nhất định. Trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ tuy được nâng lên nhưng chưa đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực; thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu khoa học, chuyên gia giỏi trên một số lĩnh vực; trình độ ngoại ngữ, khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý đã qua đào tạo, bồi dưỡng bài bản nhưng năng lực thực tiễn, hiệu quả công việc chưa cao, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ. Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; chính sách thu hút chưa tạo động lực khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại thành phố.

4. Phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới

Trên cơ sở đánh giá toàn diện tình hình đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực, quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/12/2021“về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giai đoạn 2021- 2025 và những năm tiếp theo. Nghị quyết số 09-NQ/TU đã đề ra mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và 09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp. Hiện nay, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị thành phố đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch, Đề án triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy. Trong đó, để đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, chuyên gia đầu ngành, cán bộ chuyên môn giỏi về nghiệp vụ, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, phù hợp với định hướng, yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII, trong thời gian tới, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, sau đây:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII).Tăng cường sự lãnh đạo và phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc quán triệt, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về sự cần thiết, tính cấp bách của công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII). Đến năm 2025, phấn đấu đào tạo mới, thu hút từ 300 thạc sĩ và tiến sĩ trong nước và nước ngoài làm việc trong khu vực công của thành phố, trong đó ưu tiên đội ngũ cán bộ thuộc các lĩnh vực: kinh tế; pháp luật; khoa học công nghệ; công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chế biến; công nghệ thông tin; y tế chuyên sâu, logistics…; phấn đấu có từ 5% giảng viên các trường cao đẳng và 20% giảng viên trường đại học đạt trình độ tiến sĩ trở lên;…   Đến năm 2030, phấn đấu 35% cán bộ, công chức cấp thành phố, cấp huyện (tập trung vào cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên dưới 40 tuổi) đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên; từ 15 - 20% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp thành phố dưới 40 tuổi, từ 25 - 35% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; từ 20 - 25% cán bộ lãnh đạo chủ chốt và ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện dưới 40 tuổi; cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn thành phố từ 70 - 80% có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; có đội ngũ chuyên gia giỏi, có khả năng tư vấn hoạch định, tổ chức, triển khai thực hiện các chính sách, chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Thứ hai,tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân tài.Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, đổi mới cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố về khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao; phát hiện, tuyển chọn, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng trí thức, chuyên gia, cán bộ khoa học có trình độ cao, phục vụ lâu dài cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Thứ ba, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, quản lý thuộc các ngành, lĩnh vực then chốt và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng thiết thực, hiệu quả, chuyên sâu; chú trọng công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ dự nguồn và bồi dưỡng theo chức danh, vị trí việc làm; phát huy tinh thần tự giác học tập, nghiên cứu của cán bộ, đảng viên. Chú trọng rèn luyện, trau dồi phẩm chất, đạo đức, tính năng động, sáng tạo, khơi dậy ý chí, khát vọng và quyết tâm của đội ngũ cán bộ, lực lượng trí thức, chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực. Rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, kịp thời phát hiện cán bộ trẻ năng lực nổi trội để xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, gắn với sắp xếp, bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ, đảm bảo cán bộ khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử các chức danh lãnh đạo, quản lý có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và ngang tầm nhiệm vụ.

Thứ tư,tăng cường liên kết và hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo có uy tín trong nước và nước ngoài tổ chức các lớp dự nguồn để chuẩn bị tốt nhân sự cho các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp, theo hướng bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, bồi dưỡng toàn diện về kỹ năng, định kỳ cập nhật kiến thức mới phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học, có trình độ chuyên môn giỏi trên các lĩnh vực như: quy hoạch và quản lý đô thị, bảo vệ môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, quản lý tài chính, tín dụng, thương mại, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học - kỹ thuật, pháp luật… đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, kết hợp giữa đào tạo chính quy, tập trung với đào tạo không tập trung, giữa dài hạn với ngắn hạn, giữa đào tạo trong nước và đào tạo ở nước ngoài.

Thứ năm, sử dụng và phát huy hiệu quả đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.Thường xuyên theo dõi, phát hiện, lựa chọn đưa vào quy hoạch những cán bộ tiêu biểu, xuất sắc qua thực tiễn công tác để đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý. Phát hiện, lựa chọn từ nguồn quy hoạch những cán bộ nổi trội, tiêu biểu, xuất sắc đã được đào tạo, bồi dưỡng để bố trí, sử dụng hợp lý, phát huy năng lực, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ gắn với bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện, cấp xã không phải là người địa phương, nhằm đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho thành phố, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và cán bộ lãnh đạo chủ chốt thành phố. Cải thiện và nâng cao điều kiện, môi trường làm việc để tạo động lực, hỗ trợ, khuyến khích cán bộ đổi mới sáng tạo để phát huy, nâng cao hiệu quả sử dụng đội ngũ cán bộ.

Thứ sáu,tiếp tục đảm bảo nguồn kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Bố trí ngân sách thỏa đáng, đảm bảo kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Nâng cao hiệu quả đầu tư, sử dụng ngân sách nhà nước cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính như khuyến học, khuyến tài, học bổng, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; sự hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và các nguồn lực xã hội hợp pháp khác trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát gắn với kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, nhất là cơ quan tổ chức, kiểm tra của Đảng thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ và nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, chuyên đề, đột xuất trong việc triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với trường hợp vi phạm./.

 Tập thể Phòng Tổ chức Cán bộ Ban Tổ chức Thành ủy

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17/02/2005 và Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị.

2. Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

3. Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 18/5/2012 của Thành ủy Cần Thơ  về đào tạo cán bộ cơ sở, quận, huyện và thành phố đạt chuẩn.

4. Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 27/12/2016 của Thành ủy Cần Thơ về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

5. Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/12/2021 của Thành ủy Cần Thơ về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giai đoạn 2021- 2025 và những năm tiếp theo.

6. Báo cáo số 363-BC/TU ngày 23/5/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ về tổng kết thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 18/5/2012 của Thành ủy về đào tạo cán bộ cơ sở, quận, huyện và thành phố đạt chuẩn và Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 27/12/2016 của Thành ủy về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo....

 

分享到: