(CMO) Do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, nhiều năm qua, cứ vào mùa mưa bão, tuyến đê biển Tây lại xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng và Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã nhiều lần ban bố tình huống khẩn cấp để xử lý sạt lở. Trước thực trạng đó, ngành chức năng tỉnh đã tìm được giải pháp nhằm khắc phục sạt lở, được xem là cách làm hay và hiệu quả nhất từ trước tới nay. Phóng viên báo Cà Mau có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai để tìm hiểu thêm về cách làm mới này.
Ðoàn công tác của Trung ương khảo sát tình hình sạt lở tuyến đê biển Tây, đoạn từ cống Hương Mai - Tiểu Dừa thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh vào ngày 19/11/2020 vừa qua. Ảnh: KIM CƯƠNG |
- Xin ông cho biết việc gia cố tuyến đê biển Tây đến thời điểm hiện tại đã có kết quả như thế nào?
Ông Nguyễn Long Hoai:Năm 2020 là một năm thời tiết hết sức cực đoan, ảnh hưởng nặng nề nhất từ trước đến nay. Hạn kéo dài, sạt lở, xâm nhập mặn, mưa bão thì tập trung, chỉ 1 tháng mà có tới 6-7 cơn bão. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Cà Mau đã ban bố tình huống khẩn cấp 3 lần.
Ðặc biệt, sạt lở rất nghiêm trọng. Trước đây, mỗi mùa chỉ sạt lở vài ki-lô-mét, nhưng giờ số ki-lô-mét sạt lở tăng theo cấp số nhân. Một trong những nguyên nhân chính là do tuyến rừng phòng hộ ngày càng mỏng dần, thân đê từ đó bị uy hiếp nặng nề. Hiện nay, bờ biển có hơn 9 km bị sạt lở nghiêm trọng và rất nghiêm trọng.
Trước tình hình cực đoan, Chủ tịch UBND tỉnh ban bố tình huống khẩn cấp để xử lý sạt lở ở tuyến đê biển từ tuyến Kênh Mới đến Tiểu Dừa đi qua địa giới hành chính 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh, cần gia cố khẩn cấp 5 đoạn với chiều dài trên 9 km. Huy động toàn lực để khắc phục nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra chính là nguồn kinh phí để sửa chữa và gia cố. Ðặc biệt, phải xem xét, quyết định những đoạn nào bức xúc thì xử lý trước, những vị trí bị uy hiếp thấp thì có thể chậm lại. Ðồng thời, tranh thủ nguồn vốn của Trung ương để xử lý kè cơ bản bên ngoài. Qua xem xét đánh giá, có những vị trí sạt lở tới chân đê, còn những vị trí sạt lở cách đai rừng phòng hộ từ 10-20 m.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chọn những giải pháp phù hợp nhất. Ví dụ như đoạn nào sạt lở sát chân đê thì ưu tiên xử lý chân khai (của mái kè) được cơ bản hơn để khi sóng ập vô thì đụng chân khai bị tiêu huỷ, từ đó khắc phục sạt lở tốt hơn. Ðến hiện tại, hơn 9 km sạt lở đã khắc phục. Hiện nay tiếp tục hoàn thiện những phần việc còn lại để đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão năm 2021.
- Thưa ông, những hoạt động gia cố đê đang được tiếp tục thực hiện là gì?
Ông Nguyễn Long Hoai:Ðến thời điểm hiện tại, phần chân khai đã đảm bảo an toàn cho việc chắn sóng, đang triển khai lắp mái che đấu nối với mặt đê để khi sóng ập vào đụng chân khai (không thể xoáy sâu vào chân đê) thì trượt lên mái che sẽ bị hạ nhiệt. Hiện có nơi đã xong phần mái che, có nơi đang gấp rút triển khai thực hiện. Dù có ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng các đơn vị thi công vẫn đang triển khai thi công, đưa quân, đưa lực lượng tập kết vật tư để hoàn thiện phần công việc còn lại. Về phía kỹ thuật thì ngành chức năng tỉnh thường xuyên phối hợp với các đơn vị thi công để đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão này.
- Với nhiều yếu tố tác động như kinh phí, tình hình thời tiết cực đoan, phương án thực hiện gia cố đê hiện tại có khác gì so với trước kia không và hiệu quả như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Long Hoai:Từ năm 2019 đã có 7 điểm sạt lở. Tỉnh cũng đã đưa ra 2 phương án xử lý cho tình huống này. Thứ nhất là áp bờ (áp mái và chân khai) và giải pháp dùng thảm đá để bảo vệ rừng phòng hộ bên ngoài. Ðây là giải pháp rất hiệu quả. Ðến năm 2020 thì vẫn duy trì nhưng có chỉnh sửa, do vấn đề về kinh phí nên chỉ làm được một số điểm bị uy hiếp. Còn những điểm lở nông thì dùng đá khan lót bên ngoài để bảo vệ rừng phòng hộ và giảm tốn kém kinh phí hơn.
Tuy nhiên, khó khăn cũng không ít. Trước đây, kinh phí tạm ứng từ nguồn quỹ phòng, chống thiên tai, nhưng hiện nay trước tình hình sạt lở do ảnh hưởng của thời tiết thì Chính phủ đã có gói hỗ trợ cho 48 tỉnh, thành, trong đó có Cà Mau (khoảng 6.500 tỷ đồng; riêng Cà Mau được hỗ trợ khoảng 150 tỷ đồng). Từ nguồn phân bổ này, tỉnh phân bổ khẩn cấp cho gia cố, xây mới phòng chống sạt lở bờ biển là chính. Ðồng thời, cũng ưu tiên cho các công trình khẩn cấp phòng chống thiên tai và xâm nhập mặn, sạt lở, ngập úng do mưa bão.
Nhưng nguồn kinh phí này không đáp ứng hết những nhu cầu cần thiết để xử lý do ảnh hưởng của mùa khô và mùa mưa của năm 2020. Ðể khắc phục khó khăn này, sẽ chọn những vị trí nguy hiểm, xung yếu xử lý trước. Những điểm còn lại, tranh thủ nguồn vốn của địa phương và huy động trong dân để xử lý dần.
- Xin cảm ơn ông!
“Cà Mau có chiều dài bờ biển 254 km. Trong đó, tuyến đê biển Tây bị đe doạ với chiều dài 108 km, ngành chức năng đã xử lý cơ bản trên 40 km, chiếm khoảng gần 50%. Còn 50% chưa thực hiện do thiếu kinh phí. Về rừng phòng hộ, có những điểm còn 100-500 m, những điểm mỏng thì còn khoảng 20-30 m; nếu những điểm này có kinh phí thực hiện thì sẽ bảo vệ được "lá chắn" đê. Những điểm này sẽ là những điểm bị uy hiếp trong mùa mưa bão tới”, ông Nguyễn Long Hoai thông tin. |
Kim Cương thực hiện