Số xe hết “đát” lên tới hàng trăm nghìn
Trên thực tế, để người dân thực hiện nghiêm quy định và giảm thiểu tai nạn giao thông, Cục Đăng kiểm đã yêu cầu các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước cung cấp số liệu về xe hết NHSD cho Phòng Cảnh sát giao thông, Sở Giao thông vận tải, Thanh tra giao thông các tỉnh, thành phố, đồng thời chủ động phối hợp với các lực lượng tuần tra thực hiện kiểm tra liên nghành để kiểm soát trên đường, xử lý các chủ xe vi phạm, tịch thu phương tiện. Danh sách các xe hết NHSD cũng được Cục Đăng kiểm thông tin rộng rãi tại địa chỉ www.vr.org.vn, mục “PT hết niên hạn SD” và “PT sắp hết niên hạn SD” nhằm phục vụ việc tra cứu của các cơ quan chức năng cũng như người dân. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm cho biết: Hiện còn khá nhiều xe hết NHSD những vẫn tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Thông thường đây đều là các loại xe cũ nát không đủ tiêu chuẩn, kiểm định không đạt yêu cầu. Xe thường xuyên trốn đăng kiểm ở những năm cuối nên không thể kiểm soát tình trạng kỹ thuật. Bên cạnh đó, tâm lý người sử dụng là tranh thủ dùng trong một thời gian ngắn nên hầu như không đầu tư, nâng cấp cải thiện chất lượng xe. Đặc điểm chung của các xe này là thường hoạt động ở trong một khu vực nhất định, đặc biệt là tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Đáng chú ý, có những xe hết niên hạn còn “lách” bằng cách chạy “chui” về ban đêm. Từ góc độ của cơ quan Đăng kiểm, theo ông Trí, thời gian qua, ngoài cung cấp đầy đủ thông tin về xe hết “đát” cho các cơ quan chức năng liên quan, Cục Đăng kiểm còn trực tiếp tham gia phối hợp liên ngành, tổ chức kiểm tra cùng lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố. Thông thường, phương pháp của Cục là tổ chức các đợt kiểm tra tập trung vào những vùng có khả năng xe hết NHSD lưu hành cao như dọc hai bên đường Hồ Chí Minh, địa bàn tỉnh Hòa Bình hay khu vực Móng Cái (Quảng Ninh)… Cục sẽ tiến hành thống kê ghi lại biển số, hình ảnh xe chạy trên đường, sau đó gửi video, báo cáo cụ thể cho địa phương để đề nghị địa phương hỗ trợ thu hồi, xử lý xe. Tuy nhiên, khâu kiểm tra này cũng không hề đơn giản bởi có những vùng, khi cán bộ đăng kiểm làm công tác kiểm tra đã xảy ra xung đột, thậm chí bị tấn công từ các đối tượng sử dụng phương tiện hết “đát”. Ngoài ra, một trong những vướng mắc nổi cộm là đơn vị đăng kiểm không có chức năng cũng như chế tài xử lý xe hết “đát” mà chỉ có thể ghi nhận tình hình. Mọi động thái, chuyển biến trông chờ chủ yếu vào cơ quan quản lý cụ thể tại địa phương. Rình rập mối nguy Nhiều năm nay, việc xe hết NHSD mà vẫn tham gia giao thông đã trở thành vấn đề nóng, nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận, song chưa thể giải quyết triệt để. Tình trạng này tiếp diễn từ năm này qua năm khác, không chỉ gây nỗi thấp thỏm, âu lo mà thực sự đã để lại những nỗi đớn đau, mất mát khó bù đắp. Nói tới hậu quả do xe hết “đát” gây ra, điển hình nhất là vụ tại nạn giao thông thảm khốc diễn ra cuối tháng 1-2015, khi một xe khách 16 chỗ đâm vào xe tải đi ngược chiều trên địa phận tại km 605 đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Xuân Quỳ, huyện Như Xuân (Thanh Hóa), làm 9 người chết và 5 người bị thương. Trong số hai xe gây tai nạn, xe tải mang BKS 29H-7506, nhãn hiệu IFA, sản xuất năm 1989 tại Đức được kiểm định lần gần nhất vào ngày 16-7-2012, có hạn kiểm định đến ngày 16-10-2012 (đã hết hạn kiểm định) và hết NHSD từ ngày 1-1-2015. Xe tải này hết NHSD, đã có trong dach sách của Cục Đăng kiểm báo cáo các cơ quan chức năng, đồng thời đăng trên trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm. Tuy nhiên, bất chấp mọi thứ, xe vẫn ngang hiên hoạt động và góp phần gây ra tai nạn đau lòng. Suốt từ khoảng thời gian vụ tai nạn thảm khốc đó xảy ra đến nay, thi thoảng lại có một vài vụ tai nạn giao thông với những quy mô khác nhau xảy ra có liên quan tới xe hết “đát”. Theo ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, không chỉ xe hết “đát” mà các loại xe cận “đát” cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm gia tăng các vụ tai nạn, mất an toàn giao thông. Thời gian qua, tại nhiều địa phương, các xe hết “đát” còn bị phát hiện được sử dụng để đưa đón học sinh đi học, trong đó có cả một số vùng ngoại thành Hà Nội. Thực tế này càng đặt ra nhiều lo ngại trong quản lý xe hết NHSD. Có thể xử lý dứt điểm Hiện nay, xe sắp hết NHSD đều được cơ quan đăng kiểm lập danh sách quản lý, thông báo cho đơn vị địa phương. Trong kỳ đăng kiểm cuối cùng, xe này sẽ được dán Tem kiểm định đặc biệt giúp người dân, các cơ quan chức năng dễ dàng nhận biết. Hết thời hạn sử dụng, chủ phương tiện phải nộp lại giấy tờ đăng ký, biển số xe cho cơ quan quản lý và không được phép cho xe tham gia giao thông. Dễ thấy, mọi quy định cũng như chế tài liên quan tới quản lý xe hết NHSD đã khá đủ đầy. Xe hết “đát” cũng bị “điểm mặt, chỉ tên” rõ ràng, vậy mà bao năm qua, tại sao nhiều xe hết NHSD vẫn thoải mái tung hoành? Phải chăng việc quản lý xe hết “đát” quá khó khăn, không thể triệt để? Đáp lại câu hỏi này của phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Hữu Trí cho rằng: Thời gian qua, về vấn đề quản lý xe hết “đát”, cơ quan Đăng kiểm đã không ngừng nỗ lực làm “tròn vai” của mình và vẫn tiếp tục tích cực trong thời gian tới. Vấn nạn xe hết NHSD mà vẫn tham gia giao thông hoàn toàn có thể được giải quyết tận gốc nếu có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của tất cả các bộ, ngành, đặc biệt là cơ quan quản lý cấp địa phương. Cũng theo ông Trí, ngoài vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước, sự chung tay cùng vào cuộc của người dân trong “cuộc chiến” chống xe hết “đát” cũng rất quan trọng. Bởi lẽ, nhiều trường hợp, chính người dân mới là đối tượng dễ dàng phát hiện các loại xe hết NHSD vẫn thản nhiên lưu hành ở địa phương. Nếu mỗi người dân nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, chủ động phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thì hiệu quả quản lý các loại xe hết NHSD sẽ được nâng lên rõ rệt. |