Nếp sống, cách nghĩ của người Tân Dân đã tạo nên một vùng quê nông thôn bừng lên sức sống.
Cà Mau xây dựng thành công mô hình nông thôn mới (NTM) cấp xã (tính đến thời điểm hiện tại là 17 xã được công nhận), thành tựu có ý nghĩa đặc biệt, tác động sâu rộng tới quá trình phát triển của nông thôn trong bối cảnh hiện nay. Một trong những nhóm tiêu chí được coi là khó đạt nhất của các địa phương chính là tiêu chí về cơ sở vật chất văn hoá và hình thành nếp sống văn hoá NTM. Theo đó, công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, hình thành các thiết chế văn hoá, sự đồng thuận và chung tay của người dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị… tại Tân Dân, xã đầu tiên của Cà Mau về đích NTM, đang trở thành gợi ý thú vị để mở hướng bền vững xây dựng đời sống mới.
Tân Dân xây dựng NTM với xuất phát điểm không thể coi là thuận lợi. Chia tách từ Tân Duyệt năm 2006, xã phải đối mặt với nhiều khó khăn về hạ tầng nông thôn, mức sống thấp của người dân. Tuy nhiên, như nhận định của Phó Chủ tịch UBND xã Tân Dân Hà Thành Lập: “Nếp ăn, cách nghĩ của người Tân Dân mới là điều tạo nên sự khác biệt. Nền nếp sinh hoạt của từng gia đình, từng xóm ấp đã tạo thành nền tảng vững chắc, thành nội lực để địa phương phát triển nhanh và bền vững”. Ven con sông Ðầm, không ai lạ khi nhắc đến những "xóm 54”, một cách gọi dân dã với cư dân có gốc miền Trung về định cư, lập nghiệp tại Tân Dân.
Nhiều cách làm hay
Tiếng lành đồn xa, khi nghe tin Tân Dân về đích NTM ai cũng hạ một câu chắc nịch: “Vậy là phải thôi”. Anh Lập thông tin nhanh về một số nét lớn của xã: “Ðịa phương có trên 1.500 hộ, số hộ nghèo và cận nghèo là 88. Thu nhập bình quân tính theo điều tra mới nhất là trên 32 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ công nhận đạt chuẩn văn hoá trên 80%”. Thành tựu đầy khích lệ, nhưng qua lời anh Lập, cách làm của Tân Dân mới đem lại nhiều gợi ý hay: “Cán bộ cũng như người dân giờ mới thấm và hiểu ý nghĩa của chuyện NTM là một quá trình chứ không phải là đích đến. Có NTM rồi thì làm sao giữ được, phát triển được, không tụt hậu với chính mình mới là điều cốt yếu”.
Nếp sống, cách nghĩ của người Tân Dân đã tạo nên một vùng quê nông thôn bừng lên sức sống. |
Anh Lập cho biết: “Cái khó nhất trong việc xây dựng đời sống văn hoá cơ sở là những quy định chặt chẽ, và hơn nữa là chính từ sự giám sát cao độ của người dân địa phương”. Người Tân Dân có cách đánh giá dân chủ, minh bạch, vì vậy “gia đình văn hoá” không còn là danh hiệu suông mà là uy tín, là sự vinh dự của từng mái ấm. Nhà nào dính đến tệ nạn, bị dư luận phản ánh, không ủng hộ công việc chung… coi như mất danh hiệu, và cái lớn hơn là mất luôn lòng tin của bà con chòm xóm. Cũng từ những “văn bản quy định”, Tân Dân sinh động hoá bằng các mô hình dân vận khéo. Cổng, mõ an ninh Nhân dân; khu dân cư kiểu mẫu; xã không có tệ nạn xã hội… đã tạo nên phong trào thi đua của từng nhà, từng ấp. Không khí cuộc sống lành mạnh, ý thức của từng hộ gia đình nâng cao, công việc chung được chú trọng, các giá trị cao đẹp của xã hội được gìn giữ chính là nét đẹp mà Tân Dân đã gầy dựng và gìn giữ được suốt thời gian qua.
Gặp anh Nguyễn Văn Hiền, phụ trách truyền thanh của xã, công việc tưởng chừng nhàm chán nhưng không hẳn vậy. Anh nói: “Xã giờ có hệ thống loa phủ khắp hết các tuyến xóm. Vậy mà bà con nói nên lắp thêm nữa để nắm bắt thêm thông tin. Nói chung bà con ủng hộ dữ lắm, nhưng ở đây thì tụi tui chỉ… tiếp sóng thôi chứ đâu có sàng lọc, lựa chọn thông tin gì được đâu”. Anh Hiền còn chia sẻ: “Khi có những sự kiện lớn, bà con ở đây quan tâm lắm, anh em thông tin phải hoạt động hết cỡ, phải tập huấn kỹ càng. Lỡ bà con có hỏi mà “bí” thì bị cười chết”.
