Quy định về thu hút nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô mang tính toàn diện, đột phá. Ảnh: TL |
Phân quyền mạnh mẽ cho Thủ đô thẩm quyền đầu tư
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được Quốc hội khoá XV đưa ra thảo luận. Trong dự thảo Luật có các quy định theo hướng đẩy mạnh phân quyền trong lĩnh vực đầu tư, đơn giản hóa quy trình thủ tục đầu tư, tăng cường biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, đa dạng hóa mô hình, phương thức đầu tư mới. Qua đó, giúp thu hút đầu tư xã hội để hỗ trợ cho nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (NSNN); khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, tài sản công nhằm thực hiện các mục tiêu đầu tư phát triển Thủ đô Hà Nội xanh, thông minh, hiện đại.
Việc xây dựng các quy định này là bước cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng phát triển Thủ đô và các chủ trương chính sách về phát triển đô thị nói chung. Một số quy định được kế thừa, tiếp thu các quy định hiện nay đang về cơ chế, chính sách thí điểm tại Khánh Hòa (Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội), TP.Hồ Chí Minh (Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội) như: Việc tách dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công nhóm B,C (Điều 37); đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao (Điều 38); thực hiện hình thức hợp đồng BT (Điều 40); thu hút nhà đầu tư chiến lược (Điều 44).
Bên cạnh đó, còn có các quy định phân quyền mạnh mẽ cho Thủ đô thẩm quyền đầu tư (Điều 43) so với quy định hiện hành của Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư; biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong các lĩnh vực (Điều 45) cao hơn so với quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư; các quy định về những mô hình, giải pháp đầu tư mới như: Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (Điều 39); thử nghiệm có kiểm soát; mô hình nhượng quyền kinh doanh, quản lý, liên kết trong khai thác tài sản công lĩnh vực văn hóa, thể thao (Điều 42) là những vấn đề mới hiện chưa có trong quy định của pháp luật.
Nhiều quy định mang tính toàn diện, đột phá
Các quy định về đầu tư là những giải pháp toàn diện, có tính đột phá để thực hiện những định hướng, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra về xây dựng, phát triển Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TW.
Thứ nhất, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (Điều 39) là quy định cho phép thành phố huy động nguồn lực từ đất để phát triển đường sắt đô thị, trong đó việc quy hoạch vùng phụ cận và thu hồi, đấu giá đất trong vùng phụ cận là biện pháp để thu lại giá trị gia tăng từ đất để tạo nguồn lực cho phát triển đường sắt đô thị. Quy định này đã cơ bản thể hiện được về biện pháp, cách thức triển khai thực hiện và giải pháp kết hợp giữa dự án đường sắt đô thị và dự án phát triển đô thị.
Đây là biện pháp quan trọng để giúp thành phố đẩy nhanh tiến độ phát triển đường sắt đô thị; từ đó, giúp tăng cường khả năng kết nối giao thông, giúp giảm phương tiện giao thông cá nhân từ đó giảm ùn tắc giao thông ở đô thị trung tâm... từ đó, thực hiện hiệu quả mục tiêu di dời các cơ sở, trường đại học, cao đẳng, bệnh viện, giãn dân ở khu vực đô thị trung tâm...
Thứ hai, thực hiện hình thức hợp đồng theo phương thức xây dựng - chuyển giao (Điều 40): Đây là quy định có phần tương tự với quy định về hợp đồng BT tại Nghị quyết số 98/2023/QH15, khi quy định về việc thanh toán hợp đồng BT bằng tiền, vốn đầu tư công (khoản 3); đồng thời còn quy định về việc thanh toán hợp đồng BT bằng quỹ đất, nhà.
Các quy định về hình thức hợp đồng BT giúp thành phố có thêm biện pháp thu hút đầu tư mới, việc thanh toán hợp đồng BT bằng đất, nhà được áp dụng khi vốn đầu tư công khó hoặc không bố trí được; đồng thời, việc áp dụng hợp đồng BT bằng tiền sẽ giúp cho việc triển khai dự án được đẩy nhanh hơn so với quy trình đầu tư công hiện hành.
Thứ ba, về tăng thẩm quyền cho thành phố trong lĩnh vực đầu tư (Điều 43): Các quy định tại điều này đã tăng thẩm quyền mạnh mẽ cho thành phố về đầu tư công và đầu tư tư nhân so với quy định của Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư, trong đó đặc biệt là việc giao thẩm quyền cho thành phố quyết định chủ trương đầu tư dự án trên 10 nghìn tỷ đồng (thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo Luật Đầu tư công). Trong đó, dự án đường sắt đô thị không bị giới hạn mức vốn, còn đối với các loại dự án khác là không vượt quá 20.000 tỷ đồng. Đây là quy định rất cần thiết, trao quyền chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho thành phố; mặt khác việc quy định giới hạn 10 nghìn tỷ đồng đã có từ Luật Đầu tư công năm 2014, đến nay đã không còn thực sự phù hợp.
Thứ tư, quản lý tài sản công (Điều 42), quy định này cho phép thành phố được nhượng quyền kinh doanh, quản lý các công trình hạ tầng văn hóa, thể thao nhằm sử dụng, khai thác hiệu quả công trình, tạo nguồn thu để tái đầu tư, bảo dưỡng, phát triển công trình, tăng khả năng tự chủ của các đơn vị sự nghiệp. Đây là quy định rất phù hợp với chủ trương, định hướng chỉ đạo và tình hình thực tiễn./.