Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Dương Thái trả lời báo chí tại cuộc họp báo. Cần quy hoạch dài hơi Như Báo Hải quan phản ánh trong một tuần gần đây, mặt hàng dưa hấu, thanh long đang vào mùa thu hoạch, đồng thời phía Trung Quốc thu mua với giá hợp lý nên các tư thương ồ ạt đưa hàng lên cửa khẩu Tân Thanh khiến cho tình trạng tồn đọng mặt hàng này lại diễn ra. Cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Tài chính tổ chức sáng nay, 7-4, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Dương Thái nhấn mạnh, đây không phải hiện tượng mới và thường xuyên xuất hiện vào khoảng tháng 3, tháng 4 hàng năm khi vào tiết thanh minh, phía Trung Quốc tăng cường nhập khẩu số lượng lớn hoa quả tươi. Năm nay, lượng dưa hấu, thanh long tăng 10-15% so với cùng kỳ 2014 nên số lượng xe rất nhiều tại Tân Thanh. Phó Tổng cục trưởng chia sẻ, mỗi ngày, lực lượng Hải quan tại cửa khẩu Tân Thanh giải quyết thủ tục cho khoảng 300 đến 350 xe trong số lượng xe có tại cửa khẩu là 800 xe, còn tồn lại khoảng 400 xe. Giải thích lý do, ông Thái cho biết, mặt hàng dưa hấu, thanh long là mặt hàng xuất khẩu tiểu ngạch, không có hợp đồng thương mại cũng không có cam kết cụ thể giữa người mua và người bán. Điều đó dẫn đến việc được mùa rớt giá hay tồn đọng hàng số lượng lớn. Bên cạnh đó, năng lực xử lý hàng phía Trung Quốc cũng có hạn. Mỗi xe sau khi được xuất qua cửa khẩu Tân Thanh sẽ sang chợ Pò Chài. Tại đây, phía Trung Quốc sẽ lựa chọn dưa từ từng xe, lau vỏ, đóng thùng. Việc xử lý này mất khoảng 2-3 giờ/xe, do đó chỉ có thể xử lý 200-300 xe/ngày. Hơn thế, thời điểm này là dịp dưa hấu, thanh long vào mùa thu hoạch trong khi khả năng tiêu thụ trong nước ít dẫn đến lượng dồn lên Tân Thanh lớn. Đặc biệt, mặt hàng này chỉ có thể nhập khẩu vào Trung Quốc qua Pò Chài nên không thể chuyển sang các cửa khẩu khác ở khu vực phía Bắc. Chia sẻ những giải pháp các lực lượng tại Tân Thanh đã triển khai để tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu dưa hấu, thanh long, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Dương Thái cho biết: Lực lượng Hải quan và Biên phòng tại Tân Thanh đã thống nhất kéo dài thời gian làm việc từ 7 giờ sáng đến 20 giờ tối, "đến khi bên Trung Quốc không nhận nữa mới thôi" để giải quyết tối đa lượng hàng xuất khẩu. Dự báo trước được tình trạng này, từ giữa tháng 2-2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn cũng đã thành lập Tổ công tác liên ngành điều hành xuất khẩu nông sản tại khu vực Tân Thanh với sự tham gia của công thương, hải quan, biên phòng, ban quản lý khu kinh tế... để điều phối toàn bộ hoạt động xuất khẩu nông sản. "Cho đến nay, có thể khẳng định, tồn đọng thì có nhưng mất trật tự, ùn tắc thì không. Toàn bộ xe chưa xuất khẩu đã được các lực lượng bố trí từ ga Đồng Đăng, dọc quốc lộ 1A lên cửa khẩu Tân Thanh, khi nào trong cửa khẩu có khả năng tiếp cận mới cho vào, không có chuyện ùn tắc, lộn xộn" - ông Thái khẳng định. Về lâu dài, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Dương Thái cho biết, Tổng cục Hải quan đã, đang và sẽ tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành liên quan xây dựng quy hoạch dài hơi cho các vùng trồng rau quả; thực hiện điều phối sản xuất theo nhu cầu nhập khẩu của phía bạn để tránh tình trạng xuất khẩu tự phát như hiện nay. Đồng thời, cơ quan Hải quan cũng kiến nghị đẩy mạnh phát triển hoạt động chế biến hoa quả nhất là thanh long, dưa hấu; phát triển cơ sở hạ tầng cho khu vực Tân Thanh rộng hơn, tốt hơn, có khu vực bảo quản nông sản để đảm bảo chất lượng hoa quả tại cửa khẩu. "Những kiến nghị này sẽ được nghiên cứu và triển khai nhưng không thể trong ngày một ngày hai. Trước mắt, tình trạng tồn đọng như thế vẫn sẽ còn tiếp tục, nhưng các lực lượng chức năng đã vào cuộc để chống mất trật tự và ùn tắc" - Phó Tổng cục trưởng nói. Bảo vệ người tiêu dùng bằng tem điện tử Một vấn đề khác được các cơ quan báo chí quan tâm cũng đã được Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Dương Thái giải đáp tại cuộc họp báo là việc áp dụng quản lý rượu nhập khẩu bằng tem điện tử. Ông Thái cho hay, Tổng cục Hải quan đã chính thức triển khai hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS từ năm 2014, cùng với đó là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu. Việc trình Thủ tướng Chính phủ đề án ứng dụng tem điện tử vào quản lý rượu là một trong những nội dung của hệ thống này. Giới thiệu những nội dung cơ bản của đề án, Phó Tổng cục trưởng chia sẻ: Tem điện tử là loại tem có thể khai thác nhiều thông tin về doanh nghiệp và hàng hóa trên hệ thống cơ sở dữ liệu của Hải quan. | Kiểm tra rượu NK tại cảng Sài Gòn khu vực 4. Ảnh: T.H. |
Trên tem điện tử có 3 thông số quan trọng: Mã bảo vệ, mã vạch và số thứ tự tem cấp ra. Theo đề án đang được Tổng cục Hải quan trình, việc áp dụng tem điện tử mục tiêu là bảo vệ người tiêu dùng. Người tiêu dùng có thể kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, thời điểm nhập khẩu, doanh nghiệp và nhiều thông tin khác từ mã bảo vệ. Người tiêu dùng có thể truy cập trang web in sẵn trên tem để kiểm tra, hoặc nhắn tin theo hướng dẫn để nhận thông tin phản hồi bao gồm tất cả thông tin cơ quan Hải quan có. Về phía cơ quan quản lý, có thể kiểm tra thông tin qua thiết bị kiểm tra mã vạch có cài phần mềm của hải quan để hiển thị toàn bộ thông tin về chai rượu. Phó Tổng cục trưởng cho biết thêm, tem đang được sử dụng hiện nay là tem giấy, có hệ thống in ấn, hệ thống bảo an nhưng với sự phát triển của công nghệ, với những thủ đoạn tinh vi, tem này vẫn có thể làm giả. Với tem điện tử, người tiêu dùng chỉ cần truy cập mã bảo vệ, nếu không nhận được phản hồi tức là tem giả. "Đây là đề án đầu tiên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về áp dụng mã điện tử trong quản lý rượu nhập ngoại. Chúng tôi cho rằng, với hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng hệ thống mã vạch để quản lý hiệu quả các mặt hàng khác ngoài rượu như thuốc lá, xì gà..." - Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Dương Thái nhấn mạnh. Dự kiến, trong quý 3 hoặc quý 4 năm 2015, Tổng cục Hải quan sẽ chính thức triển khai thực hiện đề án tem điện tử này. |