Với mục tiêu trợ giúp kịp thời,ếpthmđộnglựcđểhộnghovươlichthidaubongda anh trực tiếp cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sau 10 năm triển khai và thực hiện, Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” (cuộc vận động), do Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam phát động, đã tiếp thêm động lực cho nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh có thêm điều kiện để vươn lên trong cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Liên, ở ấp Nhơn Xuân, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, phấn khởi khi được địa phương luôn quan tâm hỗ trợ kịp thời. Từng bước thoát nghèo Những ngày đầu năm mới này, có dịp ghé thăm gia đình ông Nguyễn Trọng Trí, 83 tuổi, ở ấp Đông Bình, xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, nhìn căn nhà tường kiên cố của gia đình, ít ai biết rằng đây từng là hộ nghèo gần 12 năm liền. Được biết, trước đây khi thấy hoàn cảnh gia đình ông Trí quá khó khăn, địa phương đã xét hỗ trợ gạo hàng tháng để giúp ông và gia đình. Ông Trí nói: “Cũng nhờ chi bộ ấp quan tâm giúp đỡ kịp thời, nên cả gia đình tôi mới có điều kiện để vươn lên thoát nghèo như hôm nay. Mừng lắm, ngoài hỗ trợ hàng tháng, mấy dịp lễ, tết tôi còn được xét tặng quà nữa. Không những vậy, thằng con trai đang nuôi tôi cũng được hỗ trợ vay vốn để làm ăn, sửa lại nhà. Giờ gia đình tôi không còn là hộ nghèo nữa, cuộc sống ngày càng ổn định hơn rất nhiều rồi”. Không chỉ là hộ nghèo, cách đây không lâu ông Trí còn bị tai biến nặng, khiến việc đi đứng của ông không còn được như người bình thường. Cũng từ đó, gánh nặng gia đình tất cả phụ thuộc vào số tiền đi làm cửa sắt của anh Nguyễn Mạnh Cường, con trai út ông Trí. Quyết không phụ lại sự quan tâm của địa phương, bên cạnh đi làm cửa sắt thuê, anh Cường còn mượn đất của các anh em trong gia đình, để trồng cây ăn trái. Nhờ mô hình làm ăn có hiệu quả, đến cuối năm 2018 gia đình ông Trí đã vươn lên thoát nghèo. Anh Cường tâm sự: “Với số vốn vừa được địa phương xem xét cho vay, tôi đã tập trung cải tạo vườn để trồng tắc. Song song đó, hiện tôi cũng trồng xen thêm một số loại rau màu xung quanh để kiếm thêm thu nhập hàng ngày. Gia đình tôi quý lắm cái tình mà các anh, các chú của địa phương dành cho gia đình”. Cũng giống như gia đình ông Trí, nhờ sự hỗ trợ hàng tháng của chi bộ ấp, đã giúp cho mẹ con bà Nguyễn Thị Liên, 65 tuổi, ở ấp Nhơn Xuân, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, từng bước có cuộc sống ổn định hơn. Bà Liên bộc bạch: “Tôi bị mù, có một đứa con gái nhưng nó cũng không bình thường nữa, nên cũng nhờ số gạo được Chi bộ ấp Nhơn Xuân hỗ trợ hàng tháng mẹ con tôi mới sống được qua ngày. Mừng lắm, vừa rồi địa phương còn xét hỗ trợ vốn để tôi nuôi gà, hỗ trợ mẹ con tôi sửa lại nhà nữa”. Trước đây, khi còn khỏe mạnh bà Liên từng công tác ở thị trấn, nhưng do thời gian sau sức khỏe yếu, đôi mắt lại mờ dần, nên bà đã xin nghỉ công tác để ở nhà chăm sóc con. Chồng mất, một mình bà phải nuôi đứa con gái bị bệnh tâm thần, vì vậy cuộc sống cũng chật vật hơn. Nhà không ruộng đất, gia tài của hai mẹ con chỉ là căn nhà tình thương được địa phương cất tặng. Dù khó khăn là vậy, nhưng với ý chí cố gắng vươn lên thoát nghèo, đầu năm 2018 bà đã mạnh dạn đăng ký thoát nghèo, với mô hình chăn nuôi gà. Với mô hình làm ăn hiệu quả hiện tại, bà Liên đã được công nhận thoát nghèo. Hiệu ứng xã hội lan tỏa Qua 10 năm (2008-2018) triển khai và thực hiện, Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân tham gia đồng hành. Đặc biệt đã tạo sức lan tỏa và nhận được sự đồng tình ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân. Ngoài vận động hỗ trợ gạo, tiền mặt hàng tháng, hội CTĐ các cấp cũng đã xây dựng nhiều mô hình trợ giúp thiết thực phù hợp như: mô hình hỗ trợ nhà tình thương; mô hình bếp ăn tình thương; mô hình hỗ trợ vốn phát triển kinh tế gia đình; mô hình cấp sổ trợ cấp gạo, học bổng; mô hình truyền hình nhân đạo… Trong 10 năm qua, các cấp hội CTĐ đã khảo sát lập hồ sơ nhận trợ giúp được 13.954 địa chỉ, với tổng số tiền 39 tỉ đồng. Ông Nguyễn Chí Nghề, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động và phát triển thêm các mô hình công tác xã hội nhân đạo. Ngoài vận động các đoàn thể, chính trị xã hội từng cấp đăng ký nhận đỡ đầu các địa chỉ, chúng tôi sẽ nhân rộng hiệu quả nhận trợ giúp đến các chi bộ ấp, các cá nhân, doanh nghiệp. Mặt khác, hội sẽ tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hậu Giang trong vận động nguồn lực thực hiện tốt chương trình “Cảm thông và chia sẻ” và Chương trình “Khát vọng sống”. Song song đó, cũng tích cực rà soát lại các đối tượng cần trợ giúp ở các ấp, thị trấn để kịp thời gắn địa chỉ nhân đạo. Đặc biệt, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa cuộc vận động đến các tầng lớp xã hội. Nhất là tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên chữ thập đỏ và Nhân dân để nâng cao nhận thức, hiểu về tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc.
Bài, ảnh: AN NHIÊN |