(CMO) Một trong những điều thú vị của huyện U Minh là gần như toàn bộ tên hành chính cấp xã đều bắt đầu bằng từ “Khánh”: Khánh An, Khánh Hội, Khánh Tiến, Khánh Hoà, Khánh Lâm và Khánh Thuận (còn lại là thị trấn U Minh và xã Nguyễn Phích). Không ngẫu nhiên, ở miệt U Minh Hạ này lại chọn từ có ý nghĩa chỉ không khí mừng vui, hân hoan để khởi đầu cho tên gọi các địa danh. Ẩn sau đó là gởi gắm, kỳ vọng lớn lao và tầm nhìn tài tình của các bậc tiền nhân dành cho hậu thế.Riêng xã Khánh Lâm nằm ở vị trí gần như trung tâm của huyện U Minh, từng được coi là một trong những xã khó khăn nhất, với tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 ở mức 33%. Và rồi, lần trở lại trong những ngày cuối năm 2021 này, ông Lê Nhật Trường, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Lâm, vui mừng thông báo: “Khánh Lâm đã đạt 18/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, kỳ quyết hoàn thành các tiêu chí vào đầu năm 2022 để đạt danh hiệu xã nông thôn mới ”. Vươn lên từ trụ đỡ kinh tế nông nghiệp Thành tựu của Khánh Lâm đạt được khiến những người con ruột thịt của quê hương như ông Lê Nhật Trường, cảm thán: “Chỉ khoảng 5 năm qua thôi, Khánh Lâm như bừng tỉnh, sự phát triển hết sức mau lẹ. Lấy ví dụ như tỷ lệ hộ nghèo, từ mức 33% năm 2016 nay chỉ còn 3,5%. Trong đó, thế mạnh kinh tế nông - ngư - lâm đã vực dậy tiềm năng, khát vọng của vùng đất từng được coi là nghèo khó phương cứu chữa”. Bước ngoặt đến với Khánh Lâm khi Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau nhận đỡ đầu cho mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới. “Bà đỡ” mát tay, bắt mạch trúng những khó khăn của Khánh Lâm và kèm theo đó là những giải pháp mở đường phát triển cho cả vùng đất giàu tiềm năng. Hàng loạt mô hình được triển khai với sự hỗ trợ sâu sát, đầy đủ, trách nhiệm của Sở NN&PTNT và huyện U Minh đã tiếp sức cho Khánh Lâm vươn lên mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Minh Thông, Chủ tịch UBND xã Khánh Lâm, cho biết: “Các mô hình, dự án được hỗ trợ triển khai trên địa bàn xã tập trung vào thế mạnh kinh tế nông - ngư - lâm, tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng sâu rộng trong Nhân dân. Cái hay nhất là đã tạo được sự tin tưởng, động lực phấn đấu cho người nông dân. Trước tiên là giảm nghèo, xoá nghèo, sau đó mới tính được chuyện lớn hơn”. Từ đó, một không khí thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế được thổi bùng lên, tạo nên cuộc chuyển mình kỳ diệu của Khánh Lâm. Ðiểm qua một số mô hình đang triển khai, ông Trường tâm đắc: “Ðã qua, các mô hình được hỗ trợ triển khai trên địa bàn như lúa hữu cơ; lúa - tôm; lúa trên đất mặn đã đạt được kết quả mỹ mãn. Không chỉ vậy, nông dân Khánh Lâm hiện nay mạnh dạn tạo lập các mô hình kinh tế hộ, đa cây, đa con trên cùng diện tích, sản xuất theo nhu cầu hàng hoá thị trường. Mục tiêu hiện giờ của nông dân Khánh Lâm là vươn lên khá giàu, xây dựng đời sống mới để xứng tầm với danh hiệu xã nông thôn mới trong tương lai gần”. Trong câu chuyện, lãnh đạo xã Khánh Lâm còn chia sẻ: “Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp quá. Riêng địa phương có lúc là “vùng đỏ” nên một số dự