Nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ KH&&DT đề xuất tiếp tục thực hiện các chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN. Theo đó, kéo dài thời gian hỗ trợ đối với khách hàng phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2020 hoặc thời điểm khác phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh. Mở rộng phạm vi khoản nợ được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản giải ngân phát sinh sau ngày 23/1/2020. Đối tượng được hưởng chính sách này là các doanh nghiệp duy trì hoạt động và có khả năng tiếp cận nguồn tín dụng mới. Việc gia hạn thời gian thực hiện các chính sách trên giúp các doanh DN, khách hàng có thể tiếp tục vay vốn ở các tổ chức tín dụng với chi phí thấp hơn; các tổ chức tín dụng không phải chuyển nhóm nợ thì cũng không phải trích lập dự phòng rủi ro, tạo dư địa cho vay lớn hơn. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cho rằng, cần phải xem xét thận trọng rủi ro về nợ xấu trong thời gian tới. Một đề xuất mới được Bộ KH&ĐT đề cập đến là giảm lãi suất vay vốn tạo việc làm cho DN từ Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động, lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ cận nghèo, ở mức 3,96%/năm (hiện nay, lãi suất cho vay là 7,92%/năm). Thời gian thực hiện Bộ KH&ĐT đề xuất từ ngày 1/11/2020 đến ngày 31/8/2021 đối với các khoản vay đang có dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Thời gian hỗ trợ thực tế không vượt quá thời hạn vay vốn còn lại quy định trong hợp đồng tín dụng. Bộ này cũng đề xuất chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động chuyển nghề do thay đổi hoặc mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lao động có nhu cầu nâng cao tay nghề để tận dụng cơ hội thay đổi chuỗi cung ứng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, hướng tới các ngành kinh tế số, kinh tế xanh. Chính sách này được thực hiện đến hết năm 2021. Nguồn lực để thực hiện từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp và có thể xem xét sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các đối tượng nằm ngoài Quỹ bảo hiểm thất nghiệp Cũng ở gói hỗ trợ nền kinh tế lần thứ 2, Bộ KH&ĐT chính thức đề xuất tạm dừng đóng phí công đoàn tối đa 12 tháng (tương tự chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất), dự kiến làm giảm thu tài chính công đoàn khoảng 15-16 nghìn tỷ đồng/năm. Việc tạm dừng đóng phí công đoàn giúp DN giảm chi phí, hỗ trợ duy trì sản xuất kinh doanh của các DN, giúp người lao động có thêm thu nhập. Tuy nhiên, việc tạm dừng đóng phí công đoàn có thể ảnh hưởng đến nguồn thu và hoạt động của các tổ chức công đoàn. |