Bộ Tài chính kịp thời tháo gỡ vướng mắc nộp C/O do tác động dịch Covid-19 | |
Đã có Thông tư quy định thời hạn nộp C/O trong giai đoạn dịch Covid-19 | |
Tiếp tục cải cách thủ tục hải quan, hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch Covid-19 | |
Ngành Hải quan: Tháo gỡ trực tiếp các vướng mắc của doanh nghiệp |
Ngành Hải quan triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 Ảnh: N.Linh |
Đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi thương mại
Trong đó, Tổng cục tập trung triển khai các giải pháp vừa tạo thuận lợi thương mại vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Tổng cục Hải quan sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực hải quan; Chủ động, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho tổ chức, cá nhân trong quá trình làm thủ tục hải quan trên cơ sở đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, phù hợp với quy định của pháp luật.
Đặc biệt, chỉ đạo các đơn vị nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu hoặc có các biểu hiện tiêu cực, hạch sách, đòi hỏi tổ chức, cá nhân phải nộp, xuất trình các chứng từ, nộp các khoản phí, lệ phí không đúng quy định của pháp luật, làm chậm quá trình thông quan hàng hóa, gây thiệt hại hoặc làm phát sinh các chi phí cho doanh nghiệp.
Tổ chức thực hiện Thông tư số 47/2020/TT-BTC ngày 27/5/2020 của Bộ Tài chính quy định về thời hạn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ, hình thức nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu trong giai đoạn dịch viêm đường hô hấp cấp gây ra bởi virus Corona (Covid-19); kiểm tra, rà soát lại hồ sơ các lô hàng nhập khẩu có tờ khai hải quan nhập khẩu đăng ký từ ngày 23/1/2020, nếu chứng từ chứng nhận xuất xứ do doanh nghiệp nộp đáp ứng tiêu chí xuất xứ để được hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt thì xem xét xử lý theo quy định.
Cục hải quan các tỉnh có chung đường biên giới đất liền với Trung Quốc, Lào, Campuchia phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu tiếp tục duy trì các giải pháp vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động thông quan hàng hóa, tránh ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng đặt ra giải pháp phải nâng cao thực hiện có hiệu quả các giải pháp về công nghệ thông tin để hỗ trợ người khai hải quan, người nộp thuế; kết nối trao đổi thông tin với các bộ, ngành khi giải quyết thủ tục hành chính.
Cụ thể như, đẩy mạnh việc trao đổi, phối hợp cung cấp thông tin giữa cơ quan Hải quan với các cơ quan nhà nước có liên quan khác khi giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia; Áp dụng chữ ký số vào việc phát hành văn bản điện tử, tăng cường dịch vụ công trực tuyến hoạt động 24/7; phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy phép, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; Thực hiện việc kết nối thông tin trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia với Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đảm bảo việc thông quan hàng hóa được thông suốt.
Song song, nâng cấp hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu đảm bảo cho việc việc truyền, nhận dữ liệu, xử lý nhanh chóng, thông suốt; tăng cường phối hợp với Kho bạc Nhà nước, cơ quan Thuế và các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích cho doanh nghiệp tham gia nộp thuế điện tử và thông quan 24/7; triển khai có hiệu quả Hệ thống một cửa quốc gia đường hàng không và Hệ thống quản lý, giám sát tự động tại các sân bay quốc tế.
Đơn giản hóa cách thức nộp hồ sơ hải quan
Giải pháp tiếp theo được Tổng cục Hải quan triển khai là tiếp tục rà soát hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh như: Đơn giản hóa bộ hồ sơ hải quan, cách thức nộp hồ sơ hải quan thông qua việc bãi bỏ quy định nộp các chứng từ không cần thiết, các chứng từ đã có trên Cổng Thông tin điện tử của các bộ, ngành hoặc trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia; hạn chế việc nộp các chứng từ dưới dạng bản chính là bản giấy; chỉ yêu cầu nộp, xuất trình lần đầu đối với các chứng từ phải xuất trình cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu...
Bên cạnh đó, thực hiện các cắt giảm, đơn giản hóa các khâu nghiệp vụ trong quy trình thủ tục hải quan; rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng hóa; rà soát, cắt giảm các khoản phí, lệ phí, thuế có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Đặc biệt, đối với hoạt động kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, Tổng cục Hải quan tạm dừng hoạt động kiểm tra đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan trong năm 2020. Đối với trường hợp thanh tra chuyên ngành, kiểm tra sau thông quan theo dấu hiệu vi phạm và thanh tra, kiểm tra trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro, công chức kiểm tra phải nêu rõ dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu rủi ro và được sự phê duyệt của lãnh đạo đơn vị. Nếu doanh nghiệp có ý kiến đề nghị, giải trình cụ thể, xin chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra do khó khăn trong sản xuất, kinh doanh vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thì lãnh đạo đơn vị xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể.
Đồng thời đẩy mạnh hoạt động thu nhập, phân tích thông tin để phát hiện dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu rủi ro; chuẩn bị kỹ kế hoạch trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra đảm bảo các cuộc kiểm tra sau thông quan được thực hiện có chất lượng, hiệu quả.
Tiếp theo Tổng cục Hải quan đề ra các giải pháp để thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Hải quan trong các Hiệp định Thương mại song phương, đa phương giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ, không làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt là trong bối cảnh cả thế giới đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chế độ, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đến cộng đồng doanh nghiệp.
Trong hoạt động hành chính nội bộ, Tổng cục Hải quan khuyến khích các đơn vị áp dụng hình thức họp trực tuyến, giảm các loại báo cáo, áp dụng báo cáo phi giấy tờ, chỉ đạo điều hành qua các thiết bị trực tuyến trên cơ sở đảm bảo an ninh, an toàn.
Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, tình hình kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nhằm chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tiếp tục thực hiện mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Tổng cục Hải quan thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách hành chính, trọng tâm là: xây dựng nền đạo đức công vụ, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà sách nhiễu; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Kế hoạch hành động đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong và sau dịch bệnh Covid-19 hướng đến mục tiêu: 1. Tiếp tục cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. 2. Hoàn thiện thể chế, cơ sở pháp lý và quy trình thủ tục hải quan đảm bảo công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, cũng như việc phối kết hợp giữa cơ quan hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước khác trong quá trình giải quyết thủ tục hải quan tại cửa khẩu. 3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc: Trao đổi, phối hợp cung cấp thông tin giữa cơ quan Hải quan với các cơ quan nhà nước có liên quan khác khi giải quyết thủ tục hành chính; Gửi, tiếp nhận và trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính, giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp, của các tổ chức, cá nhân. 4. Đảm bảo thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các Hiệp định Thương mại song phương, đa phương giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ, không làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt là trong bối cảnh cả thế giới đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. 5. Phối hợp với các bộ, ngành trong việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan. |