Lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng vừa có chỉ đạo các biện pháp liên quan đến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và những giải pháp tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, lãnh đạo Cục yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh tại Chỉ thị 11/CT-TTG ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, tập trung các biện pháp tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa, hoàn thuế, gia hạn nộp thuế của doanh nghiệp theo quy định; tăng cường kiểm soát nội bộ, chấn chỉnh, xử lý nghiêm CBCC có hành vi lợi dụng chính sách kiểm soát dịch bệnh để gây phiền hà doanh nghiệp. Đặc biệt, lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng yêu cầu Chi cục Kiểm tra sau thông quan; Phòng Thanh tra- Kiểm tra xem xét, không tổ chức kiểm tra định kỳ, thanh tra chuyên ngành trong năm 2020 đối với doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng chỉ đạo các đơn vị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Trao đổi với phóng viên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan (Cục Hải quan Hải Phòng) Nguyễn Thị Quỳnh Nga cho biết: Trước tình hình dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp và thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng, đơn vị đã và đang tích cực thực hiện đồng bộ các biện pháp, trong đó có hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp và kiểm tra doanh nghiệp. Trong đó, Chi cục Kiểm tra sau thông quan đang tạm ngừng tổ chức kiểm tra đánh giá tuân thủ, trước đó khi dịch bệnh bùng phát, Chi cục đã tạm dừng kiểm tra các doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc, Nhật Bản… “Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời để đảm bảo an toàn cho CBCC, Chi cục tăng cường thu thập, phân tích thông tin, đánh giá rủi ro thông qua các hệ thống nghiệp vụ. Trường hợp xác định được những vụ việc vi phạm rõ ràng sẽ có hình thức tổ chức kiểm tra phù hợp để vừa đảm bảo hiệu quả quản lý, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch và hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp. Đơn cử như khi phát hiện dấu hiệu vi phạm sẽ đưa ra các nội dung yêu cầu doanh nghiệp giải trình trước, thông qua việc gửi hồ sơ tài liệu giải trình gián tiếp qua hệ thống bưu chính, văn thư…”- bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga cho biết thêm. Năm 2019, Chi cục Kiểm tra sau thông quan thực hiện 502 cuộc kiểm tra, trong đó có 143 cuộc tại trụ sở doanh nghiệp, thu nộp ngân sách hơn 167 tỷ đồng. |