Bên cạnh trụ sở của Ðảng uỷ, UBND xã là thiết chế văn hoá khang trang, anh Lập đánh giá: “Còn một số hoạt động của trung tâm văn hoá xã chưa phát huy, nhưng nơi đây đã trở thành địa điểm sinh hoạt thu hút nhiều người dân”. Thực tế, các hoạt động như thể dục, thể thao, các lớp sinh hoạt hè cho thiếu nhi đang được triển khai với tần suất ổn định, tạo được sinh khí cho khu thiết chế này. Ðó là chưa kể việc sinh hoạt của các câu lạc bộ hưu trí, văn nghệ, các hội thi cấp xã mà Tân Dân vẫn thường xuyên tổ chức.
Giữ gìn nền tảng truyền thống
Anh Trần Văn Tiến, Bí thư Chi bộ ấp Tân Phú, xã Tân Dân, cho rằng: “Nếp sống ở Tân Phú nói riêng, Tân Dân nói chung đã được hình thành, gìn giữ và có những thay đổi để phù hợp với thực tiễn”. Những điều riêng có này được chú Nguyễn Văn Hiếu, thuộc lớp người di dân đầu tiên về xứ này giải thích: “Di dân ai cũng nghèo, bản tính người miền Trung hay làm, trọng nghĩa khinh tài, lúc nào cũng hiếu thuận, có truyền thống hiếu học… mấy cái đó là cơ bản nhất”. Chú Hiếu gốc Quảng Nam, 8 người con thì có 5 cái bằng đại học treo trong nhà, người làm bác sĩ, người làm giáo viên. Ông Hiếu kể: “Con tôi đứa lội sông, đứa ôm bụng đói, đứa khóc đòi chết khi bị kêu nghỉ học… Ngẫm lại tại nghèo quá chứ lòng đâu muốn. Rồi từ từ cũng lo được cho 5 đứa”.
Ông Hiếu khẳng định: “Ở Tân Dân nhiều nhà có con ăn học thành tài lắm, càng về sau này càng nhiều, riết rồi hết tính nổi”. Ông nhớ về những khi “chạy gạo tháng 10”, người Tân Dân nhiều lúc cũng thắt ngặt vô cùng, vậy mà lúc nào cha mẹ cũng nói với con: “tài sản lớn nhất là chữ nghĩa”. Có nhà bán đất nuôi con, cha mẹ “ăn nhín, nhịn thèm” để con trẻ được đến trường. Truyền thống hiếu học, cách giáo dục con cái vừa nghiêm khắc vừa chuẩn mực, Tân Dân dần trở thành hình mẫu để xây dựng gia đình học tập, xã hội học tập. Con em Tân Dân giờ toả đi khắp đất nước để cống hiến, phục vụ, đây là niềm tự hào rất lớn mà người Tân Dân lúc nào cũng trân trọng, nhắc nhở nhau.
Anh Trịnh Văn T nói với chúng tôi: “Việc mình làm chủ yếu cho lòng thanh thản, nằm ngủ thấy ngon, có đáng nói gì đâu, lỡ có người nghĩ khác thì cũng mất hay…”. Anh T thấy hàng xóm khó khăn thì giúp ít vốn, giúp công chuyện làm ăn. Ðầu năm thì góp sách vở cho trường học, gặp người nghèo thì giúp gạo, giúp tiền. Như lời anh nói thì việc gì cũng “lai rai chút đỉnh và không đáng nói”. Anh T sợ nhất là nhiều người hiểu sai, hiểu anh làm để được… đăng báo. Người Tân Dân là vậy, còn được sự tự trọng rất riêng, trọng nghĩa khinh tài và lúc nào cũng muốn sống một cách thanh sạch nhất.
Chú Trịnh Văn Thọ chỉ vườn cây quanh nhà mình nói: “Rảnh thì làm cho nhà cửa thêm đẹp thôi”. Phải gọi đó là công viên thu nhỏ thì đúng hơn. Cây kiểng tỉa kiểu cách, nhiều loại, tạo nên không gian rất đẹp. Chú Thọ ngỏ ý tặng cho Trụ sở ấp Tân Phú mấy chậu cây: “Ðể cho Trụ sở ấp thêm đẹp”, anh Tiến vừa mừng vừa ngại: “Xin bà con kiểu này mắc cỡ lắm…!”. Cảnh quan môi trường, ý thức của người dân đã tạo nên một vùng nông thôn tràn trề nhựa sống. Truyền thống tốt đẹp gắn kết với những yếu tố tích cực mới, tất cả đã hình thành nên một đời sống mới đáng sống ở Tân Dân./.
Bài và ảnh: Quốc Rin