Nguồn: Tổng Cục Thống kê. Đồ họa: Phương Anh |
Giá xăng giảm, giảm tác động tới lạm phát
Theo công bố mới đây của Tổng cục Thống kê, trong mức tăng 0,05% của CPI tháng 5/2024 so với tháng trước, có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng; 3 nhóm hàng giảm giá và chỉ có 1 nhóm hàng ổn định giá. Trong 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,38%, làm cho CPI chung tăng 0,13 điểm phần trăm; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,38%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,31%...
Nếu “nhìn sâu” vào các chỉ số, có thể thấy, dù mức tăng CPI của tháng 5/2024 so với tháng trước chỉ ở mức thấp, nhưng nếu so với cùng kỳ năm trước, con số lại khá cao, lên tới 4,44%. Nếu tính bình quân CPI 5 tháng, đã tăng ở mức 4,03%. Dù vẫn còn dư địa, nhưng con số này cho thấy cơ quan quản lý cần cẩn trọng trong điều hành giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát trong thời gian tới. TS. Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế |
3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, bên cạnh nhóm bưu chính - viễn thông vẫn liên tục xu hướng giảm (giảm 0,09%), thì còn có nhóm giáo dục (giảm 0,25%) và đặc biệt là nhóm giao thông (giảm 1,73%).
Nhóm giao thông giảm 1,73% đã góp phần giảm CPI chung 0,17 điểm phần trăm. Nguyên nhân chủ yếu là do trong tháng qua, giá xăng trong nước giảm 4,72%; giá dầu diezen giảm 5,08% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng.
Tính chung, lạm phát cơ bản tháng 5/2024 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân 5 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,03%).
Theo TS. Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, nếu “nhìn sâu” vào các chỉ số của tháng này, có thể thấy, dù mức tăng CPI của tháng 5/2024 so với tháng trước chỉ ở mức thấp, nhưng nếu so với cùng kỳ năm trước, con số lại khá cao, lên tới 4,44%. Nếu tính bình quân CPI 5 tháng, đã tăng ở mức 4,03%. Dù vẫn còn dư địa, nhưng con số này cho thấy cơ quan quản lý cần cẩn trọng trong điều hành giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát trong thời gian tới.
Lo ngại giá cả nhiều mặt hàng tăng
Tại các phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội vừa qua, có đại biểu Quốc hội đã cảnh báo về việc không chủ quan với lạm phát. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh), dự báo từ nay tới cuối năm, việc điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình; dự kiến tăng lương vào tháng 7, quy luật tăng giá vào dịp lễ, tết cuối năm… là những nguyên nhân làm tăng CPI vào cuối năm. Một số đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với ý kiến này và cho rằng, dự kiến việc điều chỉnh tăng lương có thể gây nên hiện tượng “té nước theo mưa”, ảnh hưởng tới mục tiêu điều hành lạm phát của Quốc hội, Chính phủ.
Mới đây, trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhắc đến việc tốc độ tăng CPI bình quân đã tiến sát mức mục tiêu Quốc hội đề ra cho thấy, áp lực lạm phát và những rủi ro tiềm ẩn mà nền kinh tế đang phải đối mặt là hiện hữu. Áp lực lạm phát đang chịu tác động của các yếu tố bên ngoài, do biến động giá dầu, lương thực, chất bán dẫn, chi phí vận tải đường biển, hàng không… từ thị trường thế giới. Ngoài ra, việc chịu ảnh hưởng từ giá thế giới của một số mặt hàng như xăng dầu, một số nguyên vật liệu, cước vận tải… Ở trong nước, việc điều hành giá dịch vụ y tế, giáo dục, điều chỉnh giá điện, thực hiện chính sách cải cách tiền lương…, là những yếu tố gây tác động đến lạm phát cuối năm.
Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, năm nay, áp lực CPI khá cao, xoay quanh con số 4 và thậm chí ở mức 4,5%. Căn cứ diễn biến thực tế và tình hình lạm phát thế giới, Tổng cục Thống kê dự báo, CPI bình quân trong khoảng 3,8% - 4,5% (3 kịch bản 3,8%, 4,2% và 4,5%).
Tổng cục Thống kê đề nghị các bộ, ngành cần có kịch bản sớm trong điều hành giá các hàng hóa do Nhà nước định giá, Ban Chỉ đạo có “bức tranh” tổng thể các nhóm hàng, để tăng thời điểm nào là phù hợp. Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá để tính toán giá cả cho quý II và những tháng cuối năm, bà Nguyễn Thị Hương đã đề nghị các bộ, ngành phải sớm trình kịch bản cho mặt hàng mình quản lý, để có phương án tổng thể, cùng lúc, mới đánh giá kỹ tác động điều chỉnh giá. Từ đó, sẽ quyết định mặt hàng nào tăng giá vào thời điểm nào là phù hợp.
Có ý kiến cho rằng, chính sách tiền tệ, tỷ giá, giá vàng là những yếu tố quan trọng, tác động đến tâm lý kỳ vọng, ảnh hưởng tới lạm phát. Do đó, kiểm soát tốt các nhóm này sẽ kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Đối với nhóm mặt hàng xăng dầu là đầu vào của nền kinh tế, thời gian qua đã điều hành tốt, cần tiếp tục điều hành nhịp nhàng trong thời gian tới.
Không lo ngại lạm phát vượt tầm tayBộ Tài chính dự báo 3 kịch bản điều hành giá từ nay đến cuối năm. Theo đó, CPI tăng khoảng 3,64%, 4,05% và mức 4,5% so với năm 2023. Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,8% - 4,5% (3 kịch bản 3,8%, 4,2% và 4,5%). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự báo lạm phát bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 4,3% ± 0,5%. Giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 9 tháng còn lại của năm 2024, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng khoảng 0,26% - 0,39% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 trong khoảng 4% - 4,5%. Trên thực tế, với mức tăng như 5 tháng qua, vẫn còn dư địa kiểm soát lạm phát từ nay tới cuối năm mà không phải quá lo ngại vượt tầm quản lý. Trả lời báo chí, ông Phạm Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định, điều hành lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra từ 4 - 4,5%, vẫn nằm trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý. Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành có liên quan theo sát diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu như giá điện, giá xăng dầu, tránh để tác động tới lạm phát. Với vai trò là thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính thường xuyên theo dõi sát sao diễn biến thị trường, là đầu mối của các bộ, ngành để kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá những kịch bản điều hành cụ thể để đảm bảo CPI theo đúng mục tiêu đề ra./. |