Chủ trương đánh trả bọn nguỵ quyền Sài Gòn cố tình phá hoại Hiệp định Paris và thực hiện âm mưu “tràn ngập lãnh thổ”… là sự cống hiến to lớn của Khu uỷ Khu 9, của quân dân miền Tây Nam Bộ, mà người đứng đầu, khởi xướng là Bí thư Khu uỷ Khu 9 Võ Văn Kiệt
Hiệp định Paris ký kết ngày 27/1/1973 và có hiệu lực thi hành ngày 28/1/1973 “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam”. Quân đội Mỹ rút về nước, nhưng Tổng thống Mỹ Nixon dùng lời “đanh thép” và “hoa mỹ” cam kết với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, rằng: “Nếu Hà Nội sai lời ký kết, tôi sẽ có hành động trả đũa mau lẹ và tức khắc”.
Ðể khẳng định lời cam kết của mình, làm cho Thiệu yên lòng, Tổng thống Nixon gởi cho Tổng thống Thiệu nhiều mật thư. Ðồng thời “đồng minh Hoa Kỳ” tái viện trợ cho “Việt Nam cộng hoà” rất nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh”. Nhưng Nguyễn Văn Thiệu cho rằng, nội dung Hiệp định Paris vô cùng bất lợi cho chúng và có cảm nhận rằng Mỹ rút quân là sự bỏ rơi chúng, không tin lời cam kết miễn cưỡng và sự viện trợ vũ khí… cầm chừng của Tổng thống Nixon.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong lần về thăm và làm việc tại Cà Mau. Ảnh: THANH QUANG |
Hiệp định Paris ký kết chưa ráo mực, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố: Không thi hành Hiệp định Paris, không hoà bình, không hoà hợp, không ngồi chung với cộng sản, tiếp tục chiến tranh. Song song đó, Thiệu tiến hành kế hoạch bình định… Kế hoạch này Thiệu chia làm ba bước: Bước một lấn chiếm cho được địa bàn Chương Thiện; bước hai lấn chiếm U Minh; bước ba bình định địa bàn phía Nam Cà Mau… Thực hiện kế hoạch này, Thiệu bổ sung cho Vùng IV chiến thuật (Cần Thơ) 200.000 quân (riêng địa bàn Chương Thiện 42 tiểu đoàn), chưa kể các sắc quân ở đồn bót kềm kẹp cơ sở. Thiệu chủ trương đánh nhanh, cấp tốc đánh phá địa hình, xây dựng đồn bót, ấp chiến lược, bủa lưới chính quyền, mật thám… như mạng nhện, ồ ạt chiếm đất, giành dân…
*Ngày 28/1/1973, Bí thư Khu 9 Võ Văn Kiệt đến địa bàn Cần Thơ nghe Thành uỷ Cần Thơ báo cáo tình hình và đến thăm ở với một trung đoàn chủ lực 2 ngày trên địa bàn này, chứng kiến hành động phá hoại Hiệp định Paris của chính quyền Thiệu.
Ngày 30/1/1973, Bí thư Khu uỷ Võ Văn Kiệt triệu tập cuộc họp Thường vụ Khu uỷ bất thường và ngày 2/2/1973, Thường vụ Khu uỷ triệu tập cuộc họp Khu uỷ mở rộng. Cuộc họp này hoàn toàn nhất trí với nhận định của Thường vụ Khu uỷ, của Bí thư Khu uỷ Võ Văn Kiệt: Hiệp định Paris là thắng lợi to lớn của quân dân cách mạng. Mỹ - Thiệu thua đã rõ ràng nhưng vẫn ngoan cố phá hoại hiệp định, củng cố quyền lực ở miền Nam. Cách mạng phải chặn ngay bàn tay phá hoại của đối phương. Cần dựa vào pháp lý của hiệp định, vận dụng phương châm, phương pháp đấu tranh thích hợp ở từng vùng, giữ thế chính nghĩa của cách mạng. Quân đội Sài Gòn tuy hung hăng nhưng thế đã khác trước, theo Hiệp định Paris, quân Mỹ đã phải chấp nhận rút quân, binh lính nguỵ hoang mang phân hoá. Cần đẩy mạnh 3 mũi giáp công, giữ vững và mở rộng quyền làm chủ ở khắp các vùng giải phóng và vùng tranh chấp.
Tuy nhiên, khi Hiệp định Paris ký kết, trong đội ngũ cách mạng đã có không ít cán bộ các cấp đã có sự diễn biến phức tạp. Có một bộ phận cán bộ tin vào hiệp định, tin vào hoà bình lập lại, phải tranh thủ thời cơ bồi dưỡng quân đội và Nhân dân, khôi phục kinh tế, bồi dưỡng lực lượng, chờ thời cơ giành thắng lợi, giải phóng miền Nam. Một bộ phận cán bộ khác nảy sinh tâm lý mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi… Trong khi đó, Trung ương cử phái đoàn vào Nam chỉ đạo giữ vững các giới tuyến hiện tại… Trước những biểu hiện đó khiến tình hình cách mạng ở miền Tây Nam Bộ diễn biến càng phức tạp và căng thẳng.
