Bài cuối *NGUYỄN HỒNG TRÀ BPO - Bình Phước là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm, năng động và phát triển phía Nam, là cửa ngõ kết nối, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và Vương quốc Campuchia - Lào - Thái Lan. Với vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên và truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương đã tạo nên nguồn tài nguyên du lịch tương đối đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, những năm qua, việc khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch của Bình Phước còn hạn chế, ngày 25-6-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 384-KL/TU về phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Chú trọng hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng Mục tiêu của tỉnh là không ngừng hoàn thiện các sản phẩm, tour, tuyến du lịch làm động lực cho các hoạt động liên kết phát triển vùng, hình thành một số khu du lịch, dịch vụ tổng hợp cấp tỉnh. Trong đó, chú trọng hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng như: du lịch tìm hiểu lịch sử, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng và trải nghiệm mang nét đặc trưng, khác biệt riêng để khẳng định thương hiệu du lịch Bình Phước. Phát triển kết cấu hạ tầng du lịch đồng bộ, từ đó xây dựng các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và tuyến du lịch quốc tế. Xây dựng các khu, điểm du lịch xanh với các dịch vụ tiện ích có sức thu hút cao đối với du khách. Hình thành một số khu du lịch có quy mô, thương hiệu nổi bật, tạo sức lan tỏa cho phát triển du lịch của tỉnh.
Ưu tiên dành quỹ đất, các vị trí thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư có năng lực, uy tín, kinh nghiệm đầu tư vào các dự án lớn; xây dựng các tổ hợp khách sạn, resort. Quy hoạch các khu du lịch, điểm du lịch và sản phẩm du lịch phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kêu gọi và khuyến khích đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Bình Phước. Kêu gọi đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch trọng điểm có tiềm năng như Khu đô thị kết hợp du lịch hồ Suối Giai (huyện Đồng Phú); các khu, điểm du lịch gắn với tuyến cao tốc Chơn Thành (Bình Phước) - Gia Nghĩa (Đắk Nông), trong đó có trảng cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng); Khu quần thể văn hóa - cứu sinh Bà Rá; Khu di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam; Khu đô thị, thương mại, khách sạn và du lịch tâm linh tại thị xã Bình Long; Khu đô thị, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng Chơn Thành; Khu du lịch hồ Suối Lam (Đồng Phú). Khuyến khích đầu tư hoàn thiện các dự án đã và đang hình thành các sản phẩm du lịch như: Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng); Công viên văn hóa Đồng Xoài (TP. Đồng Xoài); Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Khu lâm viên Mỹ Lệ (huyện Phú Riềng); Khu du lịch đảo yến Sơn Hà, các khu du lịch sinh thái... Hình thành tour du lịch quốc tế “1 ngày - 4 quốc gia”, kết nối TP. Hồ Chí Minh - Bình Phước - Campuchia - Lào - Thái Lan. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật gắn kết chặt chẽ với quy hoạch và phát triển dịch vụ du lịch. Tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến giao thông kết nối với TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên nhằm rút ngắn thời gian tham gia giao thông từ các địa phương đến Bình Phước. Ưu tiên đầu tư xây dựng những tuyến giao thông kết nối các khu, điểm du lịch khi triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nội tỉnh. Xây dựng sản phẩm du lịch xanh trải nghiệm khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình vườn cây ăn trái gắn với du lịch homestay. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục thông quan tại các cửa khẩu, thủ tục xuất - nhập cảnh đối với khách quốc tế, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư lĩnh vực du lịch để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tăng cường liên kết, kích cầu du lịch Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng cáo du lịch, sản phẩm du lịch, nghiên cứu xây dựng đề án xúc tiến quảng bá du lịch của tỉnh. Phát huy và nâng cao vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí trong và ngoài tỉnh, sự đóng góp của các doanh nghiệp và toàn xã hội trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch tỉnh. Xây dựng thương hiệu điểm đến của Bình Phước, tăng cường công tác liên kết, kích cầu du lịch và xúc tiến quảng bá điểm đến tại các thị trường du lịch có tiềm năng trong nước và nước ngoài. Tổ chức thực hiện tốt các chương trình