Cần mở rộng quy mô, công suất kho chứaTheo bà Nguyễn Thị Phố Giang - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN), sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “quy hoạch hệ thống kho dự trữ quốc gia (DTQG) đến năm 2020”, các bộ, ngành đã xây dựng và ban hành quy hoạch chi tiết mạng lưới kho DTQG theo lĩnh vực phụ trách. Quy hoạch chi tiết mạng lưới kho DTQG đã cụ thế hóa từng điểm kho quy hoạch với quy mô công suất, cơ cấu hàng dự trữ, công nghệ bảo quản, nhu cầu đất, vốn đầu tư và thứ tự ưu tiên đầu tư của từng dự án theo 2 giai đoạn (2011 - 2015; 2016 - 2020).
Trong quy hoạch chi tiết mạng lưới kho DTQG, các phương án thực hiện chi tiết cho từng điểm kho còn phù hợp với quy hoạch thì được cải tạo mở rộng nâng cấp; những điểm kho không còn phù hợp thì thanh lý hoặc chuyển mục đích sử dụng; những điểm kho xây dựng mới có phương án sắp xếp lại nhân lực và giải quyết việc làm cho người lao động trong quá trình thực hiện quy hoạch. Kết quả thực hiện quy hoạch đã cho thấy, việc quy hoạch các điểm kho DTQG được phê duyệt đảm bảo phù hợp với quy hoạch vùng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất của địa phương, phù hợp nhu cầu bảo quản, mức dự trữ của từng mặt hàng, nhóm hàng được giao, đồng thời vị trí kho được đặt các nơi cao ráo, thuận lợi về giao thông, thuận tiện cho công tác xuất, nhập, bảo quản hàng DTQG. Một số kết quả chính như: Các bộ, ngành đã xây dựng mới 39 điểm kho DTQG theo quy hoạch được phê duyệt (Bộ Tài chính 23 điểm kho, Bộ Quốc phòng 3 điểm kho, Bộ Công an có 6 điểm kho, cải tạo nâng cấp 2 điểm kho, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 4 kho mới và bố trí 15 điểm kho, Bộ Công thương thuê 25 điểm kho; Bộ Y tế có 1 điểm kho). Đến nay, công suất của các kho chứa lương thực, vật tư, hàng hóa là 961.545 m2 kho; kho chứa xăng dầu, thiết bị y tế 1.551.000 m3 tấn. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2011 - 2020 đã được Quốc hội, Chính phủ bố trí khoảng 1.890 tỷ đồng. Cùng với việc đầu tư xây dựng kho, hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác xuất, nhập hàng DTQG cũng từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo quản hàng DTQG. Hệ thống kho của Bộ Công an đã được trang bị hệ thống thiết bị tiên tiến, hiện đại phục vụ bảo vệ, bảo quản hàng DTQG. Bộ Tài chính đã xây dựng được các mô hình kho tuyến 1, kho tuyến 2… Sớm ban hành quy hoạch tổng thể mớiTheo nhận xét của thành viên hội đồng thẩm định quy hoạch hệ thống kho DTQG thời kỳ 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự báo kinh tế trong nước và quốc tế thời gian tới vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp khó lường. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường cũng là những nguy cơ tiềm ẩn, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội. Ngoài ra, đến hết năm 2020, quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đã hết thời gian thực hiện. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trên, hoạt động của DTQG giai đoạn tới cần phải có định hướng, quan điểm và bố trí các điểm kho DTQG với tích lượng, công suất phù hợp từng vùng kinh tế chiến lược để chủ động thực hiện công tác xuất cấp hàng DTQG, hạn chế việc vận chuyển, giảm thời gian giao nhận hàng DTQG và phù hợp với quy hoạch của địa phương. Theo đại diện hội đồng thẩm định, việc xây dựng quy hoạch hệ thống kho DTQG giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 cần đáp ứng 3 mục tiêu chính. Đó là: Thứ nhất, bảo đảm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, thảm họa, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ khác được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Thứ hai, là công cụ để bộ, ngành hoạch định chính sách, nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống kho DTQG và là cơ sở để xây dựng kế hoạch, giải pháp huy động các nguồn lực thực hiện quy hoạch. Ba là, xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống kho DTQG bảo đảm liên hoàn, đồng bộ, an toàn theo ngành, vùng lãnh thổ, tuyến chiến lược, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa công tác bảo quản và quản lý hàng DTQG.
|