Ngày 23/10, Sở Công Thương TPHCM có văn bản gửi Bộ Công Thương đề xuất một số giải pháp quản lý, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, xuất hiện nhiều dấu hiệu vi phạm trên các nền tảng thương mại điện tử. Điển hình là quảng cáo, khuyến mại vượt quá 50% giá trị hàng hóa, dịch vụ, vi phạm quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến Thương mại. Tình trạng này diễn ra phổ biến trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, Sở Công Thương TPHCM đề xuất Bộ Công Thương quyết liệt ngăn chặn hiển thị quảng cáo, khuyến mại vi phạm quy định trên các website, nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội… Đồng thời áp dụng biện pháp chế tài nghiêm khắc như ngăn chặn, tạm ngưng hoặc đình chỉ hoạt động tên miền, ứng dụng tại Việt Nam đối với các website, nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội… vi phạm nhiều lần.
Bộ Công Thương cũng cần rà soát quy định pháp luật về thương mại điện tử hiện hành; kiểm tra, đánh giá sự tuân thủ quy định của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới quốc tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp trong nước. Theo quy định của Nghị định 85/2021/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, trách nhiệm của thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam là phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn các giao dịch hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật Việt Nam; thực hiện các nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, quy định hiện hành chưa quy định rõ các nghĩa vụ khác như các thương nhân, tổ chức đăng ký hoạt động thương mại điện tử trong nước và chưa quy định cụ thể các biện pháp chế tài xử lý vi phạm. Sở Công Thương TPHCM cũng kiến nghị cần nghiên cứu, sớm ban hành các quy định cụ thể hơn về kiểm soát hàng hóa trong thương mại điện tử xuyên biên giới để có cơ sở pháp lý quản lý, điều chỉnh hiệu quả các hoạt động này, nhất là một số nội dung còn bỏ ngỏ hoặc chưa có cơ sở để can thiệp. |