UBND tỉnh Kiên Giang vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển các đô thị động lực trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025. Theo đó, mục đích Kế hoạch đề ra là tập trung phát triển các đô thị động lực thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Xây dựng đảo Phú Quốc trở thành thành phố du lịch biển - đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế; xây dựng TP. Rạch Giá là một trong 4 đô thị của vùng kinh tếtrọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng TP. Hà Tiên trở thành đô thị kinh tế cửa khẩu quốc tế, trung tâm văn hóa - du lịch lớn của tỉnh và khu vực; xây dựng Kiên Lương là đô thị - công nghiệp có quy mô lớn và hiện đại; trung tâm du lịch cấp tỉnh. Xây dựng An Biên là đô thị vùng U Minh Thượng; Giồng Riềng là đô thị vùng Tây Sông Hậu. Đến năm 2025, tỉnh Kiên Giang phát triển 6 đô thị động lực gồm: 2 đô thị loại I là TP. Rạch Giá và TP. Phú Quốc; 1 đô thị loại II là TP. Hà Tiên; 1 đô thị loại III là Kiên Lương và 2 đô thị loại IV là Giồng Riềng và An Biên. Trong đó, đô thị Rạch Giá là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học kỹ thuật và dịch vụ của tỉnh Kiên Giang; đồng thời là trung tâm dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại tầm quốc gia và quốc tế; là trung tâm đầu mối giao thông hàng không, đường biển, đường bộ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực ASEAN. Hiện trạng TP. Rạch Giá là đô thị loại II, giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu nâng cấp trở thành đô thị loại I, với quy mô dân số đến năm 2025 là 350 ngàn người, trong đó dân số nội thị khoảng 330 ngàn người. Đô thị Phú Quốc có tính chất là đô thị biển - đảo độc đáo, đạt tiêu chuẩn đô thị loại I; là khu kinh tế có vị thế đặc biệt; trung tâm kinh tế du lịch, dịch vụ du lịch sinh thái biển - đảo đặc sắc, chất lượng cao của quốc gia và quốc tế; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng, cảng biển và cảng hàng khong quốc tế... Hiện trạng TP. Phú Quốc là đô thị loại II, giai đoạn 2021 - 2025 nâng cấp trở thành đô thị loại I, với quy mô dân số đến năm 2025 là 250 ngàn người, trong đó dân số nội thị khoảng 142 ngàn người. Đô thị Hà Tiên có tính chất là đô thị cửa khẩu quốc tế, văn hóa, hành chính, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo và du lịch ven biển; đô thị có truyền thống lịch sử, có di sản văn hóa và di sản thiên nhiên đa dạng về hệ sinh thái; là cực tăng trưởng phía Tây của tỉnh Kiên Giang. Hiện trạng TP. Hà Tiên là đô thị loại III, giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu nâng cấp thành đô thị loại II, với quy mô dân số đến năm 2025 là 100 ngàn người, trong đó dân số nội thị khoảng 85 ngàn người. Đô thị Kiên Lương có tính chất là trung tâm hành chính, kinh tế của huyện Kiên Lương; là trung tâm văn hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp... của tỉnh Kiên Giang. Hiện trạng Kiên Lương là đô thị loại IV, giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu nâng cấp thành đô thị loại III và nâng cấp đơn vị hành chính từ huyện lên thị xã. Đến năm 2025, quy mô dân số toàn đô thị là 130 ngàn người, trong đó dân số nội thị khoảng 80 ngàn người. Đô thị Giồng Riềng là trung tâm huyện lỵ của huyện Giồng Riềng; là đô thị dịch vụ nông sản của tiểu vùng Tây Sông Hậu. Hiện trạng Giồng Riềng là đô thị loại V, giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu nâng cấp thành đô thị loại IV và nâng cấp đơn vị hành chính từ huyện lên thị xã. Đến năm 2025 dân số đô thị khoảng 25 ngàn người. Đô thị Thứ Ba là trung tâm huyện lỵ của huyện An Biên, thuộc hành lang kinh tế ven biển Tây. Hiện trạng thị trấn Thứ Ba là đô thị loại V, trong giai đoạn 2021- 2025 phấn đấu các chỉ tiêu cơ bản của đô thị loại IV. Đến năm 2025, dân số đô thị khoảng 25 - 30 ngàn người. Trong Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển các đô thị động lực trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, UBND tỉnh Kiên Giang đã xây dựng Danh mục dự ánưu tiên (hạ tầng kỹ thuật khung, công trình đầu mối) kết nối các đô thị theo giai đoạn năm 2021 - 2025. Cụ thể, về giao thông, tiếp tục nâng cấp mở rộng hệ thống giao thông theo quy hoạch của ngành. Trong đó, ưu tiên nâng cấp mở rộng Quốc lộ N1 (Hà Tiên - Tịnh Biên); nâng cấp Quốc lộ 61 đoạn Bến Nhứt - Rạch Sỏi nhằm khai thác đồng bộ cho toàn tuyến; nâng cấp Đường tỉnh 970B đoạn Kiên Lương - Vĩnh Điều (đường T3), Đường tỉnh 975C (Bãi Thơm - Hàm Ninh - Bãi Khem), đường Rạch Vẹm - Rạch Tràm - Bãi Thơm, Đường tỉnh 963 kết nối với đường cao tốc Lộ Tẻ Rạch Sỏi. Đối với huyện Giồng Riềng, đầu tưđường huyện dọc theo tuyến song Cái Bé (Đường ĐH.GR.DK.06); nâng cấp đường huyện Thạnh Lộc và đầu tư mới đoạn đường Kênh Ranh giáp với TP. Cần Thơ (từ xã Thạnh Lộc đến xã Hòa Lợi, đường ĐH.GR.DK.10); đầu tư nâng cấp mở rộng đường Đường tỉnh 963 đi qua địa phận huyện Giồng Riềng. Đối với huyện An Biên, đầu tư cầu Thứ Ba (ngang kênh Xẻo Rô) và đường đê bao ven biển kết nối với cầu Thứ Ba. Về cấp điện, xây dựng mới đường dây 110kv Hà Tiên - Tịnh Biên và Trung tâm điện lực Kiên Giang công suất 2x750MW sử dụng khí lô B tại Khu công nghiệp Xẻo Rô; Trạm biến áp 220KV An Biên. Về hạ tầng cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang, tiếp tục triển khai theo quy hoạch ngành và quy hoạch đô thị đã phê duyệt. Về hạ tầng khu cụm công nghiệp, khu du lịch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho Khu công nghiệp Xẻo Rô, Cụm công nghiệp Kiên Lương II, Cụm công nghiệp Đông Bắc TP. Rạch Giá, Cụm công nghiệp Long Thạnh; Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên; tiếp tục đầu tư mới, nâng cấp các hạ tầng kỹ thuật đô thị tại các TP. Rạch Giá, Phú Quốc và Hà Tiên để thúc đẩy phát triển du lịch. Về nguồn lực để thực hiện Chương trình, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tạo nguồn vốn. Kết hợp vốn ngân sách nhà nước, vốn viện trợ phát triển chính thức ODA, mô hình hợp tác công - tư PPP (BOT, BTO, BT...), vốn vay và vốn của các thành phần kinh tế khác. Căn cứ danh mục chi tiết dự án đầu tư, kế hoạch phân bổ nguồn vốn các giai đoạn 5 năm và hàng năm theo nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nghị quyết phê duyệt kế hoạch đầu tư công của tỉnh để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình. |