(CMO) Triển khai thực hiện dự án hơn 1 tỷ đồng nhưng đã tác động và phá huỷ dự án trước đó trị giá gần 4 tỷ đồng đang mang lại hiệu quả. Đó là thực trạng đã diễn ra tại công trình nạo vét tuyến kênh xáng Láng Trâm, huyện Thới Bình.
Tuyến kênh xáng Láng Trâm nối từ thị trấn Thới Bình đến Quộc lộ 63 (khu vực Cầu số 4) dài khoảng 14,5 km đi qua địa bàn các xã: Hồ Thị Kỷ, Tân Lộc, Thới Bình và thị trấn Thới Bình. Tuyến kênh này nhiều năm qua luôn trong tình trạng bị sạt lở nghiêm trọng, đe doạ trục lộ nhựa từ thị trấn nối với Quốc lộ 63. Chính tình trạng sạt lở này, vào khoảng năm 2014, tỉnh đã hỗ trợ ngân sách để Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình làm chủ đầu tư đoạn kè thí điểm chống sạt lở.
Hàng mắm kè giữ đất trước khi công trình nạo vét đi qua.
Còn đây là một khu vực điển hình sau khi công trình nạo vét hoàn thành.
Đoạn kè này được triển khai trong đoạn từ cầu Đường Xuồng đến khỏi khu vực cầu Trâm Bầu với chiều dài gần 4 km. Đây là khu vực nằm trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng vào thời gian đó. Theo đó, kè được thiết kế là dùng cây làm cừ bên ngoài, sau đó được tấn mê bồ, lưới cước để đổ đất vào tạo bãi trồng cây mắm. Bề rộng mặt kè lúc đó được thực hiện khoảng 1,5 m để trồng mắm. Sau một thời gian, cây phát triển tốt, cây cao từ 4-5 m, đặc biệt, dự án đã mang lại hiệu quả cao trong công tác chống sạt lở. Điều này được Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Lâm khẳng định: “Dự án mang lại hiệu quả cao trong chống sạt lở”.
Hiệu quả của dự án này người dân trên tuyến nhìn thấy và thừa nhận. Minh chứng cho điều đó là hiện nay nhiều hộ đã áp dụng và bắt đầu nhân rộng mô hình cả 2 bên bờ kênh. Ngược lại, chính công trình của Nhà nước, cụ thể là dự án nạo vét tuyến kênh xáng này đã phá huỷ gần như hoàn toàn dự án trước đó, trong khi dự án đang mang lại hiệu quả.
Dự án nạo vét tuyến kênh xáng Láng Trâm có mức đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Trong quá trình nạo vét để đổ đất, những người có thẩm quyền đã tiến hành cho cưa toàn bộ số cây mắm trên. Qua tìm hiểu được biết, việc cưa số cây trên được chính người dân trên phần đất mình tiến hành theo quy cách mà những người có thẩm quyền đưa ra. Cụ thể là cắt từ gốc lên từ 1-1,5 m.
Qua khảo sát thực tế tại khu vực này cho thấy, vành đai mắm xanh um ngày nào giờ chỉ còn lại một hàng gốc phía ngoài, có đoạn cây đã đâm chồi trở lại, nhưng nhiều đoạn không còn cây nào. Đặc biệt, đất sau khi được nạo vét đã được người dân ban lấp hoàn toàn chôn sâu các gốc mắm khiến các cây còn lại tiếp tục có nguy cơ chết. Ngoài ra, trên tuyến này một số hộ dân đang tiến hành xây cất nhà cửa, hàng quán chồng lên vị trí kè cây mắm trước đó.
Điều đáng lo ngại hơn, hiện nay tình trạng sạt lở trên tuyến kênh xáng Láng Trâm vẫn đang tiếp tục diễn ra. Nhiều khu vực sạt lở đã lấn gần đến hàng xà cừ mà huyện cho trồng trước đó, đe doạ đến lộ nhựa. Mặc dù kể từ ngày tuyến lộ Xuyên Á được xây dựng hoàn thành, tuyến kênh xáng Láng Trâm có phần giảm xe lưu thông. Tuy nhiên, đây vẫn là trục lộ khá quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Nếu tình trạng sạt lở này kéo dài mà không có giải pháp khắc phục thì nguy cơ sạt lở đến lộ sẽ không lâu./.