【kết quả bóng đá giải ngoại】Làm rõ trách nhiệm, hiệu quả trong sử dụng vốn vay nước ngoài
Vốn vay nước ngoài tăng 59%
Trình bày báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát của UBTVQH cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2016, hệ thống pháp luật của Việt Nam về quản lý nợ công nói chung và nguồn vốn vay nước ngoài nói riêng đã từng bước hoàn thiện, đồng bộ... Quốc hội đã ban hành Hiến pháp sửa đổi năm 2013, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) (sửa đổi), Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng…
Trong giai đoạn 2011 - 2016, đã có 319 hiệp định được ký kết với tổng giá trị đạt khoảng 33,643 tỷ USD, cao hơn 59% so với mức của thời kỳ 2006 - 2010. Trong đó, vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi đạt 32,296 tỷ USD, chiếm khoảng 96% và ODA viện trợ không hoàn lại đạt 1,346 tỷ USD, chiếm khoảng 4% so với tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết cho thời kỳ này. Đến 31/12/2016, nợ nước ngoài của quốc gia là 44,3% GDP, trong giới hạn cho phép (không quá 50% GDP theo nghị quyết của Quốc hội).
Về giải ngân vốn vay, tổng giải ngân cả giai đoạn khoảng 28 tỷ USD (tương đương khoảng 560 nghìn tỷ VND), trong đó giải ngân nguồn vốn vay ODA là 23,2 tỷ USD chiếm 82,3%; vốn vay ưu đãi là 3,2 tỷ USD chiếm 11%; vốn vay thương mại là 1,7 tỷ USD, chiếm khoảng 6% tổng trị giá giải ngân.
Về tình hình trả nợ, báo cáo của Chính phủ cho thấy, việc trả nợ các khoản vay nước ngoài của Chính phủ về cơ bản được thực hiện chặt chẽ, đúng hạn, bao gồm cả nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ và nghĩa vụ nợ cho vay lại; không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn ảnh hưởng tới cam kết, góp phần giúp Chính phủ từng bước cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia.
Vẫn còn nhận thức ODA là vốn “cho không”
Bên cạnh những kết quả, thành công của nhiều dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, Đoàn giám sát UBTVQH cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng nguồn vốn này.
Đơn cử như việc đàm phán, ký kết các hiệp định vay nợ chưa thống nhất đầu mối theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2009, dẫn đến trong triển khai thực hiện chưa thống nhất, gắn kết giữa đàm phán, ký kết với phân bổ, sử dụng vốn và cân đối nguồn lực trả nợ. Việc huy động nguồn lực ODA chưa có chiến lược mang tính căn cơ, hiệu quả, chặt chẽ, còn thể hiện tính dàn trải, thiếu tập trung, chưa có trọng tâm, trọng điểm, manh mún, chưa dành sự quan tâm thích đáng đến việc xem xét hiệu quả sử dụng vốn vay. Qua giám sát tại nhiều địa phương cho thấy, nhiều dự án có quy mô nhỏ lẻ, không mang tính đồng bộ, chưa gắn kết với quy hoạch tổng thể.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nhìn chung các dự án sử dụng ODA có hiệu quả, góp phần hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, việc thanh tra, giám sát cũng cho thấy các sai phạm diễn ra nhiều khâu, kể cả đàm phán, ký kết, vay nợ còn bất cập. Công tác xây dựng kế hoạch, phân bổ vốn nhìn chung chưa sát thực tế, chưa phân bổ vốn giữa các vùng miền. Trần nợ công ODA có khả năng bị vượt, cần trình Quốc hội điều chỉnh tại Kỳ họp thứ 6 tới đây. Chất lượng chuẩn bị một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, tình trạng thất thoát, lãng phí, hư hỏng sau đầu tư đã xảy ra ở một số nơi với các mức độ khác nhau.
Hơn nữa, còn có tình trạng khả năng vay được cao, nhưng khả năng hấp thụ thấp, nhiều dự án không đủ vốn đối ứng. Nhiều dự án tình hình trả nợ khó khăn, dẫn tới Chính phủ phải đứng ra trả nợ trước. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán giám sát chưa thường xuyên, chưa có chiều sâu, xử lý chưa nghiêm, chưa kịp thời.
Trước những tồn tại này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ do nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, như do hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, do nhận thức vốn vay ODA là vốn được cấp nên chưa thực sự chú trọng đến trách nhiệm phải quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do năng lực quản lý, do cố ý làm trái và xử lý chưa nghiêm…
Nhất trí với nhiều giải pháp được đoàn giám sát nêu, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng thay mặt UBTVQH cho rằng, cần nêu rõ trách nhiệm một số cơ quan chức năng, địa phương, để có biện pháp nhắc nhở, cảnh báo trong trách nhiệm sử dụng vốn ODA. Từ đó, có nhận thức đầy đủ hơn về vốn vay ODA, khắc phục được những tồn tại, hạn chế mà qua giám sát phát hiện ra.
Để tăng cường hiệu quả quản lý vốn ODA, đoàn giám sát đã kiến nghị Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có xây dựng chiến lược huy động vốn vay nước ngoài phù hợp với thực tiễn, từng bước giảm tỷ trọng vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, tập trung vay vốn ODA để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã được Quốc hội quyết định; nghiên cứu, xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả các dự án sử dụng vốn ODA, kiên quyết loại bỏ các dự án không phù hợp. Khẩn trương triển khai quy định thống nhất đầu mối quản lý nợ tại Luật Quản lý nợ công năm 2017. Tăng cường trách nhiệm của Bộ Tài chính (là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công) trong việc phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm tính chặt chẽ trong quản lý, đàm phán, ký kết, sử dụng hiệu quả vốn vay và đặc biệt phải bảo đảm khả năng trả nợ. |
H.Y