BP - Duyên nợ đến với nghề làm báo,nhk quả bóng đá đối với tôi vốn là chuyện tình cờ. Năm 1995, từ một người lính trẻ, sau khi vừa tham gia kỳ thi đại học quân sự tại Trường Lục quân II (nay là Trường đại học Nguyễn Huệ, tỉnh Đồng Nai) trở về, ở đơn vị chờ kết quả thi, thủ trưởng hỏi tôi: đồng chí có thích nghề làm báo không? Cơ quan sẽ cho đi học! Đối với tôi ngày đó, tuổi đời còn rất trẻ, được bay nhảy, tung tăng là thích nên dù chưa định hình được nghề làm báo như thế nào tôi vẫn không chút do dự mà đồng ý ngay.
Trải qua khóa đào tạo báo chí ngắn hạn, những ngày đầu bước vào nghề, ôi thôi, lắm chuyện xảy ra! Cũng theo công thức “5W+1H” vậy mà có bài được đăng, có bài “biệt tích” không lời giã từ. Nhưng gắn bó rồi thích nghề nên tôi luôn tự động viên mình phải cố gắng tìm tòi, học hỏi để trau dồi kinh nghiệm. Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, vậy mà thấm thoát đã gần 20 năm tôi gắn bó với nghề, đã được gắn tên “Nhà báo mặc áo lính” do cán bộ, chiến sĩ cơ sở bầu chọn. Nghề đến với tôi như là duyên nợ. Dù đã trải qua lắm niềm vui, nỗi buồn, trăn trở và gian truân nhưng đến giờ tôi vẫn thấy mình đúng khi chọn nghề này. Nếu ai đó hỏi tôi vì sao ư? Vì tôi yêu và say nghề cũng như tôi cảm phục hết thảy những người lính trên mọi miền Tổ quốc đang vững chắc tay súng bảo vệ và xây dựng quê hương.
Tôi được cơ quan giao nhiệm vụ là phối hợp với Phòng chuyên mục của đài PT-TT Bình Phước và Báo Bình Phước bám sát hoạt động của cơ sở, kịp thời ghi nhận và phản ánh các mặt huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng cơ quan, đơn vị, gương người tốt, việc tốt trong lực lượng vũ trang... Để ghi được những hình ảnh thực tế, có bài viết sinh động, tôi phải bám sát thao trường, bãi tập và kể cả trong sinh hoạt đời thường của cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó, được lắng nghe tâm tư, tình cảm của người lính để phản ánh đúng vấn đề, hòa mình vào cuộc sống của họ bằng tất cả cái tâm của mình. Và không biết tự bao giờ, tôi biết vui với thành quả của đơn vị và ngược lại. Nói vậy nhưng tôi cũng không ít lần thất bại. Nhưng thất bại lại trở thành kinh nghiệm để tôi nghiệm ra rằng, làm nghề viết lách bản thân học suốt đời cũng vẫn chưa thấy đủ.
“Nhà báo không thẻ, không biên chế”, không như những nhà báo chuyên nghiệp khác. Trong quá trình tác nghiệp chúng tôi luôn phải tác nghiệp “độc lập”, vừa làm đạo diễn vừa là biên tập kiêm quay phim, cộng thêm 1 máy chụp ảnh trên ngực, đảm nhiệm luôn cả báo hình và báo viết. Nhiệm vụ dẫu có khó khăn nhưng được gắn bó, trải nghiệm với nghề, tôi cảm thấy, mỗi ngày đi viết, đi quay là một ngày vui. Càng đi, càng viết, càng đam mê, dù rằng nơi xuất phát và phía trước của tôi không phải chỉ hoa hồng và mật ngọt mà còn nhiều chông gai.
Quang Thạch