Trong khi đó, chính quyền Thiệu ngày đêm đưa quân đánh phá vùng nông thôn giải phóng, vùng căn cứ, chiếm đất, giành dân với âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” đầy tham vọng điên cuồng.
Xin đọc một đoạn do Bí thư Khu uỷ Khu 9 Võ Văn Kiệt, kể: “Tôi làm Bí thư Khu uỷ Khu 9 mà Trung ương Cục cử tôi đi thanh tra Khu 8. Gặp anh Sáu Bưởi, Bí thư Khu uỷ Khu 8, anh phê bình tôi rằng: “Anh làm sai chỉ thị của Trung ương, vi phạm Hiệp định Paris”. Tôi cự luôn anh ấy: “Thế nào là sai chỉ thị? Tinh thần của chỉ thị là thế nào? Tôi đưa ra chủ trương là phổ biến trong toàn Khu uỷ và triệu tập từ cấp tỉnh uỷ viên lên Cần Thơ… Chỉ thị cao nhất, mệnh lệnh cao nhất là giữ đất, giữ dân. Kỷ luật nặng nhất là để mất đất, mất dân. Chủ trương của chúng tôi là giữ đất, giữ dân và mở rộng địa bàn". Anh Sáu Bưởi cho rằng tôi làm như thế là vi phạm lệnh của Trung ương. Tôi nói: Lệnh của Trung ương là gì? Trung ương có chủ trương cho chúng ta để mất đất, mất dân không? Giữ đất, giữ dân và mở rộng địa bàn có phải là chủ trương của Trung ương không? Tôi làm như vậy là đúng hay sai với Trung ương? Tôi chịu trách nhiệm với thực tế ở đây. Nhưng nếu ta để mất đất, mất dân thì chúng ta có tội với Trung ương, có tội với đất nước. Chỉ thị của Trung ương là chỉ thị chung, vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể để thực hiện tư tưởng lớn là phát triển cách mạng thì đó là nghiêm chỉnh thực hiện tư tưởng của Trung ương”.
Lúc bấy giờ trong đội ngũ cán bộ tư tưởng có xu hướng phát triển mạnh hơn là thoả mãn với “hoà bình”, cầu an… trong khi đó có phái đoàn của Trung ương và chỉ thị của Trung ương Cục chỉ đạo nắm vững và thực hiện khẩu hiệu trung tâm: “Hoà bình, độc lập, dân chủ, cơm áo, hoà hợp dân tộc…”. Tuy nhiên, tình hình miền Tây Nam Bộ khác với các vùng, miền khác ở miền Nam. Do hầu hết các nơi trong miền đều nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định Paris: đóng quân tại chỗ không chống trả âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” của đối phương, để cho chính quyền Thiệu rảnh tay xua quân đến miền Tây Nam Bộ “tràn ngập lãnh thổ”, ráo riết mở rộng vùng tạm chiếm, cố biến miền Tây Nam Bộ thành vùng kinh tế quan trọng, chúng chuẩn bị cho những cuộc quyết chiến với cách mạng trong tương lai. Binh đông, tướng mạnh, phương tiện vũ khí tối tân, đối phương mỗi lúc tăng thêm sức ép, gây ra rất nhiều khó khăn cho Ðảng bộ và quân, dân miền Tây Nam Bộ. Vấn đề cấp bách và cực kỳ nghiêm trọng là nếu chúng ta không đánh trả thì mất hết đất, mất hết dân, cách mạng sẽ không còn chỗ đứng chân…
Trong cảnh dầu sôi lửa bỏng ấy, may mắn xuất hiện người có trách nhiệm cao nhất của Khu 9 - miền Tây Nam Bộ: Bí thư Khu uỷ Khu 9 Võ Văn Kiệt và Tư lệnh Quân khu 9 Lê Ðức Anh. Các đồng chí đề ra chủ trương và ra lệnh cho toàn miền Tây đánh giặc, đập tan âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” của nguỵ quyền Sài Gòn, giành đất, giành dân, mở rộng địa bàn cho cách mạng. Ðể giải toả tư tưởng đánh địch như thế có sai chỉ thị của Trung ương không? Bí thư Khu uỷ Võ Văn Kiệt và Tư lệnh Quân khu lập luận rằng: “Tướng ngoài biên có quyền quyết định kịp thời, thi hành trước, báo cáo sau” và Khu uỷ chủ trương: xuất phát từ lợi ích cách mạng của Nhân dân, không chỉ một chiều thi hành hiệp định mà phải kiên quyết đánh trả tích cực, đẩy đối phương khỏi vùng lấn chiếm, bảo vệ vùng giải phóng.
