(CMO) Sống ở ấp Kênh Đào Tây, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển hơn 20 năm, giấc mơ an cư của anh Huỳnh Chí Tâm vẫn chưa trọn vẹn. Bởi anh đang sống trong khu vực bị sạt lở, mỗi khi triều cường là nhà anh lại ngập, sóng đánh sụp đất tới đâu thì anh dời nhà đến đó. Anh Tâm bộc bạch: “Đi lại khó khăn, mình đi làm, buôn bán cũng không thuận tiện, hoàn cảnh này chỉ biết chịu thôi”.Đa phần những hộ dân ở đây chủ yếu bám biển để sinh sống. Hầu hết những hộ này không có đất sản xuất nên phải chấp nhận sống chung với sạt lở. Chị Phạm Thị Mãi, ấp Kênh Đào Tây, xã Đất Mũi, tâm sự: “Ở dưới mé mình chịu không nổi thì từ từ dời lên thôi, mỗi lần dời khoảng 40 triệu đồng. Khi nào dời nhà hết nổi thì lên rừng, tìm chỗ khác ở. Thấy vậy chứ ở đây mình dễ làm ăn hơn, xuồng, ghe có chỗ neo đậu”. Anh Phạm Văn Bảo, ấp Đường Đào, thị trấn Rạch Gốc, ái ngại: "Năm rồi mới dời nhà lên, có trồng cây làm bờ kè tạm, thấy cũng ổn nhưng không biết sau này có sạt lở không. Nếu trồng rừng lại thì mất vài năm cây mới giữ được đất". Huyện Ngọc Hiển hiện có 7 điểm nóng về sạt lở đất, có khoảng 1.000 hộ dân đang sinh sống và chịu ảnh hưởng về sạt lở. Theo dự báo, tình hình sạt lở sẽ diễn biến rất phức tạp. Để nâng cao ý thức phòng, chống sạt lở của người dân, huyện đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trong khu vục có nguy cơ sạt lở sơ tán đồ đạc, di dời đến nơi an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản./.
Nhật Minh |