游客发表
Vẫn là chuyện thiếu mặt bằng sạch
Nguyên nhân xuyên suốt dẫn đến thực trạng trên vẫn là còn dự án, công trình vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân. Cụ thể là Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cà Mau - Ðầm Dơi (đoạn từ đường Hải Thượng Lãn Ông đến cầu Xóm Ruộng); Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường U Minh - Khánh Hội; Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cái Nước - Vàm Ðình - Cái Ðôi Vàm; Dự án đầu tư xây dựng công trình bờ kè chống sạt lở khu dân cư thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn; Dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 19 trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Cà Mau... Ðây đều là những dự án lớn, có tác động rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thậm chí có những dự án được triển khai cách đây khá lâu, chuyển nguồn qua các năm nhưng vẫn chưa chuyển biến tích cực trong tạo mặt bằng sạch để thi công. Có thể kể ra như Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường về trung tâm xã Hàng Vịnh (ngã tư Vòng Xoay đến Vàm Xáng Cái Ngay), huyện Năm Căn.
Ông Nguyễn Hoàng Giao, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng tỉnh, cho biết, tại Dự án Bệnh viện Ðiều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh, hiện hạng mục xây dựng đường số 1 tạm dừng thi công do vướng giải phóng mặt bằng (khối lượng thi công 70%), vì còn 40 hộ không đồng ý nhận tiền bồi hoàn và bàn giao mặt bằng với diện tích 5.301 m2 dù dự án đã triển khai cách đây khá lâu.
Nhiều dự án đô thị tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, hiện đang chậm tiến độ, ảnh hưởng đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. (Ảnh chụp công trình xây dựng Khu dân cư bờ Bắc thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời).
Trở ngại thủ tục từ các dự án vốn lớn
Một số dự án được bố trí kế hoạch vốn lớn còn chưa thực hiện hoàn thành thủ tục đầu tư, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023. Cụ thể, các dự án hạ tầng tái định cư, 2 dự án BT còn trên 323 tỷ đồng chưa bố trí, do đến nay chưa hoàn tất thủ tục trình cấp thẩm quyền điều chỉnh quyết định đầu tư dự án nên chưa có cơ sở phân khai kế hoạch vốn để giải ngân.
Ðối với Dự án Bệnh viện Ða khoa Cà Mau, quy mô 1.200 giường bệnh, do Ban Quản lý dự án công trình xây dựng làm chủ đầu tư, ông Trần Công Khanh cho biết, đây là dự án nhóm A, quy trình, thủ tục thực hiện phức tạp, mất nhiều thời gian thực hiện nên dự kiến không hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà thầu gói thầu khối nhà chính và hạng mục cấp thoát nước khối nhà chính trong năm 2023. Hiện nay, chủ đầu tư đang đề nghị điều chỉnh giảm 230 tỷ đồng trong năm 2023 (dự án giải ngân đạt 13,5% kế hoạch vốn, còn lại 294,163 tỷ đồng chưa giải ngân). Ðược biết, còn hơn 3 ngàn tỷ đồng sẽ được bố trí trong 2 năm 2024-2025 theo tổng mức đầu tư dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt. Ðây được xem là áp lực về nguồn vốn tại một dự án.
Tại Dự án nâng cấp đô thị vùng ÐBSCL - Tiểu dự án TP Cà Mau (188 tỷ đồng, trong đó hoàn trả tạm ứng ngân sách tỉnh 105 tỷ đồng và thanh toán khối lượng thực hiện 83 tỷ đồng) do UBND TP Cà Mau làm chủ đầu tư, hiện còn vướng thủ tục thanh toán chi phí bảo hành các gói thầu thuộc dự án. Bên cạnh là vướng chi phí tư vấn giám sát và công tác bàn giao ngành điện nên chưa thể thanh toán khối lượng thực hiện và hoàn trả tạm ứng ngân sách tỉnh, làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh (dự án giải ngân đạt 30,5% kế hoạch vốn, còn lại 130,6 tỷ đồng chưa giải ngân).
Với Tiểu dự án 8 - Ðầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm - rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau, thuộc Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ÐBSCL” - ICRSL do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm chủ đầu tư (163,252 tỷ đồng), đang thực hiện điều chỉnh giá hợp đồng các gói thầu. Ðồng thời, hợp phần sinh kế không triển khai kịp trong năm do chờ gia hạn hiệp định và phải thực hiện một số thủ tục liên quan đến thuế (không sử dụng vốn ODA chi cho sinh kế và thuế giảm từ 10% xuống còn 8%) nên làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, dự kiến không giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2023 đã bố trí. Hiện nay, chủ đầu tư đang đề nghị điều chỉnh giảm 76,252 tỷ đồng (dự án giải ngân đạt 8,8% kế hoạch vốn, còn lại 148,963 tỷ đồng chưa giải ngân).
