Cần giải pháp thúc đẩy tổng cầu trong nướcTheo Bộ Tài chính, dịch Covid-19 xảy ra đã gây hậu quả nặng nề và kéo dài, tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội nước ta. Nếu tính từ năm 2020-2023, tổng trị giá của các gói miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên đến khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Dự kiến các gói hỗ trợ đã ban hành và thực hiện từ đầu năm 2024 là khoảng 68 nghìn tỷ đồng.
Việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về chính sách tài chính thời gian qua đã có tác động tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân được trở lại bình thường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Kết quả, 3 tháng đầu năm 2024 cho thấy nhiều điểm tích cực từ: tốc độ tăng trưởng GDP; chỉ số giá tiêu dùng (CPI); tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa; tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN)… Tuy nhiên, sau thời gian dài chống chịu với dịch Covid-19, doanh nghiệp trong nước đang trong quá trình phục hồi nên hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 73,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. So sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong quý I/2024, tổng số doanh nghiệp giảm 14,1 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp. Mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra cho năm 2024 từ 6 - 6,5%. Các tổ chức tài chính, kinh tế toàn cầu mới đây (IMF, ADB, AMRO…) đều đồng loạt đưa ra nhận định lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 so với các nước trong khu vực, nhưng đều thấp hơn mục tiêu Quốc hội giao. Bộ Tài chính cho rằng, thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo. Sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu còn hiện hữu... Ở trong nước, mặc dù nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục xu hướng phục hồi và có triển vọng tích cực; nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã và đang phát huy hiệu quả, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do vậy, cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước. Dự kiến giảm thu cả năm khoảng hơn 47,4 nghìn tỷ đồngĐể kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, Chính phủ cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023 và nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho năm 2024. Cụ thể, như: tiếp tục xem xét giảm thuế GTGT 2%; gia hạn thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí và giảm tiền thuê đất như đã áp dụng trong năm 2023 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế GTGT 2% (theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội), Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024 (từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024) và giao Chính phủ tổ chức, thực hiện. Về tác động đến NSNN, Bộ Tài chính cho biết, việc áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT cho 6 tháng cuối năm 2024 giảm thu khoảng 24 nghìn tỷ đồng. Cụ thể: khoảng 4 nghìn tỷ đồng/tháng trong đó giảm ở khâu nội địa dự kiến là 2,5 nghìn tỷ đồng/tháng và giảm ở khâu nhập khẩu khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/tháng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, số thuế GTGT được giảm theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 khoảng 11,488 nghìn tỷ đồng. Ngoại trừ tháng 2 có kỳ nghỉ tết, bình quân tháng 1 và tháng 3 số thuế GTGT ở khâu nhập khẩu giảm vào khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/tháng và dự kiến khâu nội địa khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng/tháng. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2024, dự kiến số thu giảm khoảng 23,488 nghìn tỷ đồng. Nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT cho 6 tháng cuối năm thì dự kiến cả năm 2024 giảm thu khoảng 47,488 nghìn tỷ đồng. Theo đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, ở những thời điểm khó khăn, việc giảm thuế để thực hiện quốc sách “khoan thư sức dân”, yểm trợ cho doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Việc giảm thuế nhằm tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp, người dân và hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn.
|