Bổ sung đối tượng chịu thuế để phát triển ngành đóng tàu
Là đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhưng cũng là lãnh đạo một DN, ông Đỗ Văn Vẻ, đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình có khá nhiều ý kiến đề nghị, phân tích sâu sắc và góp ý với hai luật thuế từ khi luật được đưa ra xin ý kiến ĐBQH. Trước khi QH thông qua Luật Thuế XK, thuế NK (sửa đổi), trao đổi với Báo Hải quan, ĐB Đỗ Văn Vẻ đã kiến nghị bổ sung đối tượng miễn thuế đối với thiết bị, phụ tùng đóng tàu biển XK, tàu đánh bắt xa bờ vào Điều 16 của Dự thảo Luật.
Theo phân tích của ĐB, thực tế thời điểm hiện nay, trong việc đóng tàu biển XK, đóng tàu dành cho đánh bắt xa bờ, chúng ta đều phải NK phần lớn động cơ thủy và máy móc, thiết bị đặc chủng dùng để đóng tàu. Trong khi đó, tại Khoản 16, Điều 16 của Dự thảo luật (Dự thảo trình QH trước khi QH thông qua-PV) mới có quy định miễn thuế đối với hàng hóa NK để tạo tài sản cố định của cơ sở đóng tàu... Theo ĐB, quy định như vậy chưa thật đầy đủ và chưa xử lý được các tình huống trên thực tế. Do đó, ĐB đề nghị QH bổ sung quy định miễn thuế đối với hàng hóa NK bao gồm cả động cơ thủy, máy móc, thiết bị, phụ tùng, linh kiện, vật tư chuyên dùng thiết bị dùng để đóng tàu biển XK, tàu đánh bắt xa bờ và của cơ sở đóng tàu thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tiếp thu ý kiến ĐB về vấn đề này, tại Dự thảo Luật Thuế XK, thuế NK (sửa đổi) trình QH thông qua vào ngày 6-4 đã bổ sung cụm từ “máy móc, thiết bị” thuộc diện miễn thuế tại điểm b khoản 16 Điều 16. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính -Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, tại khoản 16 Điều 16 đã quy định miễn thuế NK đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được phục vụ cho việc đóng tàu. Tuy nhiên, máy móc, thiết bị mà trong nước chưa sản xuất được nếu không thuộc diện được miễn thuế sẽ không khuyến khích được ngành đóng tàu phục vụ cho XK và tàu đánh bắt xa bờ nên cần bổ sung vào Dự thảo Luật.
Chia sẻ với Báo Hải quan sau khi Luật Thuế XK, thuế NK (sửa đổi) được QH thông qua với những điểm điều chỉnh, bổ sung, ĐB Đỗ Văn Vẻ cho biết, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo tinh thần hỗ trợ, tạo thuận lợi cho DN. Khi thực hiện tốt các quy định trong luật mới, các DN làm ăn đàng hoàng, bài bản sẽ phát huy tốt khả năng của mình, đồng thời tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Cùng với đó, những DN làm ăn không bài bản chắc chắn sẽ có sự thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Tiền chậm nộp thuế 0,03%/ngày là quy định phù hợp
Phân tích về một đối tượng nữa cũng cần được bổ sung vào diện miễn thuế, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) tại phiên thảo luận ở Hội trường về Dự án Luật Thuế XK, thuế NK (sửa đổi) trong kỳ họp 11 đã kiến nghị bổ sung nhà kính cũng cần được miễn thuế. Theo ĐB, nhà kính phục vụ sản xuất công nghệ cao ở Lâm Đồng hiện khá phổ biến nhưng không được miễn thuế vì nhà kính nói chung nằm trong danh mục hàng trong nước sản xuất theo quy định không được miễn, tuy nhiên, nhà kính công nghệ cao lại là những nhà kính trong nước không sản xuất được, bắt buộc phải NK với giá lên tới vài tỷ đồng một nhà kính. Ngoài ra, theo ĐB, còn có một thực trạng khác, khi người dân nhập toàn bộ một nhà kính từ một nước nhưng màng che lại từ một nước khác thì Hải quan nói đây là sản phẩm nhập rời phải tính thuế. ĐB cho rằng, việc đó rất khó, bởi thực tế, những nhà kính NK của Israel nếu sử dụng cho sản xuất trồng rau ở Đà Lạt thì được nhưng nếu trồng rau ở dưới các huyện của Lâm Đồng thì phải nhập màng che của Pháp, do đó, người dân phải nhập 2 loại khác nhau. Tiếp thu ý kiến này của ĐB, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ quy định cụ thể chủng loại, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy cách và chất lượng đối với tất cả các mặt hàng trong nước đã sản xuất được, chưa sản xuất được, trong đó có mặt hàng nhà kính phục vụ cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao làm căn cứ để thực hiện.
Ngoài những điểm sửa đổi trong Luật Thuế XK, thuế NK (sửa đổi) được ĐBQH tán thành, trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế cũng được QH thông qua vào ngày 6-4-2016, có một điểm điều chỉnh, sửa đổi nhận được nhiều ý kiến đồng tình của ĐBQH sau khi Dự thảo Luật được thông qua. Đó là quy định mức tiền chậm nộp thuế là 0,03%/ngày thay vì mức 0,04% như Dự thảo trình QH vào đầu kỳ họp. ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, quy định tiền chậm nộp thuế 0,03%/ngày là thể hiện sự quan sát tình hình thực tế cuộc sống và lắng nghe của Quốc hội cũng như Chính phủ. Năm 2015, nền kinh tế đã đạt được một số thành tựu nhất định, nền kinh tế dần ổn định, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, tuy nhiên không thể nói là tất cả đều thuận lợi cho DN mà thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn. “Trong những năm qua, DN làm ăn thua lỗ do tác động của nhiều nguyên nhân khách quan chứ không hoàn toàn do ý thức chủ quan của DN, do đó, với quy định này, Quốc hội và Chính phủ đã chia sẻ và thông cảm với những khó khăn mà DN đang gặp phải” – ĐB Nguyễn Đức Kiên nói.
Còn theo ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, sau nhiều lần thảo luận và điều chỉnh tỷ lệ này, QH đã thống nhất quy định người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp với tỷ lệ 0,03%/ngày trên số tiền chậm nộp, quy định như vậy là phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động của DN trong thời gian vừa qua. Tin tưởng rằng quy định này khi đi vào thực hiện sẽ hỗ trợ DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, ĐB Cao Sỹ Kiêm khẳng định, đây là mức quy định phù hợp để DN có thêm cơ hội và điều kiện vượt qua khó khăn nhưng cũng đủ để đảm bảo tính răn đe của pháp luật.