【lich bd duc】Chi trả hoa hồng cản trở việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất
Phát biểu trong phiên tham luận ngày thứ hai của Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2015, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn kết quả điều tra về môi trường kinh doanh của Việt Nam qua hai cuộc khảo sát DN FDI năm 2013 và 2014 trong khuôn khổ dự án Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI thực hiện cho thấy, khi so sánh Việt Nam với các nước khác đang cân nhắc đầu tư, các DN FDI đánh giá Việt Nam có lợi thế ở các lĩnh vực như: mức thuế hợp lý, nguy cơ bị thu hồi tài sản thấp, mức độ ổn định chính sách và dễ dàng tham gia vào quá trình hoạch định các chính sách có ảnh hưởng trực tiếp tới họ.
Về vấn đề này, ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện văn phòng JETRO Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cũng cho biết từ tháng 10 đến tháng 12-2014, JETRO đã thực hiện bản điều tra đánh giá môi trường kinh doanh tới 7.815 công ty Nhật Bản đầu tư tại 15 nước thuộc khối ASEAN, Tây Nam Á, Châu Đại Dương, có 3.208 công ty đã trả lời trong đó có 458 công ty tại Việt Nam.
Kết quả cho thấy có đến 57,5% DN cho biết điểm mạnh môi trường đầu tư của Việt Nam là tình hình chính trị, xã hội ổn định, hơn 50% xem giá nhân công rẻ là điểm mạnh, 46,8% DN coi quy mô thị trường và tiềm năng phát triển là điểm mạnh của Việt Nam. Trong tương lai, có khoảng 60% DN Nhật Bản có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, ông Atsusuke Kawada thông tin thêm.
Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, các DN FDI đều chia sẻ cảm nhận chung là môi trường kinh doanh của Việt Nam đang kém hấp dẫn hơn các quốc gia cạnh tranh khác về chi phí không chính thức, gánh nặng các quy định pháp luật, chất lượng dịch vụ công và chất lượng của cơ sở hạ tầng.
Theo đó, khoảng 50% DN FDI trước khi lựa chọn Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào nước khác (chủ yếu là Trung Quốc, Thái Lan và Campuchia). Những tỷ lệ này đều tăng so với năm 2013. “Sự gia tăng này tự thân nó là một chỉ báo quan trọng về thứ hạng của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam dường như không còn là điểm đến được ưu ái nhất đối với các nhà đầu tư quốc tế như giai đoạn 2007-2010, mà hiện giờ phải cạnh tranh với các đối thủ truyền thống trong khu vực”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Tuấn, kết quả khảo sát về những hoạt động kinh doanh mà DN có nguy cơ đối mặt với tham nhũng cho thấy, năm 2014 có 58% DN cho biết, công việc được giải quyết đúng sau khi chi trả chi phí không chính thức, 31% DN cho biết đã trả hoa hồng khi tham gia đấu thầu, 60% DN cho rằng có việc cơ quan quản lý sử dụng việc giám sát tuân thủ để đòi hỏi chi phí không chính thức.
89% DN cho biết họ ít nhiều đều gặp bất lợi với tần suất khác nhau (29% luôn luôn, 32% thường xuyên và 28% thỉnh thoảng) trong quá trình đấu thầu nếu họ từ chối chi tiền hoa hồng. “Kết quả này cho thấy ‘văn hóa chi trả hoa hồng' trong ký kết hợp đồng với cơ quan Nhà nước có thể cản trở việc lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất, dẫn đến chi phí cao hơn và chất lượng kém hơn”, ông Tuấn nhận định.
Trong khi đó, ông Atsusuke Kawada cũng cho biết, khi được hỏi về rủi ro trong môi trường đầu tư tại Việt Nam, có 58,1% DN chỉ ra đó là sự gia tăng chi phí nhân công, 42,4% DN cho là sự phức tạp trong các thủ tục hành chính, 38,9% DN cho là cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, 38,4% DN cho là sự phức tạp trong hệ thống thuế và thủ tục thuế. Đặc biệt có tới 60,3% DN cho rằng hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch.
Theo ông Atsusuke Kawada, mặc dù các chỉ số trên đã giảm xuống nhưng vẫn ở con số tương đối cao do đó Việt Nam cần cải thiện hơn nữa.