Các dự án lớn, nhất là đối với lĩnh vực hạ tầng giao thông cần đảm bảo về mặt bằng sạch, thi công nhanh, sớm đưa vào vận hành, kịp thời phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội. (Ảnh: Cầu Sông Ông Đốc sắp hoàn thành, tạo sự phấn khởi, sẽ là động lực rất lớn cho để tỉnh phát triển kinh tế biển).
Ðối với Dự án “Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tỉnh Kiên Giang và Cà Mau” (19,855 tỷ đồng), hiện còn vướng mắc trong việc xác định trách nhiệm giữa Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) và Tư vấn hỗ trợ dự án GOPA trong việc thực hiện các công việc quan trọng. Dự án đã được Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ điều phối dự án lại cho Ban Quản lý Trung ương các dự án thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) để thực hiện các bước tiếp theo. Bộ NN&PTNT đang rà soát, điều chỉnh chủ trương đầu tư để triển khai các bước tiếp theo, nên không thể giải ngân kế hoạch vốn được giao trong năm 2023. Hiện nay, chủ đầu tư đang đề nghị điều chỉnh giảm toàn bộ kế hoạch đầu tư công năm 2023 được giao (dự án chưa giải ngân).
Dự án cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Cà Mau (dự án không bố trí vốn năm 2023 nhưng số vốn trong trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa sử dụng còn hơn 400 tỷ đồng). Dự án đã hết hạn giải ngân vào ngày 30/9/2023 theo hiệp định vay. Tuy nhiên, do Tổng cục Ðường bộ Việt Nam không chấp thuận phương án bố trí tuyến ống thu gom nước thải trên Quốc lộ 63 vì lý do tuyến đường này mới vừa được Tổng cục Ðường bộ Việt Nam đầu tư nâng cấp và hiện đang trong giai đoạn bảo hành. Thực tế này dẫn đến phải xin chủ trương của cấp có thẩm quyền để điều chỉnh một số nội dung thuộc chủ trương đầu tư dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 480/QÐ-TTg ngày 8/4/2020.
Cùng với đó, hiện còn một số dự án khởi công mới (bao gồm các dự án được bổ sung 452,768 tỷ đồng từ nguồn vốn nguồn tăng thu xổ số kiến thiết năm 2022 tại Quyết định số 737/QÐ-UBND ngày 21/4/2023 của UBND tỉnh) còn đang triển khai các bước quy trình, thủ tục theo quy định, dự kiến sẽ đủ điều kiện khởi công thực hiện trong quý IV/2023.
Tại cuộc họp giao ban về xử lý các vấn đề liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công 2023 vào đầu tháng 10 vừa qua, ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về quản lý Nhà nước trong công tác giải phóng mặt bằng. Các vướng mắc về quy trình, hồ sơ địa chính trong nội bộ ngành tài nguyên và môi trường phải giải quyết sớm trong tháng 10/2023. Tại mỗi địa phương nên có một khu tái định cư cho người dân để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, di dời dân tại các địa bàn xung yếu. Các sở, ngành, địa phương cần nâng cao hơn nữa vai trò, xem việc giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng để chỉ đạo quyết liệt, đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn năm 2023 đạt từ 95% trở lên. |
Tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng cùng chung thực trạng là chưa thực hiện hoàn thành các bước quy trình, thủ tục đầu tư theo quy định (các đơn vị được giao thực hiện chưa có kinh nghiệm, lựa chọn đơn vị tư vấn không đảm bảo về năng lực), nhất là Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (tỷ lệ giải ngân đạt 35,7%) và Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (tỷ lệ giải ngân đạt 39,4%), làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh.
Một nguyên nhân nữa, đó là quá trình lựa chọn nhà thầu khó khăn (Dự án Trung tâm điều hành dịch vụ đô thị thông minh - IOC); đồng thời, do tính chất đặc thù của các dự án mua sắm, lắp đặt thiết bị thực hiện hợp đồng theo hình thức trọn gói sẽ thanh toán một lần sau khi hoàn thành gói thầu nên phần lớn thời gian thực hiện trong năm có tỷ lệ giải ngân thấp (chủ yếu thanh toán các chi phí tư vấn).
Trần Nguyên
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接