【bxh fifa 2024】Nghị quyết 01 năm 2014: Chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm
Theo Nghị quyết, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 đã được Quốc hội thông qua là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh. Bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Về chính sách tài khóa, Nghị quyết yêu cầu thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính
Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về điều hành ngân sách nhà nước, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ thu, chi theo dự toán đã được Quốc hội quyết định. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính. Không ban hành, điều chỉnh chính sách làm giảm thu và tăng chi ngân sách nhà nước ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước và an ninh tài chính quốc gia. Điều hành bội chi ngân sách nhà nước theo kế hoạch. Trường hợp tăng thu so với dự toán được giao, Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án sử dụng một phần để giảm bội chi ngân sách nhà nước.
Tổ chức thực hiện tốt các Luật thuế sửa đổi, bổ sung và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước theo Nghị Quyết của Quốc hội. Tăng cường công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, bao gồm cả nguồn thu từ xử phạt vi phạm hành chính; triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá, thực hiện kịp thời và kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng; đẩy mạnh việc xử lý và thu hồi nợ thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chất chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thu ngân sách. Phối hợp với Bộ Tư pháp chấn chỉnh việc bán đấu giá tài sản của Nhà nước, bao gồm cả việc đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm thực hiện theo đúng quy định. Rà soát các chính sách thu ngân sách, điều chỉnh chính sách thuế bảo đảm phù hợp với lộ trình giảm thuế theo các cam kết quốc tế.
Rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước, bảo đảm đúng dự toán được duyệt. Triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước, sự nghiệp công, cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác. Không mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật); hạn chế tối đa chi chuyển nguồn. Từng bước xử lý dứt điểm các khoản mà ngân sách còn nợ. Nghiên cứu, có giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo, lãng phí, kém hiệu quả trong việc bố trí kinh phí và triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Phát hành trái phiếu Chính phủ phù hợp với tiến độ giải ngân các dự án, khả năng thị trường, tình hình kinh tế vĩ mô và gắn kết chặt chẽ với điều hành chính sách tiền tệ, nhất là kiểm soát tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán hợp lý, phù hợp với mục tiêu kiếm soát lạm phát. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả và theo đúng quy định.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nợ công, nhất là quản lý sử dụng có hiệu quả vốn vay, quản lý tốt nợ trung hạn và quỹ tích lũy trả nợ, quản lý và xử lý kịp thời rủi ro; kiểm soát chặt chẽ việc cấp bảo lãnh Chính phủ, tăng cường cơ chế chia sẻ rủi ro đối với các khoản vay nước ngoài của Chính phủ về cho vay lại... bảo đảm kiểm soát mức dư nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn.
Rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các quỹ tài chính công ngoài ngân sách, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II-2014.
Chấn chỉnh, xử lý kịp thời các sai phạm của các Bộ, cơ quan, địa phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Kiểm tra, giám sát và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các sai phạm của các Bộ, cơ quan, địa phương trong phân bổ, bố trí và sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ.
Rà soát các nội dung đầu tư, cắt giảm các chi phí, hạng mục chưa cần thiết trên nguyên tắc vẫn bảo đảm mục tiêu chủ yếu của dự án; căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án và xem xét quyết định dừng những dự án chưa thật cấp bách, kém hiệu quả.
Tiếp tục thực hiện 16 chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, lồng ghép và thu gọn mục tiêu, giảm chi sự nghiệp, bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng vốn hiệu quả; khắc phục những tồn tại, yếu kém trong quá trình triển khai thực hiện.
Hiệp Hòa
相关推荐
- Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ 2025: Triển vọng tích cực
- Thành lập chi bộ trong doanh nghiệp tư nhân
- Đồng hành cùng thanh niên công nhân vượt qua đại dịch
- Quan tâm, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
- Bắt nguyên phó phòng và chuyên viên quản lý đô thị huyện Trảng Bom
- Tấn công mạnh tội phạm kinh tế trong những tháng cuối năm
- Vùng 5 Hải quân rút kinh nghiệm đợt cao điểm chống khai thác IUU
- Dạy và học trực tuyến sớm đi vào ổn định