Hoà vào sự phát triển chung của quê hương, đồng bào dân tộc Khmer xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình không ngừng phát triển. Ðời sống vật chất, tinh thần người dân tộc được nâng lên đáng kể, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn được nối liền, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Hoà vào sự phát triển chung của quê hương, đồng bào dân tộc Khmer xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình không ngừng phát triển. Ðời sống vật chất, tinh thần người dân tộc được nâng lên đáng kể, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn được nối liền, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Hồ Thị Kỷ, cho biết: "Từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã Hồ Thị Kỷ chỉ đạt 5 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người chưa được 11 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chiếm rất cao. Việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho bà con để ứng dụng vào sản xuất còn ít, mặt khác, đối với đồng bào dân tộc, mặt bằng dân trí còn hạn chế, từ đó dẫn đến làm ăn kém hiệu quả, năng suất chưa đạt yêu cầu".
Ðường quê ấp Ðường Ðào, xã Hồ Thị Kỷ. |
Tuy nhiên, xác định ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống mọi mặt cho Nhân dân, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã đã tuyên truyền rộng rãi trong cả hệ thống chính trị và Nhân dân, với mục tiêu dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ. Chủ thể xây dựng nông thôn mới chính là người dân, dựa vào sự đóng góp của dân, bên cạnh đó còn có sự huy động nguồn lực các nhà tài trợ, các doanh nghiệp trong và ngoài xã.
Trong tổng số 577 hộ đồng bào dân tộc Khmer ở xã Hồ Thị Kỷ, ấp Ðường Ðào chiếm gần 400 hộ. Cách đây 5 năm, hộ nghèo chiếm trên 30%, đến nay giảm xuống còn dưới 2%. Phát triển sản xuất để tăng thu nhập, xoá nghèo bền vững, ấp Ðường Ðào được công nhận điển hình.
Ông Hữu Thảo, Bí thư Chi bộ ấp Ðường Ðào, xã Hồ Thị Kỷ, cho biết, những năm gần đây, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong ấp không ngừng phát triển, luôn dẫn đầu trong các phong trào cách mạng ở địa phương, nhất là phong trào xây dựng đời sống văn hoá gắn với nông thôn mới. Các hộ gia đình tích luỹ cho con học hành thành đạt trên nhiều lĩnh vực.
Hiện ấp Ðường Ðào có 3 con em người dân tộc là thạc sĩ, gần 90 đại học. Trong đó, phục vụ ngành công an 22 người, bác sĩ 6 người, kinh tế 19 người, còn lại là các ngành khác. Người dân tộc Khmer không chỉ vui mừng về đời sống sản xuất phát triển, mà tự hào hơn là có nhiều con cháu học hành đỗ đạt, cống hiến cho xã hội".
Ông Hữu Xếp, ấp Ðường Ðào, nói: "Gia đình mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng, trong đó cũng tập trung cho con cháu học hành và chi tiêu trong gia đình. Ðồng bào dân tộc Khmer bây giờ có một số gia đình đủ ăn thì đầu tư cho con em ăn học để phát triển kiến thức. Nếu con cháu mình có kiến thức thì nó có thể tự phát triển, mình đỡ lo hơn".
Ông Trần Phước Hạnh, ấp Ðường Ðào, phấn khởi cho biết: “Các con tôi đứa nào chịu học, dù cực khổ mấy tôi cũng cố gắng lo cho chúng, chỉ có cho con học thành tài mới mong tụi nhỏ thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn như chúng tôi. Hiện tôi có 2 người con đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định, còn đứa con gái út đang chuẩn bị tốt nghiệp ngành y”.
Ngoài việc lo cho con em học hành thành đạt, người dân ở ấp Ðường Ðào còn duy trì sinh hoạt thường lệ các câu lạc bộ: đờn ca tài tử, phát triển kinh tế bền vững, đại đoàn kết, tổ hợp tác sản xuất và phát huy được nguồn vốn xoay vòng. Bên cạnh đó, nguồn quỹ từ các chi, tổ hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi... đã giúp hàng chục gia đình khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Trọng Yêm, Trưởng ấp Ðường Ðào, nói: "Từ lúc xây dựng nông thôn mới đến nay, chính quyền và Nhân dân gần nhau hơn trong việc vận động, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt. Ðường bê-tông được phủ khắp, bà con có điều kiện giao lưu, mở mang hiểu biết, hàng rào cây xanh tươi tốt, hố rác tự huỷ đều được bà con tự nguyện thực hiện, người người, nhà nhà trong ấp đều tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới".
Trong xã có nhiều hộ làm kinh tế hiệu quả từ những mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao, nuôi cá bống tượng, thu nhập 70-100 triệu đồng/ha. Ðặc biệt, xã có 1 hợp tác xã sản xuất đồ gỗ, 9 tổ hợp tác nuôi trồng thuỷ sản và có nhiều câu lạc bộ phát triển kinh tế bền vững thu hút lực lượng lao động tại chỗ, giúp người dân tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Trong đó, ấp Ðường Ðào có 1 tổ hợp tác và 3 câu lạc bộ phát triển kinh tế bền vững, mô hình này thời gian qua mang lại hiệu quả cao, góp phần xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.
Ông Nguyễn Văn Hội cho biết thêm: “Bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thời gian qua địa phương cũng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, mở các lớp đào tạo nghề cho con em đồng bào dân tộc, chuyển đổi ngành nghề nên cuộc sống của bà con Khmer nơi đây giờ đã khá hơn, đóng góp nhiều cho quê hương”.
Qua hơn 5 năm xây dựng nông thôn mới, xã đạt được những thành tựu quan trọng, dần thay đổi tập quán và nhận thức của Nhân dân. Ðông đảo người dân tộc biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Từ thu nhập bình quân đầu người năm 2011 là 10,5 triệu đồng, nay tăng lên gần 23 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, từ 5 tiêu chí ban đầu hiện nay xã đã đạt được 13/19 tiêu chí. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Hồ Thị Kỷ với những đổi thay như hôm nay đã minh chứng cho sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước đối với đồng bào Khmer và ngược lại, đồng bào Khmer đã cùng chung tay góp sức với chính quyền xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng phát triển, theo đúng mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới./.
Bài và ảnh: Minh Phong