Các yếu tố tác động đến thị trườngChứng khoán Yuanta vừa có báo cáo chiến lược thị trường chứng khoán tháng 3, trong đó nhấn mạnh VN-Index đang trong giai đoạn sóng tăng 3 và có thể tiếp tục đà tăng điểm. Theo đó, chỉ số VN-Index đóng cửa cuối tháng 2 ở mức 1.252,73 điểm, tăng 7,6% so với tháng trước và đây cũng là tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2023. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực trong dài hạn. Ngoài ra, rủi ro dài hạn vẫn ở mức thấp. Theo mô hình giá, thị trường đang giao dịch trong giai đoạn sóng tăng 3. Đây cũng là giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất của chu kỳ thị trường và chỉ số VN-Index có thể sẽ hướng đến mức 1.400 điểm. Do đó, các nhà đầu tư tiếp tục mua và nắm giữ danh mục dài hạn. Báo cáo chiến lược của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho thấy, tháng 3, thị trường kỳ vọng sẽ đón nhận thêm các thông tin mang màu sắc khả quan nhiều hơn khi dòng tiền rẻ còn hiện hữu, yếu tố này sẽ tạo động lực tích cực cho thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, với các số liệu kinh tế vĩ mô tích cực trong hai tháng đầu năm và với mức nền tăng trưởng rất thấp của quý I/2023, kỳ vọng tăng trưởng GDP quý I/2024 sẽ ở mức cao. Điều này cũng hàm ý rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao. Cuối cùng là cuộc họp quyết định chính sách của nhiều ngân hàng trung ương lớn, trong đó kỳ vọng chính sách tiền tệ của FED sẽ đảo chiều trong nửa cuối năm - đi kèm với sự hạ nhiệt của lạm phát, trong khi kinh tế vẫn duy trì lành mạnh. Yếu tố này sẽ thúc đẩy xu hướng khả quan của VN-Index trong năm 2024. Nhận định về những yếu tố sẽ tác động tới thị trường chứng khoán trong tháng 3, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta cho rằng, yếu tố đầu tiên vẫn là cuộc họp của FED diễn ra trong tháng 3 với việc đưa ra định hướng lãi suất trong thời gian tới. “Hiện nay thị trường vẫn đang kỳ vọng FED sẽ sớm giảm lãi suất, tuy nhiên có thể phải đến tháng 5 FED mới giảm lãi suất. Số liệu về lạm phát của Mỹ được công bố vừa qua ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc họp của FED trong tháng 3” - ông Minh nói. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, yếu tố thứ 2 có thể tác động đến thị trường, liên quan đến các quỹ ETF, trong tháng 3, khi các quỹ cơ cấu danh mục sẽ ảnh hưởng tới giao dịch của nhà đầu tư. Và cuối cùng là lợi nhuận ước tính của các doanh nghiệp trong quý I, nhiều khả năng cuối tháng 3 các doanh nghiệp sẽ sớm đưa ra một số ước tính theo hướng khả quan, điều này sẽ tác động tích cực đến thị trường. Định giá không rẻ, nhưng còn hấp dẫnDự báo về diễn biến của thị trường, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, tháng 3 là thời điểm quỹ ETF thực hiện cơ cấu danh mục, thông thường khi đến thời điểm tuần thứ 3 của tháng khi các quỹ cơ cấu thanh khoản thị trường sẽ sụt giảm và nhà đầu tư có dấu hiệu giao dịch dè chừng. “Do đó tôi dự báo trong giai đoạn này, chỉ số có thể vẫn duy trì đà tăng trong tháng 3, nhưng đến tuần thứ 3 áp lực đi ngang và điều chỉnh của thị trường có thể diễn ra” - ông Minh phân tích. Nói về định giá của thị trường, ông Minh nhận định, thị trường đã đi qua giai đoạn rẻ, nhưng cũng không quá đắt bởi chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu và thu nhập trên một cổ phiếu (P/E) của VN-Index vẫn ở dưới mức trung bình từ năm 2015. Do đó dư địa đi lên của thị trường vẫn còn nhiều. Ngoài ra, định giá này còn hấp dẫn hơn nữa trong tương lại nếu nhìn vào câu chuyện các doanh nghiệp niêm yết dự báo có mức tăng trưởng trung bình từ 25 - 28% so với năm 2023. Về mặt dòng tiền, với việc lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng thương mại vẫn ở mức thấp, đây sẽ là động lực khiến dòng tiền tìm đến các kênh đầu tư như cổ phiếu. Ngoài ra, nhờ vào đà hồi phục của nền kinh tế và các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2024 sẽ giúp dòng tiền tự tin hơn, thay vì lo ngại về rủi ro đà hồi phục kinh tế, cũng như khả năng suy thoái như năm 2023. Từ đó, nhà đầu tư có thể tự tin hơn khi đầu tư vào các kênh có độ rủi ro cao. Còn ông Võ Kim Phụng - Phó Phòng phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán BETA kỳ vọng, thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều khả năng sẽ vận động theo xu hướng tích cực trong năm 2024, được hỗ trợ bởi triển vọng tươi sáng hơn của nền kinh tế vĩ mô cùng với mặt bằng lãi suất thấp được duy trì. Dưới góc độ kỹ thuật, với việc vượt lên trên mốc kháng cự mạnh 1.250 điểm (đỉnh cũ tháng 9/2023) kèm theo thanh khoản thường xuyên duy trì ở mức cao; dòng tiền lan tỏa tích cực với sự dẫn dắt luân phiên của những nhóm cổ phiếu trụ, vốn hóa lớn; nhiều cổ phiếu đầu ngành thiết lập đỉnh lịch sử mới dù chỉ số VN-Index vẫn còn cách khá xa đỉnh lịch sử, cho thấy dấu hiệu dòng tiền lớn nhập cuộc; điều này làm gia tăng khả năng VN-Index sẽ sớm hướng đến vùng kháng cự cao hơn tại 1.280 - 1.300 điểm trong tháng 3/2024, cũng là tháng có xác suất tăng điểm khá cao của thị trường chứng khoán Việt Nam trong nhiều năm qua.
|