Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thu hút FDI quý I của Việt Nam vẫn tăng cao so với cùng năm trước, trong đó, vốn FDI giải ngân đạt 4,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ 2020. Theo tôi, đây là kết quả khá tích cực. Tuy nhiên, kết quả này chưa mang yếu tố bền vững bởi sự tăng trưởng chủ yếu tập trung vào tháng 3/2021, với tổng vốn đăng ký mới, tăng thêm và vốn góp, mua cổ phần đạt gần 5 tỷ USD. Nguyên nhân, trong tháng 3, có xuất hiện một dự án FDI lớn: Nhà máy điện LNG Long An I và II của nhà đầu tư Singapore, có tổng vốn đầu tư 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải, phân phối, sản xuất điện tại tỉnh Long An, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào ngày 19/3, đã khiến dòng vốn FDI trong tháng 3 và quý I/2021 tăng mạnh. Trong khi đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 5 tỷ USD, bằng 84,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ảnh minh họa |
Một yếu tố nữa trong thu hút FDI 3 tháng đầu năm, chúng ta vẫn chỉ thu hút được các đối tác truyền thống như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, trong khi dòng vốn FDI đến từ Hoa Kỳ, châu Âu vẫn rất hạn chế… Do vậy, theo tôi, dòng vốn FDI vào Việt Nam trong 3 tháng đầu năm chưa có đột phá so với những năm trước đó.
Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài |
Có một thực tế đang diễn ra, dòng vốn FDI giải ngân những năm qua dù tăng nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với vốn đăng ký. Theo ông, cần nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Đúng vậy, hiện tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam đã lên đến 388,8 tỷ USD, nhưng vốn thực hiện chỉ đạt 234,36 tỷ USD, bằng 60,2% tổng vốn đăng ký. Riêng 3 tháng đầu năm 2021, Việt Nam thu hút hơn 10,13 tỷ USD vốn FDI, nhưng chỉ giải ngân được 4,1 tỷ USD, chiếm khoảng 40% tổng vốn đăng ký. Trong khi vốn FDI giải ngân mới là con số thực cho thấy vốn đã đi vào nền kinh tế, chứ không phải vốn đăng ký trên giấy tờ.
Song vẫn phải nói thêm rằng, vốn FDI giải ngân tuy thấp hơn vốn đăng ký, nhưng những năm gần đây, đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, giai đoạn 2014 - 2019, vốn FDI giải ngân lần lượt đạt: 12,5 tỷ USD, 14,5 tỷ USD, 15,8 tỷ USD, 17,5 tỷ USD, 19,1 tỷ USD và 20,3 tỷ USD. Đặc biệt, năm 2020, môi trường đầu tư Việt Nam chịu tác động mạnh của dịch Covid-19, nhưng FDI giải ngân vẫn đạt 19,98 tỷ USD. Điều đó chứng tỏ, vốn FDI giải ngân đang được cải thiện đáng kể, song để rút ngắn hơn nữa khoảng cách này, Chính phủ và bộ, ngành, địa phương cần có những giải pháp hiệu quả, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Hiện, lĩnh vực nông nghiệp mới chỉ thu hút được 3,7 tỷ USD vốn FDI, chiếm chưa đến 1% tổng vốn FDI đăng ký. Tại sao lại có hiện tượng như vậy, thưa ông?
Trong khi FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, năng lượng tăng mạnh thời gian qua thì FDI vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn rất thấp, đặc biệt cũng không có những dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực này. Nguyên nhân có rất nhiều, nhưng chủ yếu do nông nghiệp là lĩnh vực Việt Nam có nhiều thế mạnh, song cũng lắm rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thời tiết. Đặc biệt, tình trạng "mất mùa, được giá" và "được mùa, mất giá" vẫn diễn ra phổ biến bao nhiêu năm nay, chưa có hướng giải quyết triệt để.
Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam, nhưng lại gặp những vướng mắc trong vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu và thương thảo với nông dân để đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất. Để tăng sức hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp, theo tôi, nhà nước cần ban hành thêm các chính sách ưu đãi hấp dẫn để nhà đầu tư yên tâm triển khai dự án tại Việt Nam. Đây cũng là cách để ngành nông nghiệp Việt Nam có cơ hội ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Xin cảm ơn ông!