Bảo vệ quan điểm “đánh trả” âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” của chính quyền Sài Gòn, của Bí thư Khu 9 Võ Văn Kiệt, của Ban Thường vụ, của Khu uỷ Khu 9… là việc làm rất trọng đại mà chưa có tiền lệ là việc làm dũng cảm, dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm trước Ðảng, trước Trung ương và trước Nhân dân. Sự quyết đoán thể hiện một bản lĩnh tuyệt vời và một tài năng kiệt xuất.
Bí thư Khu uỷ Khu 9 Võ Văn Kiệt kể: “Vào giữa năm 1973, tôi được triệu tập ra Hà Nội họp để tham gia ý kiến về những giải pháp đối với miền Nam lúc đó. Tại Bộ Tổng Tham mưu, tôi thấy các tướng tá rất nhiều, ăn mặc nghiêm chỉnh lắm, nhưng anh em chưa kịp nắm bắt thông tin thực tế ở miền Tây, những biện pháp của chúng tôi ở miền Tây mấy tháng qua và những kinh nghiệm sát sườn của quân dân ở đây. Một vị tướng hỏi tôi: “…nhưng cứ đánh trả thì các anh có giữ được không?”. Tôi trả lời: Giữ hay không giữ là cả miền Nam có quyết định làm như chúng tôi không? Nếu tất cả miền Nam làm như vậy thì tôi đảm bảo chúng tôi sẽ đứng vững và sẽ phát triển, còn nếu cả nước không làm thì miền Tây chúng tôi khó lòng chịu được sức ép của địch. Do đó, có thể sẽ mất toàn bộ miền Tây. Nghe tôi trình bày, nhiều vị tướng và đặc biệt là anh Ba Duẩn suy nghĩ lung lao lắm. Anh Ba biết tôi từ lâu nên hẳn anh đã có lòng tin với tôi và với miền Tây. Cuối cùng tôi rất mừng là những ý kiến đó của tôi được anh Ba đồng tình và anh Võ Nguyên Giáp đồng tình…”.
Ðồng chí Võ Văn Kiệt (bìa trái) ra quân cùng lực lượng thanh niên xung phong năm 1976. Ảnh tư liệu |
Buổi đầu của Hiệp định Paris, nhất là trước sức “tràn ngập lãnh thổ” của địch, các địa phương trong Khu 9 rất bỡ ngỡ, nhiều tỉnh, nhiều vùng ở miền Tây mất đất, mất dân, mất địa bàn. Nhưng chấp hành chủ trương “đánh trả” của Khu uỷ, Ðảng bộ và quân dân các tỉnh vùng dậy đánh địch bằng ba mũi giáp công: chống càn quét, tiêu diệt đồn bót, phá ấp chiến lược, giành thắng lợi quan trọng: Ðẩy địch ra khỏi vùng giải phóng, ra khỏi vùng căn cứ, buộc địch phải co cụm ra các con đường chiến lược. Ðặc biệt, trên địa bàn trọng điểm “tràn ngập lãnh thổ” Chương Thiện của chính quyền Sài Gòn, dưới sự chỉ đạo của Khu uỷ Khu 9 và quân khu, quân dân ta tiêu diệt 75 lượt tiểu đoàn quân địch (theo thông tin không chính thức là quân địch bị quân ta tiêu diệt tại chiến trường Chương Thiện là 40 tiểu đoàn).
Quyết định của Khu uỷ Khu 9: "đánh trả" âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” của chính quyền Sài Gòn, không chỉ có ý nghĩa về sự tồn tại của miền Tây, mà điều quan trọng hơn là mở ra hướng mới cho cách mạng miền Nam, là một bài học đóng góp xứng đáng vào những chuyển biến chiến lược của Trung ương, của Bộ Chính trị. Tháng 9/1973, từ chủ trương, cách làm của miền Tây đánh trả âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” của chính quyền Sài Gòn trở thành quyết sách giải quyết tình hình miền Nam bằng Nghị quyết số 21 của Trung ương Ðảng.
Chủ trương đánh trả bọn nguỵ quyền Sài Gòn cố tình phá hoại Hiệp định Paris và thực hiện âm mưu “tràn ngập lãnh thổ”… là sự cống hiến to lớn của Khu uỷ Khu 9, của quân dân miền Tây Nam Bộ, mà người đứng đầu, khởi xướng là Bí thư Khu uỷ Khu 9 Võ Văn Kiệt./.
Phạm Văn Tri