游客发表
发帖时间:2025-01-25 09:09:47
Việc bảo vệ di sản văn hóa sẽ được thực thi hiệu quả hơn
Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là sự kiện rất có ý nghĩa không chỉ với lĩnh vực di sản văn hóa mà với toàn ngành Văn hóa, toàn xã hội. Luật sửa đổi lần này có nhiều điểm mới, xuất phát từ thực trạng bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong nước cũng như tiếp thu kinh nghiệm của thế giới. Chúng ta có thể thấy trong Luật chứa đựng rất nhiều khái niệm mới, quy định mới, đặc biệt là những quy định quan trọng về bảo vệ, phát huy giá trị di sản tư liệu.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa được thực thi hiệu quả hơn. Vấn đề hiện nay là triển khai thực hiện luật như thế nào. Hội Di sản văn hóa đã đưa vào kế hoạch của nhiệm kỳ tới, nhất là trong năm 2025 về việc tổ chức các lớp tập huấn. Cơ quan ngôn luận của Hội sẽ tuyên truyền mạnh mẽ để luật ngày càng được lan rộng, thấm sâu trong các tầng lớp xã hội. Bảo vệ di sản văn hóa thì điều trước tiên là chúng ta phải hiểu luật, từ đó mới có thể tạo sức lan tỏa.
Lâu nay, chúng ta nói nhiều đến thực trạng thiếu hiểu biết, không tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa. Hy vọng sau khi Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được ban hành, với sự tham gia vào cuộc từ nhiều phía, trong đó có Hội Di sản văn hóa Việt Nam thì vấn đề nhận thức trong cộng đồng sẽ được nâng cao...
(PGS.TS ĐỖ VĂN TRỤ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam)
Những điểm mới trong luật sẽ sớm phát huy hiệu quả
Trước khi thông qua, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được rà soát rất công phu, kỹ lưỡng. Do vậy, tôi tin tưởng rằng những điểm mới chắc chắn sẽ nhanh chóng phát huy hiệu quả. Những quy định mới sẽ giúp cho hành lang pháp lý về di sản văn hóa sẽ chặt chẽ, đầy đủ và bao quát hơn; gỡ bỏ những rào cản, vướng mắc, những quy định không rõ ràng ở luật trước đây như công nhận hình thức sở hữu riêng, quy định về thị trường cổ vật, hồi hương báu vật, bảo tàng tư nhân…
Đặc biệt, những quy định liên quan đến khai thác các giá trị kinh tế từ di sản văn hóa khi di sản đang là một nguồn lực đầy tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa. Luật càng quy định chi tiết càng giúp cho việc thực thi hiệu quả, tránh được hai thái cực, một là lo lắng, bảo tồn quá mức mà không cho khai thác nguồn lực di sản để phát triển kinh tế; mặt khác là nhân danh phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo để gây nên biến tướng, bóp méo bản chất di sản. Về Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa, tôi thấy rất cần thiết. Trên thế giới luôn có những quỹ như vậy để dự phòng và xử lý những vấn đề cấp bách, chẳng hạn như hồi hương cổ vật với quá nhiều quy trình thủ tục trong khi thời gian không cho phép kéo dài thì từ quỹ sẽ giúp chúng ta chớp được những cơ hội đôi khi chỉ diễn ra trong một vài phút. Hoặc khi cần hỗ trợ những vấn đề cấp bách khác thì cũng rất cần có quỹ, giúp cho việc bảo tồn di sản văn hóa chủ động, kịp thời hơn.
(GS.TS TỪ THỊ LOAN, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện VHNT quốc gia Việt Nam)
Vai trò của cộng đồng, chủ thể di sản được đề cao
Chúng ta có thể thấy những bất cập như mối quan hệ giữa di sản và tôn giáo, tín ngưỡng; sức ép lên di sản từ bài toán phát triển kinh tế - xã hội, hành lang pháp lý để bảo vệ di sản tư liệu; nạn xâm phạm, ứng xử tùy tiện với di sản… Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vừa được thông qua đã đưa ra giải pháp để tháo gỡ những vấn đề cấp bách mà thực tiễn đang đặt ra, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hội nhập, phù hợp với các điều ước quốc tế mà chúng ta tham gia.
