Chỉ thị nêu rõ: "Địa phương, đơn vị nào không hoàn thành Kế hoạch cấp Giấy chứng nhận được cấp có thẩm quyền giao thì cấp ủy đảng, chính quyền, trước hết là đồng chí Bí thư cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên.” Theo Chỉ thị, thời gian qua công tác quản lý đất đai nói chung và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn Hà Nội đạt kết quả tích cực, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Kết quả cấp Giấy chứng nhận trên địa bàn thành phố còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về đất đai và nguyện vọng chính đáng của các tổ chức, cá nhân. Chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ có mặt còn hạn chế,... Nguyên nhân chủ yếu do một số cấp ủy đảng chưa quan tâm thường xuyên trong công tác lãnh đạo. Một số chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ, thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành liên quan trong công tác tổ chức thực hiện cấp Giấy chứng nhận thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao; thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới; cơ chế, chính sách thực hiện chưa sát với thực tế ở từng địa phương. Với mục tiêu phấn đấu đến hết tháng 6 năm 2017 sẽ cơ bản hoàn thành công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân Thủ đô trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý và sử dụng đất đai, chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định. Các cấp ủy đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả trong năm 2016 và 2017. Thành ủy Hà Nội cũng cho biết sẽ lấy hiệu quả trong công tác cấp Giấy chứng nhận ở mỗi cơ quan, địa phương là tiêu chí quan trọng đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, năng lực hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Hiểu quả trong công tác cấp Giấy chứng nhận thể hiện ở các mặt: Công tác chỉ đạo, điều hành; sự hài lòng của tổ chức và người dân; số lượng Giấy chứng nhận được cấp lần đầu; số lượng Giấy chứng nhận được cấp đúng với thời gian quy định; số lượng các trường hợp vướng mắc được tháo gỡ, giải quyết; không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, làm trái quy định; hạn chế được thắc mắc, khiếu kiện. Chỉ thị cũng yêu cầu các cơ quan hữu quan tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt phương châm “Rõ người - rõ việc - rõ trách nhiệm - rõ quy trình - rõ hiệu quả”; phân công, xác định cụ thể cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì và các cơ quan phối hợp thực hiện. Tại mỗi cơ quan, đơn vị phải phân công rõ cán bộ lãnh đạo chịu trách nhiệm toàn diện, quy định trách nhiệm của các phòng, ban liên quan; xác định vị trí việc làm, quy định trách nhiệm cụ thể đối với từng cán bộ, công chức, viên chức theo quy trình xử lý công việc. Các cơ quan chuyên môn bố trí tối đa thời gian làm việc, các đơn vị liên quan bố trí thời gian phù hợp để phục vụ công tác cấp Giấy chứng nhận; xây dựng kế hoạch và công khai nội dung văn bản pháp luật, thời gian làm việc cho tổ chức, nhân dân được biết và giám sát. Quy trình xét, cấp Giấy chứng nhận, thu nghĩa vụ tài chínhkhi cấp Giấy chứng nhận phải đúng pháp luật, sát thực tế, dễ hiểu, dễ thực hiện, đảm bảo công khai, minh bạch; không ban hành chính sách giải quyết trường hợp cá biệt. Chỉ thị của Thành uỷ Hà Nội cũng nêu rõ yêu cầu các cấp uỷ chỉ đạo xây dựng mô hình tổ chức “cấp Giấy chứng nhận một cấp” thực sự tinh gọn, khoa học, hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khẩn trương thực hiện đưa một số công đoạn điều chỉnh, bổ sung Giấy chứng nhận lên mạng, tiến tới thực hiện cấp Giấy chứng nhận qua mạng thông tin trên địa bàn toàn thành phố. Thành uỷ yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo về đất đai và những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà, đồng thời, xem xét và xử lý trách nhiệm người đứng đầu của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm. Theo Chỉ thị, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân Thành phố, Ban Cán sự UBND TP, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các quận huyện có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện, giám sát theo chuyên đề, đôn đốc, tuyên truyền, vận động,... đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, công tác quan trọng này. |