Bộ Tài chính đề nghị khẩn trương phân bổ vốn và nhập Tabmis Căn cứ dự toán năm 2024 được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1603/QĐ-TTg ngày 11/12/2023 về việc giao kế hoạch vốn đầu tư công (ĐTC) năm 2024, với tổng số tiền 677.349 tỷ đồng (bằng 95% kế hoạch vốn ĐTC năm 2023). Để đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn này ngay từ tháng đầu, quý đầu của năm, với trọng trách được giao, Bộ Tài chính vừa có công văn (số 405/BTC-ĐT) đôn đốc các bộ, ngành, địa phương phân bổ, nhập dự toán Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) và giải ngân kế hoạch vốn ĐTC nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024. Tại công văn, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện phân bổ chi tiết vốn kế hoạch ĐTC cho từng nhiệm vụ, dự án đã đủ điều kiện giao vốn, theo quy định của pháp luật về ĐTC và các quy định của Chính phủ hiện hành; gửi Bộ Tài chính làm cơ sở để thực hiện kiểm tra việc phân bổ và thanh toán kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024. Đồng thời Bộ Tài chính cho biết, hiện đã triển khai nhập Tabmis năm 2024 từ cấp 0 xuống cấp 1 cho các bộ, cơ quan trung ương đảm bảo hoàn thành trước 31/12/2023; đồng thời đang triển khai nhập Tabmis năm 2024 từ cấp 0 xuống cấp 4 cho các địa phương. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương nhập dự toán trên Tabmis đảm bảo theo đúng thời gian đã quy định để cơ quan tài chính có cơ sở phê duyệt, đảm bảo dự toán giải ngân cho các dự án. Để việc giải ngân vốn ĐTC năm 2024 được thuận lợi, Bộ Tài chính đã yêu cầu Kho bạc Nhà nước (KBNN) tăng cường việc nhận và gửi hồ sơ làm cơ sở kiểm soát, thanh toán theo hình thức trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của KBNN. KBNN thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho từng lần giải ngân cho đến khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng thì mới chuyển sang hình thức “kiểm soát trước, thanh toán sau”. Đầu tư công - động lực chính cho tăng trưởng kinh tế địa phương Năm 2024 là năm quan trọng tạo đà thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của cả giai đoạn 2021-2025. Do đó, ĐTC vẫn được xác định là động lực quan trọng hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng, là vốn mồi dẫn dắt, thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Xác định rõ mục tiêu này, tại các địa phương, công tác giải ngân vốn ĐTC đang được các cấp lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt. Đơn cử như tỉnh Khánh Hòa được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn ĐTC năm 2024 trên 7.669 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã phân bổ chi tiết trên 5.386 tỷ đồng. Để không bị động và không dồn việc giải ngân vốn ĐTC vào cuối năm, lãnh đạo tỉnh này đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hòa có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở chủ đầu tư (CĐT) thực hiện các thủ tục đối với phần vốn chưa được giao; giữ lại một phần vốn địa phương để phòng các tình huống phát sinh; tham mưu phân bổ nguồn vốn, tránh tình trạng dồn vào cuối năm, nếu không kịp điều chuyển thì phải tìm hướng để điều chuyển phù hợp, đúng quy định. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các CĐT phải làm việc với địa phương để thống nhất tiến độ giải phóng mặt bằng, sau đó gửi UBND tỉnh để có lịch làm việc cụ thể. Sở Tư pháp nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh về cơ sở pháp lý cho việc tách công tác giải phóng mặt bằng và xây lắp trong 1 dự án thành 2 hợp phần riêng để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giải ngân vốn ĐTC. Với Đà Nẵng, năm 2024 thành phố được giao hơn 8.881 tỷ đồng vốn ĐTC, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2023. Trong khi đó, đến hết tháng 12/2023, thành phố mới giải ngân đạt khoảng 73% kế hoạch vốn được giao của năm 2023. Nguyên nhân khiến cho Đà Nẵng giải ngân chưa đạt như kỳ vọng vẫn là những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và các thủ tục đầu tư. Để không xảy ra tình trạng này trong năm 2024, tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024 của TP. Đà Nẵng vừa được tổ chức mới đây, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBNC các quận, huyện cần tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về quy trình, thủ tục chuẩn bị đầu tư, thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện dự án. UBND tỉnh Quảng Trị cũng vừa ban hành chỉ thị về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ĐTC, phấn đấu năm 2024 hoàn thành 100% kế hoạch. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các CĐT phải có tinh thần đổi mới, quyết tâm chính trị cao, trách nhiệm hơn nữa trong triển khai công việc. Các cơ quan, đơn vị khắc phục nhanh các điểm nghẽn và tăng tốc giải ngân ngay từ đầu năm là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của đơn vị, địa phương mình để quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung triển khai nghiêm túc, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; phấn đấu tỷ lệ giải ngân hàng tháng của tỉnh cao hơn mức trung bình của cả nước. Chủ tịch tỉnh Quảng Trị đặt quyết tâm trước ngày 31/12/2024, giải ngân đạt 100% kế hoạch năm 2024 và 100% kế hoạch năm 2023 được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2024.
|