Loại bỏ sân chơi của DNNVV
Ông Trần Đức Diễn, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Maxland |
Ủng hộ điều này, ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Reenco Sông Hồng cho rằng việc nâng mức vốn pháp định khi thành lập DN BĐS tối thiểu 50 tỷ đồng là cần thiết, nhưng vấn đề là cách làm như thế nào để thỏa mãn yêu cầu hiện nay của cả ba chủ thể: DN, nhà quản lý và người dân. Đây mới là cái đích của luật. Kinh doanh BĐS đòi hỏi nhiều vốn. Quy định mức vốn tối thiểu khi thành lập DN BĐS là 50 tỷ đồng thì tính an toàn cho các chủ thể khác sẽ cao hơn. Người dân yên tâm hơn, còn về phía nhà nước thì sẽ “có tóc để nắm”.
Tỏ ý không đồng tình với quy định mới này của Dự thảo Luật, ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho rằng việc nâng vốn pháp định là không phù hợp. Theo ông Nguyễn Văn Đực, bên cạnh những DN làm dự án lớn, vốn lên tới 500 - 700 tỷ đồng, thì cũng có những dự án nhỏ vốn chỉ 10-20 tỷ đồng. “Nếu cứ nhất định bắt DN BĐS phải có vốn 50 tỷ đồng thì vô hình trung sẽ “tiêu diệt” các DN nhỏ và vừa (DNNVV). Trong khi đó, DNNVV của bất cứ nước nào, đặc biệt là ở những nước có nền kinh tế chưa phát triển như Việt Nam thì rất cần khuyến khích chứ không nên “tiêu diệt”, ông Nguyễn Văn Đực lý giải.
Một trong những lo ngại của các DN là quy định này nếu được thông qua không chỉ gây khó khăn cho các DN, đặc biệt là các DNNVV, mà còn dẫn đến tình trạng các tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện sẽ tìm cách lách luật bằng cách khai man tài sản để được thành lập DN. Điều này không phản ánh được thực lực của DN và có thể còn đem lại hậu quả nặng nề hơn.
Việc tăng vốn pháp định ở mức cao nhằm lựa chọn các DN có tiềm lực để thực hiện dự án, nhưng trong điều kiện Việt Nam chủ yếu là các DNNVV, quy định này theo các chuyên gia và DN là chưa tạo điều kiện hoạt động cho các DN. “Nếu tăng vốn pháp định sẽ không thực hiện được các mục tiêu khác, đó là không thu hút được vốn của các DNNVV tham gia vào thị trường BĐS trong khi mục tiêu của chúng ta là xã hội hóa các hoạt động đầu tư, xây dựng các phân khúc nhà, đa dạng hóa các sản phẩm nhà ở trên thị trường”, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định.
Cần có “khung” cho từng loại DN
Chỉ ra bất cập của quy định này, ông Nguyễn Văn Đực cho rằng với những DN là sàn giao dịch, môi giới BĐS hoặc DN chỉ xây dựng nhà ở, khách sạn, văn phòng nhỏ thì con số 50 tỷ đồng đó sẽ không hợp lý. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Thế Điệp cho rằng “không nên áp con số 50 tỷ đồng này lên tất cả các loại hình DN, như vậy là làm cho DN thui chột, kém năng động. Cần có khung cho từng loại DN. Luật cần phải thực tiễn chứ không thể rập khuôn, máy móc và phải tạo động lực cho sự phát triển”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thành đề xuất nên phân DN ra các hạng (hạng 1, hạng 2, và hạng 3). Theo đó, vốn tối thiểu của công ty hạng 3 tăng lên mức 10 tỷ đồng là hợp lý vì “mức tăng 50 tỷ đồng là quá cao. Chúng ta chỉ nên nâng dần để DN thích ứng phù hợp”.
Cho rằng nâng vốn pháp định trên 50 tỷ đồng là cần thiết đối với các DN đầu tư dự án, nhưng theo ông Nguyễn Thế Điệp, cần phải có lộ trình phù hợp. Khi luật ban hành, có nhiều DN đã và đang hoạt động. Nếu áp dụng cần phải có lộ trình, thời gian để DN cũ hoàn chỉnh các điều kiện như chuyển đổi, bán lại dự án, cổ phần hóa để tăng vốn... phù hợp với các quy định của pháp luật. Cách làm này vừa đạt được mục tiêu quản lý tốt, đồng thời DN đảm bảo nguồn lực để kinh doanh BDS chứ không phải “tay không bắt giặc”.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đực, “thành công của DN không chỉ dựa vào đồng vốn. Không phải DN giàu sẽ hoạt động tốt. Vốn pháp định của công ty chúng tôi chưa đến 50 tỷ đồng, nhưng hiện đã bàn giao cho khách hàng được hơn 5 lô chung cư, trong khi nhiều tập đoàn lớn chưa giao được lô nào, thậm chí còn bị khách hàng kiện tụng”.
Theo đại diện các DN, để nâng cao quản lý hoạt động kinh doanh BĐS phải có chế tài cho cả 3 chủ thể. Nhà nước cần có cơ chế kiểm soát vốn thực của DN, có chế tài đủ mạnh để DN nghiêm túc thực hiện và xử phạt cơ quan quản lý nếu để cho DN làm ăn phi pháp, gây hại cho người dân. “Cần thận trọng khi làm luật, tránh gây bức xúc cho DN, vì như thế DN sẽ đấu tranh và có những cách thức đối phó, lách luật. Nhà nước là “bà đỡ”, nhưng phải “đỡ” khéo, để những “đứa con” DN sinh ra được khỏe mạnh, có điều kiện phát triển”, ông Điệp kiến nghị.