Ông Võ Văn Phải cho biết, mãng cầu khoảng 20 tháng tuổi là có thể thu hoạch lứa trái đầu tiên. Bên cạnh những hộ trồng mía, nhiều nhà vườn trên địa bàn huyện Phụng Hiệp cũng đang tất bật chỉnh trang lại nhà cửa, sẵn sàng đón chào Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 sắp đến với tâm trạng đầy phấn khích. Bởi gia đình họ liên tục đón nhận niềm vui “bội thu” trong suốt năm dài canh tác, khi giá cả, thị trường tiêu thụ trái mãng cầu xiêm khá ổn định. Đầu ra sản phẩm rộng mở Ông Võ Văn Phải, Tổ trưởng Tổ hợp tác làm vườn 19/5, ở ấp Mỹ Phú A, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, thừa nhận: “Năm 2016 vừa qua, giá tuy không tăng đột biến như năm trước nhưng duy trì ở mức cao, lúc thấp nhất cũng trên 15.000 đồng/kg. Tính ra 1ha mãng cầu xiêm chừng 3-4 năm tuổi, cho năng suất bình quân khoảng 35 tấn trái thì sau khi trừ các khoản chi phí canh tác, chiếm tối đa là 20%, nhà vườn còn lời trên 400 triệu đồng”. Theo các thành viên Tổ hợp tác làm vườn 19/5, cây mãng cầu xiêm bắt đầu “bén rể” với vùng đất này vào thời điểm 4 năm trước. Tuy nhiên, nhờ thổ nhưỡng, đất đai phù hợp, nhất là được trồng bằng hột nên chất lượng trái mãng cầu xiêm ở đây mang hương vị ngọt, chua đặc trưng riêng, khác hẳn với sản phẩm cùng loại được trồng ở những tỉnh khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, từ đó thương lái gần xa rất ưa chuộng. Hiện, đầu ra của loại trái cây này đang rộng mở. Ngoài thương lái trong và ngoài địa phương đến thu mua, thời gian gần đây, còn có doanh nghiệp vào tận nhà ông Phải để bàn chuyện hợp đồng bao tiêu sản phẩm. “Bước đầu, họ nói thu gom nguyên liệu với sản lượng lớn để đưa vào nhà máy sấy khô, đóng gói trước khi cung ứng cho thị trường ngoài nước. Vì thế, các thành viên trong tổ hợp tác đang cảm thấy mừng thầm”, ông Phải chia sẻ thêm. Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho hay: Trên địa bàn huyện hiện có 1 doanh nghiệp chuyên thu mua mãng cầu xiêm. Đây là tín hiệu đáng mừng cho người trồng mãng cầu xiêm ở xã Hòa Mỹ nói riêng, huyện Phụng Hiệp nói chung. Điều này còn góp phần thúc đẩy người dân mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng hàng hóa lớn, tập trung, đáp ứng yêu cầu thị trường. Hướng đến xây dựng nhãn hiệu Tổ hợp tác làm vườn 19/5 hiện có 41 ha mãng cầu xiêm, với 48 hộ tham gia. Trong đó diện tích đang cho trái là 20ha, bao gồm 4ha của gia đình ông Phải. Hầu hết vườn cây của các thành viên đều được chuyển đổi từ diện tích đất trồng mía kém hiệu quả trong những năm gần đây. Đáng nói là các thành viên của tổ hợp tác này luôn quan tâm thực hiện các giải pháp canh tác nhằm nâng cao năng suất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cũng theo ông Võ Văn Phải, mãng cầu xiêm thuộc nhóm cây lâu năm. Vườn cây khoảng 20 tháng tuổi là có thể thu hoạch lứa trái đầu tiên. Bắt đầu năm thứ ba trở đi, năng suất sẽ gia tăng đáng kể. Nếu bà con áp dụng kỹ thuật chấm nụ (thụ phấn nhân tạo) bài bản thì vườn cây cho trái liên tục, góp phần tạo nguồn thu nhập thường xuyên cho gia đình. Vào thời điểm cuối năm, chỉ cần có vài tấn trái bán là không lo thiếu tiền mua sắm tết. Ông Trần Văn Tuấn thông tin thêm: Thay vì áp dụng phương pháp chấm nụ quen thuộc, một số hộ trồng mãng cầu trong huyện đã ứng dụng khá thành công kỹ thuật phun phấn trực tiếp lên nụ. Bên cạnh tiết giảm đáng kể thời gian, công lao động thì giải pháp thụ phấn bằng kỹ thuật mới này giúp vườn cây đậu trái to, đồng đều, mẫu mã đẹp. Thế nhưng, đòi hỏi nhà vườn phải xác định đúng độ nở của hoa trên cây để phun phấn đạt được hiệu quả cao nhất. “Tới đây, ngoài việc khuyến khích canh tác theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, ngành sẽ quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân xúc tiến thành lập hợp tác xã để sớm xây dựng thành công nhãn hiệu hàng hóa mãng cầu xiêm cho địa phương. Điều đáng mừng là Tổ hợp tác làm vườn 19/5 đang đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa lớn, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp thu mua sản phẩm”, ông Tuấn khẳng định. |