(CMO) Ngày 4/10, Thường trực HĐND tỉnh Cà Mau tổ chức phiên họp thường kỳ, do Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện chủ trì phiên họp. Cùng ngày, đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau do Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân làm trưởng đoàn có buổi giám sát việc triển khai thực hiện quy định của pháp luật về BHYT tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau.Một trong những nội dung quan trọng tại phiên họp là tình hình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính và vấn đề thanh toán BHYT tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của Sở Y tế, toàn ngành có 640 cơ sở y tế cả công lập và tư nhân, có 111 cơ sở khám chữa bệnh đăng ký và hợp đồng tham gia chế độ BHYT. Về nguồn nhân lực, ngành y tế có hơn 4.000 nhân viên; trực tiếp khám, chữa bệnh là hơn 3.800 người. Đối với việc tự chủ về tài chính, các đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là ở tư duy quản lý, cơ sở vật chất và nhân lực. Ngoài ra, việc xã hội hoá các dịch vụ, loại hình y tế trong tỉnh còn hạn chế, các đơn vị cũng nêu thực trạng việc kinh phí hoạt động chưa đáp ứng được thực tế. Về BHYT, ngành y tế cho rằng đây là vướng mắc lớn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân. Các thông tư hướng dẫn, kể cả thông tư liên bộ còn chồng chéo, có nhiều điểm mâu thuẫn nên việc áp dụng vô cùng khó khăn. Thời gian BHXH thông báo và quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT còn chậm. Hiện mức trần thanh toán BHYT khá bất cập, chưa thống nhất. Các quy định của BHXH chưa tạo điều kiện để các đơn vị y tế công lập thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân. Thủ tục trong hoạt động khám, chữa bệnh BHYT gây nhiều phiền hà cho người bệnh, tra cứu khá phức tạp. Cà Mau cũng không được đồng ý để thanh toán điều trị nội trú tại phòng khám đa khoa khu vực, trong khi đó nhu cầu thực tế là rất lớn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân cho rằng, các đơn vị y tế công lập cần phải thay đổi tư duy, từng bước tự chủ và đa dạng công tác xã hội hoá trong lĩnh vực y tế. BHXH tỉnh cũng cần chia sẻ, đề xuất công việc với các đơn vị trực tiếp làm công tác y tế.
Thống nhất với quan điểm này, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện nhấn mạnh: “Tự chủ là xu thế tất yếu, các đơn vị phải chuẩn bị về tư duy, tổ chức, nhân lực. Riêng vấn đề BHYT, các bên liên quan cần tập hợp vướng mắc để đề xuất trực tiếp lên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau”. Chủ tịch HĐND tỉnh cũng lưu ý, việc rà soát, nắm bắt những vướng mắc trong lĩnh vực y tế cũng là cơ sở quan trọng để HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết thấu tình, đạt lý. Cũng tại phiên họp, HĐND tỉnh đã thông qua nội dung dự kiến kỳ họp thứ Năm, HĐND tỉnh khoá IX và kết quả hoạt động quý III/2017. Cùng ngày, đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau do Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân làm trưởng đoàn có buổi giám sát việc triển khai thực hiện quy định của pháp luật về BHYT tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau. Bệnh viện đa khoa Cà Mau có 40 khoa, gồm 9 phòng và 31 khoa lâm sàng, cận lâm sàng với 900 giường bệnh, với nguồn nhân lực 912 người, trong đó có 170 bác sĩ. Tính từ năm 2014 đến nay, trung bình hằng năm số lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh nội trú dao động từ 40-44 ngàn lượt người, ngoại trú giao động từ 153-200 ngàn lượt người. Đối tượng có BHYT khám nội trú dao động từ 28-33 ngàn lượt người, ngoại trú dao động từ 80-130 ngàn lượt người. Tổng số lượt khám chữa bệnh có thẻ BHYT chuyển lên tuyến trên từ năm 2014 đến nay gần 29 ngàn lượt người. Phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT được tính theo giá dịch vụ, quy trình được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc thanh toán, quyết toán khám chữa bệnh bằng BHYT còn chậm. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, bệnh viện đề nghị thanh toán, quyết toán BHYT số tiền trên 76 tỷ đồng, nhưng đến nay BHXH thanh toán khoảng 24 tỷ đồng.
Quốc Rin - Trung Đỉnh |