Tuy nhiên, theo đánh giá của các DN, dù người đứng đầu Chính phủ rất quyết tâm nhưng trên thực tế nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn chưa quyết liệt trong việc thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và DN. Trên nóng, dưới lạnh! Tại hội nghị sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về Hỗ trợ và phát triển DN khu vực phía Bắc do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 6/3, nhiều Hiệp hội, DN cho biết, sau một năm triển khai, Nghị quyết 35 đã góp phần tạo dựng niềm tin của cộng đồng DN, đã hỗ trợ và thúc đẩy DN phát triển. Chính phủ đã và đang đồng hành cùng DN tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhờ tinh thần của Nghị quyết 35, nhiều kiến nghị của DN được chấp thuận, từ đó tạo sức bật để DN cất cánh. Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, để đạt được mục tiêu tới năm 2020 Việt Nam có tổi thiểu 1 triệu DN, Chính phủ đã có những quyết sách quan trọng đó là xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ phục vụ, Chính phủ hành động, vì người dân và vì DN, để đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn và thuận lợi nhất cho DN. Người đứng dầu VCCI cho biết, Nghị quyết 35 được thực hiện đã giúp chuyển biến mạnh các thủ tục với DN, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm tới mức tối đa các điều kinh doanh, giảm chế độ xin cho và công tác thanh kiểm tra DN. Bên cạnh đó, có một yêu cầu quan trọng là một công việc chỉ có một cơ quan của Chính phủ chịu trách nhiệm và trong mỗi cơ quan chỉ có một người đảm nhiệm, chịu trách nhiệm. Người dân, DN muốn giải quyết công việc đó chỉ cần gặp một người, tránh tình trạng DN phải bổ sung hồ sơ liên tục từ các cơ quan khác nhau. Ông Nguyễn Xuân Thành, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình nhận định, Nghị quyết 35 là “luồng gió mới”, tạo niềm tin cho nhân dân vào Chính phủ, là nghị quyết đúng và trúng lòng dân và DN. Nhiều ý kiến đến từ các Hiệp hội DN cũng cho rằng, Nghị quyết 35 là bước đột phá về chính sách, nếu thực hiện được đúng như Nghị quyết thì sẽ là sự hỗ trợ rất tốt cho DN. Tuy nhiên, dù đã tạo được một số chuyển biến, kết quả triển khai Nghị quyết này còn chưa thực sự được như mong muốn, bởi vẫn còn các bộ, ngành còn trì trệ, trây ỳ, thờ ơ, thiếu trách nhiệm, không muốn bắt tay vào thực hiện và giải quyết với nhiều lý do. Ghi nhận Chính phủ đã có nhiều đột phá trong Nghị quyết 35, cùng kết hợp với Nghị quyết 04 của TƯ Đảng, Chính phủ đã đồng hành và hỗ trợ hết sức cho sự phát triển của DN, nhưng ông Nguyễn Văn Đệ, đại diện Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa cho rằng sự chuyển biến còn quá chậm do tư tưởng bao cấp, trì trệ dẫn đến một số lãnh đạo địa phương còn chưa có ý thức phối hợp và hỗ trợ DN. Một số địa phương ký kết với VCCI về thực hiện Nghị quyết 35 nhưng chỉ là ký “cho có”, còn thực tế lại thiếu hành động, thờ ơ và thiếu trách nhiệm xã hội, gây cản trở sự phát triển của DN và cản trở Nghị quyết 35. Đại diện một Tập đoàn lớn cũng cho rằng việc thực hiện nghị quyết này vẫn theo kiểu “trên nóng, dưới lạnh”, bởi Nghị quyết 35 thể hiện ý chí, quyết tâm của Chính phủ với cộng đồng DN, tạo điều kiện phát triển DN, tuy nhiên ảnh hưởng của nó với DN, doanh nhân vẫn còn rất xa, chưa tương thích với quan điểm của Chính phủ và tinh thần của Nghị quyết. Nguyên nhân thiếu sự đồng bộ cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính chậm và chưa hiệu quả, năng lực cán bộ công chức còn hạn chế, việc hỗ trợ xúc tiến thương mại còn hạn chế. Lãnh đạo cần có số điện thoại nóng Dẫn con số 100.000 DN được thành lập mới năm 