Sán làm tổ trong não người đàn ông vì món nhiều người mê
(Dân trí) - Món ăn được nhiều người Việt yêu thích và xem là "đặc sản" tiềm ẩn nguy cơ gây tổn thương não nguy hiểm.
Nhập viện vì triệu chứng bất thường, phát hiện sán não
Cách đây 5 năm, anh L.Đ.S., một kỹ thuật viên điện lực từng bị đau đầu dai dẳng. Khi khám tại bệnh viện, bác sĩ nghi ngờ u não nhưng sau 5 ngày nằm viện, anh được chẩn đoán chỉ có nốt vôi hóa ở não và không phát hiện thêm vấn đề gì nghiêm trọng. Từ đó, anh không còn đi khám lại vì sức khỏetốt hơn.
Tuy nhiên, cách đây không lâu, anh S. bất ngờ xuất hiện các triệu chứng nặng như: chóng mặt, nôn mửa, bất tỉnh. Lo ngại anh bị đột quỵ, gia đình đã nhanh chóng đưa tới bệnh viện tỉnh.
Kết quả chụp CT cho thấy, anh bị sán ký sinh tại não. Sau đó, anh S. vào Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương) để điều trị.
Sán não là bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương gây ra bởi ấu trùng sán dây lợn Taenia solium. Ấu trùng sán dây lợn khi vào cơ thể có thể ký sinh ở nhiều nơi khác nhau như: cơ, não, gan và mắt.
Khi ký sinh ở não, chúng sẽ gây bệnh sán não. Sán não được cho là nguyên nhân chính gây ra các cơn động kinh khởi phát ở người trưởng thành ở hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp.
Anh S. kể: "Lúc đầu, tôi cứ nghĩ là bị trúng gió. Khi bác sĩ thông báo kết quả, tôi sốc vô cùng".
Qua khai thác tiền sử, các bác sĩ cũng nắm được người đàn ông này có thói quen ăn rau sống và tiết canh lợn.
Nguy cơ từ món ăn quen thuộc
BS Phùng Xuân Hách, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, cho biết các triệu chứng của bệnh sán não thường không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
Trong trường hợp của anh S., các biểu hiện ban đầu chỉ là chóng mặt, buồn nôn, nên gia đình và bản thân bệnh nhân đều nghĩ đến các vấn đề như trúng gió hay đột quỵ.
Nguyên nhân chính khiến anh S. nhiễm sán não là do thói quen ăn tiết canh và rau sống.
"Rất nhiều người nghĩ rằng lợn nhà nuôi sạch sẽ là an toàn. Nhưng thực tế, chúng ta không thể kiểm soát hết các nguy cơ bệnh tật, ký sinh trùng trong quá trình chăn nuôi", BS Hách nhấn mạnh.
Theo chuyên gia này, ăn tiết canh hoặc các loại thịt lợn chưa được nấu chín kỹ như nem chạo, nem thính đều tiềm ẩn nguy cơ cao nhiễm sán não. Ngoài ra, tiết canh còn có thể gây ra các bệnh nguy hiểm khác như nhiễm liên cầu lợn - một loại vi khuẩn có thể dẫn đến viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết.
Sau khi được bác sĩ giải thích, anh S. thốt lên: "Xin chừa, sợ quá rồi! Từ nay tôi sẽ không bao giờ ăn tiết canh nữa". Đây cũng là lời cảnh tỉnh đối với nhiều người Việt Nam vẫn còn giữ thói quen sử dụng thực phẩm sống hoặc chưa được chế biến kỹ.
Lời khuyên từ chuyên gia
Để phòng ngừa bệnh sán não và các bệnh lý liên quan, chuyên gia khuyến cáo:
- Ăn chín, uống sôi: Không tiêu thụ các loại thực phẩm sống hoặc chưa được nấu chín kỹ.
- Tách riêng thực phẩm sống và chín: Không dùng chung thớt, dao để chế biến thực phẩm sống và chín.
- Không ăn tiết canh và nem sống: Tiết canh lợn hoặc các món ăn từ lợn chưa nấu chín đều có nguy cơ cao lây nhiễm ký sinh trùng và vi khuẩn.
"Bệnh sán não có thể diễn biến âm thầm, khó nhận biết, nhưng hậu quả lại vô cùng nghiêm trọng. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ là trách nhiệm với bản thân mà còn bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình và cộng đồng", BS Hách nhấn mạnh.