DATC hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh Mới đây, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã phối hợp với Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tổ chức Chương trình “Chia sẻ kinh nghiệm và cơ hội hợp tác trong mua, bán, xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp của DATC”.
Mục đích của chương trình là chia sẻ, trao đổi, thảo luận kinh nghiệm thực tiễn của DATC trong công tác xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp, các phương pháp tiếp cận, phân tích, đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp, nhận biết những vấn đề tiềm ẩn trước lỗ, các dấu hiệu mất an toàn về tài chính và các vấn đề khác trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như các yếu tố bên ngoài để đánh giá khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp. Theo ông Lê Thanh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc SCIC, SCIC mong muốn qua buổi chia sẻ của DATC và với sự hỗ trợ của DATC sẽ giúp SCIC cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư của SCIC tìm ra giải pháp hiệu quả, sớm xử lý dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay, SCIC là doanh nghiệp duy nhất có chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức đầu tư vốn nhà nước chuyên nghiệp. Theo đó, Nhà nước đầu tư vốn và tập trung củng cố, xây dựng SCIC vững mạnh để bảo đảm đủ nguồn lực tài chính, quản trị tập trung thực hiện nhiệm vụ đầu tư kinh doanh vốn, đầu tư và phát triển các dự án đầu tư có quy mô lớn, quan trọng, điều hành và định hướng phát triển các công ty con,... Với bề dày hơn 20 năm kinh nghiệm, DATC là một định chế tài chính không chỉ thực hiện nhiệm vụ xử lý nợ mà còn là công cụ giúp Chính phủ thực hiện mục tiêu tái cơ cấu DNNN, thúc đẩy cổ phần hóa DNNN và ngân hàng thương mại nhà nước; hỗ trợ các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại lành mạnh hóa tình hình tài chính trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua hoạt động mua bán nợ và tài sản tồn đọng. Tại chương trình, ông Chu Ngọc Lâm - Phó Tổng Giám đốc DATC đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc đánh giá rủi ro từ môi trường kinh doanh và các vấn đề nội tại của doanh nghiệp. Trong đó, ông nhấn mạnh những lưu ý về đọc hiểu báo cáo tài chính để đánh giá tình trạng tài chính doanh nghiệp; phân tích cấu trúc tài chính, phân tích khả năng thanh toán, phân tích khả năng sinh lời, phân tích dòng tiền… Việc phân tích đánh giá tài chính đối với các doanh nghiệp trong hoạt động mua bán xử lý nợ yêu cầu sự kết hợp giữa phân tích định lượng và định tính. Đặc biệt cần chú trọng đến việc xác minh số liệu tài chính, đánh giá chất lượng tài sản và dòng tiền, cùng với việc xem xét các yếu tố bên ngoài và nội bộ doanh nghiệp. Nghiên cứu áp dụng những mô hình tái cơ cấu thành công của DATC
Theo ông Chu Ngọc Lâm, từ khi thành lập đến nay, DATC luôn thể hiện vai trò là công cụ quan trọng của Chính phủ với nhiệm vụ hỗ trợ đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp trong nền kinh tế thông qua hoạt động tiếp nhận, mua, bán, xử lý nợ và tài sản. Đặc biệt, DATC đã được Chính phủ, Bộ Tài chính tin tưởng giao thực hiện xử lý nợ để hỗ trợ cổ phần hóa, tái cơ cấu nhiều tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước, qua đó giúp phục hồi các doanh nghiệp đang hoạt động thua lỗ, mất cân đối tài chính, thậm chí bên bờ vực phá sản trở lại hoạt động bình thường, duy trì ổn định, phát triển bền vững, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động và an sinh xã hội trên địa bàn cả nước. Trong suốt hơn 20 năm hình thành và phát triển, DATC luôn là doanh nghiệp tiên phong, dẫn đầu trong lĩnh vực mua bán, xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp, có uy tín đối với các tổ chức tài chính cũng như các doanh nghiệp đối tác, nhà đầu tư... Qua các nghiệp vụ của mình, DATC đã thực hiện hàng trăm phương án mua bán, xử lý nợ; qua đó không chỉ giúp các doanh nghiệp gỡ bỏ được gánh nặng tài chính, phục hồi sản xuất kinh doanh, trả được nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội,… mà còn tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Trong đó, có những phương án xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp rất đặc thù, chưa có tiền lệ như: phương án cho Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam VINALINES; phương án Công ty Vận tải biển; phương án Công ty Dệt may; phương án Công ty Điện gió. Ngoài ra, các cán bộ tham gia chương trình cũng tích cực đặt vấn đề, trao đổi ý kiến xoay quanh công tác xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp, đề xuất hướng giải quyết, giúp các đơn vị, doanh nghiệp có được quyết định hợp lý khi mua bán nợ và xây dựng chiến lược tái cấu trúc hiệu quả, tránh được các rủi ro.
|