Sau thời gian tạm lắng,ăngthẳtot vs luton căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc lại tiếp diễn và leo thang nhiều nguy cơ dẫn đến chiến tranh.
Đoàn xe quân sự Ấn Độ tăng cường ở biên giới Ấn - Trung. Ảnh: AP
Mới đây, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) lên tiếng cáo buộc binh lính Ấn Độ “di chuyển bất hợp pháp qua đường Kiểm soát Thực tế (LAC) tại bờ Nam hồ Pangong và khu vực núi God Pao, đồng thời nổ súng cảnh cáo nhằm vào phía Trung Quốc.
Người phát ngôn Quân khu phía Tây của PLA gọi đây là “hành động khiêu khích quân sự nghiêm trọng”. Đây là lần đầu tiên hai bên sử dụng tới súng trong giao tiếp tại biên giới kể từ năm 1975, báo hiệu những bước leo thang mới trong tranh chấp lãnh thổ. Phía quân đội Ấn Độ cũng đã xác nhận thông tin này.
Trung Quốc đã yêu cầu phía Ấn Độ “dừng ngay lập tức việc di chuyển nguy hiểm, khuấy động căng thẳng tại khu vực và có thể gây ra hiểu lầm và đánh giá sai tình hình, đồng thời là sự khiêu khích quân sự nghiêm trọng”.
Sự việc diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh có cuộc gặp người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hoàng tại Matxcơva (Nga), bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Hoạt động này diễn ra 2 ngày trước cuộc gặp dự kiến giữa Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị Ngoại trưởng SCO cũng tại Matxcơva.
Một vụ việc liên quan khác, hôm 5-9 tờ Arunachal Times đưa tin, một nhóm gồm 5 người đàn ông Ấn Độ đã bị bắt cóc khi đang đi săn. Tuy nhiên không rõ thời điểm xảy ra sự việc. Theo cảnh sát địa phương, họ đang điều tra thông tin trên Facebook của thân nhân một trong số 5 người bị cho là đang bị PLA giam giữ.
Quân đội Ấn Độ cho biết, đã sử dụng đường dây nóng quân sự để thông báo cho Trung Quốc về vụ 5 công dân Ấn Độ mất tích ở gần khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước. Tuy nhiên, họ vẫn chưa nhận được hồi đáp từ Trung Quốc. Đường dây nóng giữa Ấn Độ và Trung Quốc được lập nên nhằm xoa dịu căng thẳng ở khu vực biên giới giữa hai nước. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ấn Độ, trung tá Harsh Wardhan Pande cho hay: “Chúng tôi đã nói với họ qua đường dây nóng và hỏi họ liệu có phải một số người đã băng qua biên giới sang phía Trung Quốc và chúng tôi biết ơn nếu các bạn có thể trao trả họ cho chúng tôi như mọi lần chúng ta thực hiện”.
Trước đó, hồi đầu tháng 6 tại khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã xảy ra một loạt cuộc đụng độ giữa binh lính hai bên ở Đông Ladakh, thuộc vùng lãnh thổ Kashmir. Tuy nhiên, những cuộc đụng độ này chưa có nổ súng.
Tiếp sau đó, Trung Quốc đã triển khai một lực lượng binh sĩ đáng kể đến khu vực biên giới này. Đáp lại, Ấn Độ cũng điều thêm 5.000 binh sĩ đến Ladakh để tăng viện cho lực lượng đang trấn giữ vùng đất dọc LAC.
Ấn Độ cho đến nay vẫn cáo buộc Trung Quốc không rút quân khỏi các khu vực tuần tra, đồng bằng Depsang và Gogra sau nhiều vòng đàm phán quân sự và ngoại giao. New Delhi bày tỏ hy vọng Bắc Kinh sẽ phối hợp để thực thi các thỏa thuận mà hai bên đã đạt được.
Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cũng đã kêu gọi đối thoại chính trị giữa New Delhi và Bắc Kinh sau khi tình hình biên giới hai nước xảy ra xung đột. Tuy nhiên, ông Jaishankar không trả lời trực tiếp câu hỏi liệu ông có gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị Ngoại trưởng các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Nga vào ngày 10-9 hay không.
Giới phân tích nhận định, mặc dù cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có những biểu hiện muốn hạ nhiệt căng thẳng nhưng những mâu thuẫn tồn tại lâu đời giữa hai nước vẫn chưa được tháo gỡ. Chính điều này đã dẫn đến tranh chấp biên giới liên tục diễn ra. Đây cũng là quả bom nổ chậm sẽ kích hoạt bất cứ lúc nào nếu quân đội hai bên thiếu kiềm chế.
HN tổng hợp