liên kết, hợp tác, kết nối tour du lịch; tiếp tục thực hiện các chương trình liên kết phát triển du lịch với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Bắc Bộ và một số tỉnh của Campuchia, Lào, Thái Lan. Xây dựng môi trường du lịch, xây dựng hệ sinh thái du lịch xanh, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch. Thực hiện tốt quy chế phối hợp quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn và xây dựng bộ quy tắc ứng xử về du lịch trên địa bàn tỉnh. Kiện toàn, củng cố nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và nhân viên làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước và xúc tiến đầu tư du lịch. Thành lập và đưa Hiệp hội Du lịch tỉnh vào hoạt động. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp và nguồn nhân lực du lịch tại chỗ, địa phương. Xây dựng kế hoạch liên kết đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ trực tiếp tham gia các hoạt động du lịch nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường liên kết với các trường đại học, cao đẳng có chuyên ngành về du lịch nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh và thu hút sinh viên về làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh. Phát triển du lịch phù hợp văn hóa bản địa Để đảm bảo việc phát triển du lịch của tỉnh bền vững trong tương lai, Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị, ngành chức năng tập trung lãnh đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, nguyên tắc sau: Khai thác, sử dụng nguồn lực một cách hợp lý về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực, đường lối chính sách, vốn và thị trường… nhằm phục vụ việc phát triển ngành du lịch. Để đảm bảo phát triển lâu dài, khai thác phục vụ hoạt động du lịch thì việc sử dụng, bảo tồn bền vững tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, xã hội là hết sức cần thiết. Ngành du lịch cần ngăn chặn sự phá hoại các nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường. Bên cạnh đó, phát triển và thực thi chính sách môi trường hợp lý trên các lĩnh vực của du lịch, tiến hành lắp đặt các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm không khí, nguồn nước… Giảm thiểu sự tiêu thụ quá mức giúp tài nguyên thiên nhiên có thời gian phục hồi và giảm chất thải ra môi trường, từ đó sẽ tránh nhiều phí tổn cho việc hồi phục môi trường, góp phần tăng chất lượng của du lịch. Bên cạnh đó cần hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng cho địa phương, các dự án tái chế rác thải, có trách nhiệm phục hồi tổn thất qua công tác quy hoạch du lịch tạo ra để bảo vệ tính đa dạng của văn hóa địa phương. Đồng thời phòng ngừa, giám sát chặt chẽ các hoạt động du lịch đối với động vật, thực vật, thực hiện lồng ghép các hoạt động du lịch vào các hoạt động của cộng đồng dân cư và ngăn ngừa sự thay thế các ngành nghề truyền thống lâu đời bằng các ngành nghề hiện đại, khuyến khích các đặc tính riêng của từng vùng, từng miền; ưu tiên phát triển du lịch phù hợp với văn hóa bản địa, đảm bảo quy mô, tiến độ của các loại hình du lịch. Phát triển du lịch phải đặt trong quy hoạch tổng thể của kinh tế - xã hội, sự tồn tại lâu dài của ngành du lịch phải trong khuôn khổ chiến lược của tỉnh, của các địa phương về kinh tế - xã hội. Để đảm bảo sự phát triển bền vững, ngành du lịch phải quan tâm đến nhu cầu của người dân và du khách. Trong quy hoạch du lịch cần phải thống nhất về các mặt kinh tế - xã hội, môi trường, thực hiện phát triển ngành du lịch lồng ghép trong chiến lược chung, lấy chiến lược tổng thể làm định hướng phát triển du lịch. Đầu tư cho du lịch không chỉ là đầu tư cho sản phẩm du lịch, khu dự án, mà còn là đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, hạ tầng địa phương nhằm mang lại lợi ích cho nhiều thành phần kinh tế. Thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương vào phát triển bền vững du lịch. Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo chuyên môn, lồng ghép các vấn đề môi trường, xã hội. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, học sinh, người dân tham gia vào hoạt động du lịch về bản sắc văn hóa, sự độc đáo sản phẩm văn hóa tại các địa phương vì lực lượng lao động được đào tạo kỹ năng thành thạo sẽ mang lại lợi ích về kinh tế cho ngành và góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Cần tận dụng sức mạnh to lớn từ internet, các công cụ tìm kiếm, sự bùng nổ của mạng xã hội và các thiết bị thông minh để thực hiện tiếp thị, cung cấp thông tin đầy đủ cho du khách và thông tin phải được sàng lọc, kiểm duyệt trước khi đưa ra công chúng nhằm tương tác với du khách hiệu quả hơn. |