án, mô hình chưa thực hiện được, tiếc lắm. Cũng vì dịch mà mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm phải chậm lại. Nhưng cũng phấn khởi khi thế mạnh cốt lõi của đia phương là kinh tế nông - ngư - lâm nghiệp không bị ảnh hưởng quá nhiều, đời sống Nhân dân, kinh tế - xã hội đều hết sức vững vàng, ổn định”. Sắc xuân rộn ràng Ông Phạm Văn Xê, công chức nông nghiệp xã, khoe với chúng tôi rằng: “Ði một vòng Khánh Lâm chơi, mùa này vui lắm. Lúa đang cắt, tôm chuẩn bị thu hoạch, còn dưa hấu, rau màu đang chờ Tết. Bà con ở đây có bí quyết chống dịch hiệu quả là ra ngoài đồng tăng gia sản xuất, vừa rèn luyện sức khoẻ, vừa có thu nhập”. Cũng qua lời ông Xê, biết vụ lúa của bà con Khánh Lâm trúng đậm, vùng chuyên lúa đạt năng suất trên 5 tấn/ha; vùng lúa - tôm đạt năng suất khoảng 4 tấn/ha; tôm cá trúng mùa; các loại nông sản khác đều có đầu ra, giá cả tương đối. Tại Ấp 2, đang tất bật thu hoạch vụ lúa - tôm, ông Trần Trung Tính nhẩm tính: “Tôm càng xanh đã tuyển bắt được vài trăm ký rồi, lúa thì đang cắt. 2 ha lúa - tôm năm nay đều đạt năng suất khá, lúa tầm 25 giạ/công. Lúa này là lúa Một bụi đỏ, trồng theo mô hình hữu cơ, giá cũng khá lắm. Có điều, năm nay giá cả mướn nhân công, vật tư nông nghiệp tăng cao quá, lợi nhuận cũng sụt giảm nhiều”. Nói về mô hình lúa - tôm, lão nông này nở nụ cười hồn hậu: “Phải trồng lúa chớ, không chỉ có thêm nguồn thu, mà gốc rạ cũng làm thức ăn, môi trường sống cho con tôm. Nghĩ coi, nếu nuôi tôm trơ trọi, nó cạp đất ăn không sao mà sống, mà lớn được”. Còn ông Nguyễn Lâm Ðiền, cùng ngụ Ấp 2, vì lớn tuổi, nhà ít nhân công nên tập trung vào làm kinh tế ở miếng vườn hơn 30 công đất của gia đình. Ông Ðiền bộc bạch: “Làm ruộng hết nổi, mình lập vườn, làm dễ quản lý hơn”. Trên mảnh vườn rộng mênh mông, ông Ðiền đào ao thả cá đủ loại, kê liếp trồng chuối xiêm, dừa. Mô hình tưởng như cũ kỹ này hoá ra lại cho thấy sự bền vững và nguồn thu nhập không hề nhỏ. Theo tính toán, nguồn thu từ chuối, bắp chuối, dừa, bông súng của gia đình ông Ðiền mỗi tháng trên dưới 20 triệu đồng. Ðó là chưa kể khoản thu nhập trên 100 triệu đồng/vụ cá đồng hàng năm. Trên các bờ liếp, ông Ðiền trồng xen thêm cam, gọi là “trồng chơi”, nhưng mỗi lứa thu hoạch cũng vài trăm ký. Hỏi thăm ông Trần Bông, Ấp 7, xã Khánh Lâm năm nay làm ăn ra sao, ông trả lời bình thản: “Dịch bệnh quá, nhưng được cái nông dân ở xứ này không sao hết, làm ăn đều đều”. Ông Bông dẫn khách đi thăm vườn cây ăn trái mới thu hoạch, tấm tắc chỉ lứa dưa hấu xuống đồng đón Tết: “Ruộng dưa đây, xứ Khánh Lâm này giờ trồng dưa hấu cũng có tiếng rồi nghen. Phải nói là mấy năm gần đây bà con làm ăn phấn chấn dữ lắm, phải chi không có dịch, rồi thêm vụ giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao quá, chắc ăn Tết lớn lắm à nghen”.
Ði trên đồng đất Khánh Lâm những ngày này, cái ám ảnh của dịch bệnh, bao nhiêu khó khăn của năm đã qua dường như chưa từng hiện hữu. Hiện diện nơi đây là xứ sở bình yên, mùa màng thắng lợi, sự hồn hậu của tình đất, lòng người. Xuân đã về rồi trên quê hương Khánh Lâm. Vẫn nguyên vẹn đó lời ước hẹn mùa vui, khi danh hiệu nông thôn mới ngày một thật gần./.
Phạm Quốc Rin
|