2016, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hưng Yên cho rằng, có điều đáng buồn là ngay trong tháng 1/2017 có 8.900 DN đăng ký mới thì có 13.290 DN giải thể... Bên cạnh đó, dẫn kết quả hàng loạt ngành XK không đạt mức kim ngạch theo kế hoạch, nếu cả năm 2016 xuất siêu 2,68 tỷ USD thì tháng 1 và 2/2017 đã nhập siêu 1,3 tỷ USD, đại diện Hiệp hội này lo lắng liệu mốc 1 triệu DN vào năm 2020 có quá xa vời không, đồng thời đặt câu hỏi phải chăng liều thuốc của Chính phủ chưa đủ hay chưa đúng bệnh? Đại biểu này cũng băn khoăn, DN XK phải làm gì khi các đối tác cạnh tranh trực tiếp từ các quốc gia khác được hưởng lợi thế khi đồng nội tệ của họ giảm giá tới gần 20%/năm, trong khi nước ta chỉ giảm giá 1,5%? Tại sao ta không điều chỉnh tỷ giá VNĐ theo cách các nước trong khu vực đã làm để giúp DN XK tồn tại, giúp tăng trưởng XK, giảm nhập siêu. “Chúng ta tin rằng nghị quyết này là đúng hướng nhưng DN vẫn phải chờ. Tôi nghĩ 5 năm chưa chắc đã làm được nhiều. Chúng ta cần làm thế nào để nuôi sống các DN đang tồn tại, giúp DN hồi sinh, có thể cạnh tranh với hàng hóa trên thế giới hiện nay, từ đó làm động lực cho các DN khác mở rộng”, Chủ tịch Hiệp hội DN Hưng Yên nhận định. Để nghị quyết 35 thực sự đi vào cuộc sống, theo ông Nguyễn Văn Đệ, vấn đề là ở con người, mà quan trọng và đi đầu là những người lãnh đạo. Bởi chính sách không có ý thức sẽ lôi xã hội tụt lùi. “Lãnh đạo Đảng và Nhà nước phải có điện thoại nóng để tiếp nhận ý kiến của DN. Nếu thiếu thông tin không thể hỗ trợ cho DN được. Đồng thời, lãnh đạo TƯ cần quán triệt được đội quân giúp việc để tiếng nói của DN đến được với lãnh đạo thì Nghị quyết mới thực hiện tốt được. Hiện nay nhiều thông tin của DN không đến được với lãnh đạo Đảng và Nhà nước, dẫn đến chìm xuồng”, ông Đệ nhấn mạnh. Cho rằng hiện nay vấn đề thanh kiểm tra trong DN còn rất nặng, nhiều văn bản thông tư đã cũ vẫn đang được viện dẫn, khiến nhiều DN bị thanh kiểm tra hàng chục lần/năm, ông Nguyễn Văn Đệ cho rằng cần làm sao năm 2017, cộng đồng DN thực sự được tạo điều kiện phát triển. Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Phú Thọ cho rằng, cản trở lớn nhất của lực lượng sản xuất là đạo đức và năng lực còn hạn chế. Một số DN văn hóa doanh nghiệp còn yếu kém, không hợp tác, không tái cấu trúc trong thời điểm này, không tự làm mới mình. Bên cạnh đó, quan điểm giải quyết công việc của công chức làm lãnh đạo đây đó còn chưa thống nhất, không có tiêu chí chung, một sự việc nhưng mỗi lãnh đạo có một hướng xử lý khác nhau dẫn tới gây khó khăn cho DN, thậm chí làm phá sản DN. Bên cạnh đó, bộ máy thực hiện cấp dưới vẫn còn nhiều bất cập. Những điều này dẫn đến tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, làm chậm sự phát triển chung của cộng đồng DN, đây là điều Nhà nước cần quan tâm chú trọng. “Chính phủ phải có bộ máy gồm những con người tâm sáng, có năng lực tiếp thu những vấn đề bất cập và cản trở trong sản xuất của DN để từ đó giải quyết và tạo điều kiện gỡ khó cho DN”, ông Nguyễn Mạnh Thản đề xuất. Nhiều chuyên gia, DN cho rằng, để Nghị quyết 35 thật sự là động lực hỗ trợ cho DN, tới đây, các địa phương cần sớm thành lập trung tâm dịch vụ hành chính công cấp tỉnh, tạo sự minh bạch cho người dân, DN được giám sát tiến trình giải quyết công việc của cơ quan ban ngành thông qua website, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn theo ISO về giải quyết thủ tục hành chính, làm căn cứ xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ, tập huấn tuyên truyền công chức nhận thức rõ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ hành chính công, đặc biệt cần có chế tài xử lý nghiêm công chức vi phạm luật công chức.
|