Theo hướng dẫn tại Thông tư 74, nội dung kế toán nợ công là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, giám sát, phân tích và cung cấp thông tin một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác, trung thực, liên tục và có hệ thống về tình hình vay, lãi, phí và chi phí đi vay và tình hình trả nợ vay trong nước, vay nước ngoài của Chính phủ và chính quyền địa phương. Theo đó, với công cụ kế toán mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường hơn nữa tính minh bạch và công khai trong công tác quản lý nợ công.
Cần thiết có chế độ kế toán nợ công
Trước đây, kế toán nợ công thực hiện theo số Thông tư 77/2017/TT-BTC (Thông tư 77) hướng dẫn kế toán ngân sách và nghiệp vụ kho bạc, trong đó hướng dẫn các nghiệp vụ kế toán theo dõi vay và trả nợ của Chính phủ đối với khoản vay trong nước và vay nước ngoài, vay của chính quyền địa phương.
Đối với vay trong nước, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã có chế độ kế toán toàn bộ các khoản vay như: vay và trả nợ phát hành trái phiếu chính phủ (có mã theo dõi đợt phát hành), vay của các đối tượng liên quan (chi tiết theo mục lục ngân sách nhà nước), chi từ nguồn trái phiếu chính phủ,... Căn cứ hạch toán là các chứng từ liên quan đến phát hành trái phiếu, chứng từ chi ngân sách nhà nước (NSNN) từ nguồn trái phiếu chính phủ.
Đối với vay nước ngoài, KBNN hạch toán các khoản nhận nợ của Chính phủ đối với các khoản vay hỗ trợ ngân sách, vay cấp phát cho các dự án hoặc cho chính quyền địa phương, kể cả phương thức vay về cho vay lại. Căn cứ hạch toán là Giấy đề nghị nhận nợ nước ngoài và Lệnh chi trả nợ do Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (QLN&TCĐN - Bộ Tài chính) lập gửi KBNN, chi tiết đến nhà tài trợ, đến loại tiền vay.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Quang Huy - Trưởng phòng Thanh toán nợ và thống kê, Cục QLN&TCĐN, trước đây khi kế toán nợ công thực hiện theo Thông tư 77 đã xuất hiện những hạn chế, như: Các báo cáo của KBNN về các khoản vay hiện nay được thiết lập theo niên độ NSNN, trong khi yêu cầu báo cáo nợ công theo năm tài chính để phản ánh nghĩa vụ nợ của Chính phủ đối với các đối tác cho vay. Để khắc phục tồn tại này, cần thiết lập các báo cáo về nợ công trên Hệ thống Thông tin Quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) theo năm tài chính, từ đó phản ánh đúng tình hình phát sinh và nợ hiện thời theo từng giai đoạn, từng thời điểm báo cáo.
Cơ sở dữ liệu về nợ công trên TABMIS chưa chi tiết theo thời hạn trả nợ đối với các khoản vay, chưa kết nối được việc hạch toán khoản nợ vay nước ngoài, khi chính quyền địa phương hoặc dự án đã trả nợ vào Quỹ tích lũy trả nợ.
Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu về nợ công trên TABMIS chưa chi tiết theo việc sử dụng từng khoản vay, đối với vay hỗ trợ ngân sách từ nguồn ngoài nước, vay trái phiếu chính phủ. Đây là tồn tại khách quan, do các khoản này được hòa chung nguồn, không tách biệt nguồn khi sử dụng nên việc theo dõi theo từng lần vay là không hiệu quả và thực tế là không cần thiết.
Cũng theo ông Huy, Thông tư 77 chưa đề cập đến việc thực hiện kế toán đối với khoản vay được Chính phủ bảo lãnh. Sở dĩ phát sinh tồn tại này là do cơ quan quản lý thuộc Bộ Tài chính chỉ nắm được các cam kết bảo lãnh, không nắm được các chứng từ, thực tế phát sinh sử dụng các nguồn vốn được bảo lãnh phát sinh tại đơn vị.
Theo ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính), cùng với yêu cầu của Luật Quản lý nợ công và các nghị định hướng dẫn, căn cứ vào các thông lệ kế toán quốc tế, đồng thời khắc phục những tồn tại khi triển khai chế độ kế toán theo Thông tư 77/2017/TT-BTC, Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán phối hợp với các đơn vị (Cục QLN&TCĐN; Kho bạc Nhà nước, Vụ NSNN) thiết kế chế độ kế toán quản lý nợ công mới và đã cho ra đời Thông tư 74/2018/TT-BTC.
Yêu cầu đối với báo cáo tình hình vay, trả nợ nước ngoài
Ông Huy cho biết, theo hướng dẫn tại Thông tư 74, nội dung kế toán nợ công là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, giám sát, phân tích và cung cấp thông tin một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác, trung thực, liên tục và có hệ thống về tình hình vay, lãi, phí và chi phí đi vay và tình hình trả nợ vay trong nước, vay nước ngoài của Chính phủ và chính quyền địa phương.
Đối tượng thống kê là các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu của các đơn vị được Chính phủ bảo lãnh và các khoản cho vay lại từ nguồn vay nước ngoài, theo quy định của pháp luật. Nội dung công tác thống kê là hoạt động tổng hợp số liệu báo cáo về tình hình bảo lãnh chính phủ và số liệu báo báo cáo về tình hình cho vay lại, trên cơ sở báo cáo của các đơn vị có liên quan.
Báo cáo nợ công bao gồm các thông tin về vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ, chính quyền địa phương; vay, trả nợ trong nước của Chính phủ và chính quyền địa phương; các khoản được Chính phủ bảo lãnh; các khoản cho vay lại từ nguồn vay nước ngoài và các khoản vay khác theo quy định của pháp luật về nợ công; thuyết minh, giải trình về tình hình nợ công.
Các chỉ tiêu trong từng báo cáo phải đảm bảo tính đồng nhất, liên hệ với nhau một cách có hệ thống, phục vụ cho việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình kinh tế, xã hội. Số liệu báo cáo phải chính xác, trung thực, khách quan, được tổng hợp từ cơ sở dữ liệu kế toán sau khi đã được kiểm tra, đối chiếu và khoá sổ kế toán.
Kỳ kế toán nợ công bao gồm kỳ kế toán tháng và kỳ kế toán năm. Trong đó, kỳ kế toán tháng là khoảng thời gian được tính từ ngày 1 đến hết ngày cuối cùng của tháng (dương lịch). Kỳ kế toán năm (niên độ kế toán) là khoảng thời gian được tính từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/12 (dương lịch). Báo cáo nợ công được lập theo kỳ 6 tháng và 1 năm. |
Đức Minh