Đối với các địa phương, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tạo cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ di sản, nâng cao nhận thức cộng đồng và ý thức người dân. Tại các bản làng vùng cao, vai trò của đồng bào các dân tộc, chủ thể di sản được đề cao. Điều này rất quan trọng, bởi vai trò của cộng đồng không chỉ có bảo tồn mà còn có tái sáng tạo. Luật cũng kiến tạo hành lang pháp lý bảo vệ và phát huy di sản tư liệu. Những quy định mới không chỉ giúp nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ di sản tư liệu mà còn là hướng dẫn các địa phương, cộng đồng, dòng họ trong việc bảo quản, phát huy giá trị loại hình di sản này, tạo cơ sở để số hóa các di sản tư liệu...
(TS TRẦN HỮU SƠN, Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng)
Luồng sinh khí mới trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa
Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã cơ bản tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn trong quá trình triển khai luật trước đây. Luật đã đề cập những vấn đề cụ thể nhằm tháo gỡ nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách như quy định việc xác lập di sản văn hóa theo từng loại hình sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng. Điểm nghẽn này đã khiến cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không kịp thời, đặc biệt đối với các di tích có liên quan đến tôn giáo. Bên cạnh đó, luật quy định rõ ràng về thẩm quyền, trách nhiệm quản lý di sản văn hóa.
Các chính sách của Nhà nước được quy định tại luật cùng với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa cũng được Quốc hội xem xét thông qua tới đây, chúng ta sẽ có cơ chế để huy động các nguồn lực đầu tư cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Mặt khác, luật cũng đã đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quản lý, bảo vệ và phát huy các di sản, nhất là trong quá trình tu bổ các di tích tại các địa phương; chú ý hơn đến việc quản lý các di vật, cổ vật, hiện vật, bao gồm cả các di sản vật thể và phi vật thể, trưng bày cả trong và ngoài nước… Những điểm mới trong luật sẽ mang lại luồng sinh khí mới cho các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa.
(Ông TRƯƠNG MINH TIẾN, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội)
Đặt di sản vào trung tâm của chính sách phát triển
Luật sửa đổi không những đáp ứng yêu cầu bảo vệ giá trị của di sản mà còn khơi dậy sức mạnh văn hóa, như động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước. Trong dòng chảy đô thị hóa và toàn cầu hóa, nhiều di sản văn hóa đứng trước nguy cơ bị lãng quên. Những thay đổi trong luật là nỗ lực mạnh mẽ nhằm bảo vệ các giá trị đó trước sự bào mòn của thời gian và áp lực kinh tế. Đây không chỉ là hành động bảo tồn, mà còn là cách để đặt di sản vào trung tâm của các chính sách phát triển, biến di sản thành nguồn cảm hứng, thành sức mạnh mềm thúc đẩy sự sáng tạo và hội nhập quốc tế.
Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) phản ánh tầm nhìn chiến lược về việc hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, không chỉ tập trung bảo vệ mà còn mở rộng cơ hội để cộng đồng tham gia gìn giữ và phát huy giá trị di sản; không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà trở thành chủ thể của các hoạt động bảo tồn. Luật cũng thể hiện sự đồng bộ hóa với hệ thống pháp luật hiện hành và các cam kết quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam sánh vai với các quốc gia trên thế giới trong việc bảo vệ các giá trị văn hóa nhân loại.
(TS NGUYỄN DOÃN VĂN, Giám đốc BQL Di tích danh thắng Hà Nội)
Giải quyết những vấn đề “nóng”
Những điều chỉnh sát thực tiễn tại Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ giúp công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Thứ nhất, việc huy động các nguồn lực cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di tích hiệu quả hơn. Thứ hai, vấn đề phân rõ trách nhiệm, phân cấp phân quyền, tạo điều kiện cho các đơn vị quản lý chủ động, phát huy vai trò trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích đã được thể hiện rõ. Thứ ba, liên quan đến vấn đề thực tiễn rất “nóng” là điều chỉnh khu vực I, II; cấp phép xây dựng nhà cửa trong khu vực bảo vệ của di tích, vùng giáp ranh cũng được xác lập những quy định cụ thể.
Đây là những vấn đề mà các di tích, đặc biệt các di tích trong khu dân cư đang vướng mắc. Trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng thì câu chuyện bảo vệ di tích, khắc phục những vướng mắc đang là vấn đề cần được tháo gỡ, trong đó có Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Mong rằng sau luật, các Nghị định, Thông tư sẽ quy định cụ thể giúp tháo gỡ những vướng mắc này.
(TS LÊ XUÂN KIÊU, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám)
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接