Môi trường kinh doanh sẽ có nhiều cải thiện |
Nhận định trên của TS. Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tại Hội thảo công bố “Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV năm 2014 và một số vấn đề chính sách 2015 - 2016” đã cho thấy cơ hội hiếm có cho Việt Nam thực hiện đổi mới.
Khởi đầu tốt từ cải cách thể chế
Năm 2014, Chính phủ đã thực hiện cắt giảm các thủ tục hành chính, giảm thời gian nộp thuế từ 872 giờ xuống còn 170 giờ, sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư… Ông Cung đánh giá, những nỗ lực đổi mới thể chế của Chính phủ sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực đến môi trường kinh doanh.
Cụ thể, quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp (DN) được mở rộng và bảo đảm chắc chắn hơn; các rào cản kinh doanh và gia nhập thị trường đều giảm đi; thu hẹp phạm vi và thẩm quyền can thiệp của nhà nước vào các DN có vốn nhà nước; cải thiện hiệu lực bảo vệ quyền của cổ đông, nhà đầu tư; mở rộng quyền tự chủ của DN, nhà đầu tư trong dàn xếp và quyết định các vấn đề quản trị nội bộ… Từ đó, giúp DN giảm rủi ro pháp lý, tăng mức độ an toàn trong đầu tư, kinh doanh; giảm chi phí tuân thủ và giao dịch, tăng lợi nhuận.
Ở tầm vĩ mô, hành lang pháp lý đã được cải thiện. Song, mấu chốt hiện nay, theo ông Cung, để những cải cách này đi vào thực tế đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước phải tôn trọng và không làm méo mó, sai lệch nội dung hay làm trái luật, cản trở sự phát triển của DN.
Kỷ luật thị trường mới là quan trọng!
Một trong những nội dung quan trọng nhất của đổi mới ở Việt Nam, ngoài thể chế, là nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, trong đó phải tăng cường được kỷ luật và trật tự thị trường thay vì quản lý bằng mệnh lệnh hành chính.
Nắm bắt cơ hội để thực hiện đổi mới thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, đồng thời nâng cao năng lực cho DN Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế. |
Thời gian qua, xăng dầu giảm giá nhưng cước vận tải “đứng yên” khiến một số bộ, ngành rốt ráo thanh tra, kiểm tra giá, yêu cầu các DN phải giảm giá nếu không sẽ bị phạt thích đáng, có nơi còn dọa rút giấy phép. Tuy nhiên, giá cước vận tải vẫn giảm không tương xứng. Câu chuyện này đã cho thấy cách quản lý thị trường bằng mệnh lệnh hành chính không còn phù hợp. Ông Cung phân tích, nguyên nhân cốt lõi của việc này là cung - cầu không cân đối trong ngắn hạn, nếu rút giấy phép của DN sẽ làm “bệnh” mất cân đối nặng thêm. “Việc can thiệp hành chính như thế chỉ làm thị trường méo mó hơn”- ông Cung bình luận. Bởi vậy, “công cụ quản lý phải là chính sách cạnh tranh và kiểm soát độc quyền chứ không phải là kiểm soát và thanh tra giá rồi ra lệnh hành chính”- ông Cung nhấn mạnh.
Thêm một dẫn chứng khác, trước hiện tượng hàng loạt các đại gia bán lẻ nước ngoài kéo theo hàng ngoại tấn công thị trường nội địa, nhiều ý kiến quan ngại cho rằng nên có biện pháp hạn chế các DN này. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Cung, không nên quản lý bằng hành chính (hạn chế DN), quan trọng hơn, các cơ quan nhà nước phải làm rõ vì sao hàng hóa do DN Việt Nam sản xuất không vào được các siêu thị của nước ngoài? “Do yêu cầu chiết khấu cao hay có các rào cản lớn khác? Thay vì hạn chế, chúng ta phải kiểm soát, ngăn chặn, loại bỏ các hành vi phân biệt đối xử, bất bình đẳng và cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường bằng Luật Cạnh tranh”- ông Cung lưu ý.