Tăng trưởng chậm lại
Trước đó, từ đầu năm 2017, Quốc hội đã phê duyệt kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế năm 2017, theo đó, mục tiêu tăng trưởng GDP được ấn định là 6,7%. Từ xuất phát điểm của kinh tế quý I, nhiều ý kiến của các chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước cho rằng kinh tế 2017 sẽ khó để cán đích tăng trưởng như kỳ vọng do áp lực nợ công, tác động việc tăng lãi suất của FED, tái cơ cấu kinh tế còn chậm… Về tăng trưởng GDP của năm 2017, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia đưa ra kịch bản cơ sở cho kinh tế vĩ mô quý II, theo đó GDP tăng trưởng khoảng 5,6%, trong quý III tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,4, quý IV đạt 7,1, theo đó cả năm 2017 tăng trưởng GDP có thể đạt mức 6,2 và lạm phát cả năm khoảng 4,7%. Nói về động lực để có mức tăng trưởng cao hơn ở những quý tiếp theo góp phần thúc đẩy GDP của cả năm, TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia cho rằng, hiện nay trong nước niềm tin của DN về môi trường kinh doanh đã ổn định hơn, có tới hơn 50% DN cho biết trong quý II DN có đơn hàng cao hơn quý I. Trong quý II tới đây, đầu tư của khu vực tư nhân và khu vực FDI sẽ có khởi sắc với nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh. Có cái nhìn lạc quan hơn, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,5% trong năm 2017 và 6,7% trong năm 2018. Động lực cho sự bứt phá này, theo ADB, là do tăng trưởng mạnh trong ngành công nghiệp và dịch vụ dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì, sản lượng nông nghiệp và khai khoáng tăng nhẹ cũng đóng góp thêm vào tăng trưởng kinh tế. 6,7% không phải là bất khả thi Mới đây, tại cuộc họp với các bộ, ngành, hiệp hội, DN để bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các ngành, các cấp, DN thuộc tất cả các lĩnh vực cần tập trung rà soát lại các chỉ tiêu kế hoạch, tìm ra nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng đạt được mục tiêu 6,7% trong năm 2017. Để đạt được mục tiêu này, theo Phó Thủ tướng, cần thực hiện đồng bộ hàng loạt giải pháp, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực của từng ngành, từng lĩnh vực, từng DN. Như vậy, Chính phủ đã thể hiện rõ tinh thần quyết tâm đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra. Về vấn đề có nên cố gắng theo đuổi mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017 hay không, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, chúng ta có thể cố, nhưng nên cố theo hướng tập trung cải thiện chất lượng, chứ không phải “dồn” số lượng cho đủ bằng các biện pháp như tăng cường khai thác dầu thô… Thông qua cải thiện chất lượng có thể tăng trưởng sẽ chậm hơn nhưng sẽ bền vững và đây mới là điều quan trọng. Ông Thành nhấn mạnh, muốn cải thiện tăng trưởng thì quan trọng nhất vẫn là thúc đẩy phát triển khu vực sản xuất trong nước, làm sao để DN trong nước tự tin và có cơ hội phát triển hơn trong môi trường kinh doanh hiện tại. Dưới góc nhìn tương đối tích cực, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng cố gắng đạt mục tiêu GDP năm 2017 tăng 6,7% không phải là nhiệm vụ bất khả thi. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, vấn đề quan trọng hiện nay là duy trì mức độ tăng trưởng đủ nhanh nhưng vẫn phải đảm bảo ổn định vĩ mô, chống lạm phát, còn tăng trưởng 6,5 hay 6,3% đều được, miễn là sự phát triển phải bền vững. Nếu chúng ta có biện pháp làm cho khu vực tư nhân phát triển vượt lên để đạt được con số 6,7% thì là điều quá tốt. Theo các chuyên gia, triển vọng đầu tư có phần sáng sủa khi cải cách thực tiễn kinh doanh đã giúp Việt Nam cải thiện vị thế trong xếp hạng Môi trường Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới từ vị trí 91 trên 189 quốc gia được khảo sát trong năm 2016 lên 82 trên 190 nước trong khảo sát năm 2017. Với việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu nhiều hơn cổ phần tại các DNNN cổ phần hoá, cùng với việc cho phép nhà đầu tư tư nhân tham gia các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ là động lực khuyến khích đầu tư tư nhân. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2017 theo giá hiện hành ước tính đạt 297,8 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 8% so với năm trước, trong đó, khu vực ngoài Nhà nước đạt 117,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 39,4%, cao nhất trong 3 khu vực (vốn Nhà nước, vốn FDI và đầu tư tư nhân). Như vậy có thể thấy, đầu tư tư nhân là tăng mạnh nhất, đây là một tín hiệu tốt cùng với việc vốn FDI tiếp tục tăng. Lãng phí lớn nhất hiện nay là thời gian Dưới góc độ khác, GS. Nguyễn Mại cho rằng, nhiều ý kiến lưu ý chúng ta không nên theo đuổi tăng trưởng cao, nhưng theo chuyên gia Nguyễn Mại, một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông... đã từng tăng trưởng 9-10% trong suốt 20 năm, hoặc Trung Quốc từ 2001-2014 tăng trưởng kinh tế bình quân 12%/năm. Do đó, ông khẳng định tăng trưởng hơn 6% không phải là cao và để đuổi kịp các nước, mức tăng trưởng này không phải là mức có thể đáp ứng được yêu cầu khắc phục tình trạng tụt hậu so với thế giới. Dẫn một cuốn sách của Nhật Bản có tên gọi “Cú sốc thời gian”, ông nói rằng cái lãng phí lớn nhất hiện nay của chúng ta là thời gian. Đơn cử, một con đường đáng lẽ làm xong trong vòng 1 năm thì Việt Nam làm mất 2 năm, Luật Hỗ trợ DNNVV xây dựng trong 2 năm, được Quốc hội thông qua và đến khi Luật tác động được tới DN phải mất tổng cộng 3 năm, nếu là một DN yếu thì chờ 3 năm cũng khiến DN “chết” trước khi “chạm” được vào luật. Những sự chậm trễ này làm tiêu tốn nhiều tiền của. Ông khẳng định, tiềm lực tăng trưởng còn rất nhiều, miễn là chúng ta chống được lãng phí, mất mát thời gian thì tăng trưởng còn cao hơn bây giờ. “Hơn nữa, phải nhấn mạnh rằng quy mô kinh tế của Việt Nam còn nhỏ, nếu chúng ta tăng thêm 1% GDP thì cũng chỉ tăng thêm được 2 tỷ USD, không là bao nhiêu so với thế giới, do đó không nên quá tập trung vào việc tăng trưởng lên được bao nhiêu mà nên tập trung khai thác tiềm năng, đặc biệt là tiết kiệm, chống lãng phí về thời gian trong tất cả mọi hoạt động. Các nhà máy, con đường, sân bay, bến cảng đưa vào sử dụng sớm hơn, gia tốc vận chuyển tốt hơn thì chắc chắn tăng trưởng sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, làm sao để các DN FDI và DN trong nước liên kết tốt nhất, trở thành những chủ thể hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau theo chuỗi giá trị toàn cầu như Samsung đang làm, hoặc theo mô hình của Tập đoàn Vingroup đang làm trong nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch với sự liên kết của hàng trăm HTX, nhà phân phối… Nếu có những tổ chức hiệu quả lan rộng như vậy thì tăng trưởng thêm một vài phần trăm không phải là cái gì ngoài tầm tay”, GS. Nguyễn Mại nhận định.
|