“Không biết tôi còn sống được bao lâu,ầnởtuổtỉ số nottingham lỡ chết bất tử sợ hổng ai lo cho mấy đứa nhỏ”, đó là lời tâm sự đắng lòng của bà Nguyễn Thị Dương, 83 tuổi, ở ấp 11, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, đang chăm sóc 3 người con bị bệnh tâm thần.
Gia đình bà Dương rất cần sự giúp đỡ của mọi người để có một cái tết ấm áp và đầy đủ.
Căn nhà tình thương rộng chừng 40m2 không cửa, không chỗ tắm, giặt, tưởng như gió thổi qua cũng đủ đổ sập bất cứ lúc nào, là nơi trú ngụ của 4 mẹ con bà Nguyễn Thị Dương gần 15 năm nay. Dù ở tuổi 83, nhưng bà vẫn tảo tần lo miếng ăn từng ngày nhờ vài đồng bạc lẻ từ công việc bó chổi, chỉ mong các con có cơm no bụng. Nhưng, bữa cơm cũng chẳng đầy đủ khi chỉ vài con cá nhỏ mà hàng xóm cho hay đĩa rau luộc, quả trứng chiên. Bà Dương với dáng người nhỏ, lưng hơi còm, tay chân chai sạn, gương mặt khắc khổ với những nếp nhăn, đưa mắt ra xa và kể cho tôi nghe về câu chuyện buồn của cuộc đời.
Bà có 10 người con nhưng đã mất 3 người; 4 người lập gia đình hoàn cảnh khó khăn nên chẳng giúp được gì; 3 người còn lại bị bệnh tâm thần gồm chị Hồ Thúy Liễu (59 tuổi), anh Hồ Văn Niềm (54 tuổi) và chị Hồ Thị Kim Liên (47 tuổi). Các con của bà Dương bị bệnh từ nhỏ, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, chiến tranh ác liệt nên chẳng thể thăm khám, chữa trị.
Ba người con lần lượt ra đời đều bị tâm thần như vết cắt cuộc đời xoáy sâu tận trái tim bà Dương, nước mắt cũng thôi rơi bởi quá khổ, mà nó đã chảy ngược vào trong thành nỗi uất nghẹn. Những điều ước tưởng chừng như bình dị các con có cơm ăn, việc làm và sống một đời hạnh phúc, đối với bà Dương đã trở nên xa xỉ. Đôi lúc bà tự trách mình, sống trong nỗi day dứt mấy mươi năm qua khi các con không được bình thường như mọi người.
Cuộc trò chuyện đôi khi bị ngắt quãng bởi bây giờ bà Dương lúc nhớ lúc quên do tuổi già, hay đó là một dĩ vãng đau buồn không muốn nghĩ. Vật lộn mưu sinh giữa cuộc đời, bà Dương chỉ còn nhớ mỗi chuyện mở mắt ra phải làm sao để có tiền mua gạo, thức ăn cho con. Dù làm việc có mệt nhưng hễ con vui khỏe là bà mừng. May mắn các con của bà khá nghe lời mẹ dặn nên suốt ngày ở trong nhà, ít đi lang thang nên cũng dễ quản lý. Nhiều lúc bệnh trở nặng, các anh, chị bỗng hung dữ và gây nhau nhưng chưa bao giờ đánh bà Dương.
Không những chạy ăn từng bữa, việc lớn nhỏ trong nhà bà Dương đều phải tự làm do sợ củi lửa, các anh, chị không kiểm soát được bản thân sẽ gây nguy hiểm. Chỉ mỗi chị Liên đôi lúc khỏe thường bơi ghe giúp bà đi chặt cọng dừa. Mỗi lần đi làm cả ngày về đến nhà, các con lại chạy ra ôm và hôn bà, dù phát âm không tròn chữ nhưng vẫn hỏi thì thào “Sao mẹ đi lâu quá, định bỏ tụi con sao?”, khiến bà Dương nhiều lần không cầm được nước mắt. Mỗi mùa xuân qua đi bà Dương lại càng sợ nhiều hơn, sợ xa các con, những đứa con tưởng chừng còn bé bỏng.
Một đời lam lũ vì chồng con và nay ở tuổi gần đất xa trời, bà Dương vẫn chưa thể nghỉ ngơi, chút sức già còn lại, vẫn lặng lẽ mưu sinh. Người con trai thứ sáu Hồ Văn Niềm hiện sức khỏe rất yếu, tay chân teo nhỏ, có nhiều vảy bỏng nổi khắp người, nhưng bà Dương cũng không biết bệnh gì. Có lẽ, đối với gia đình bà, cái ăn không đủ, chỗ ở không kín, không tiền thì nói chi đến việc khám bệnh, uống thuốc, nên anh Niềm cứ thế mà cố chịu đựng qua ngày.
Nước mắt giờ đây dường như đã cạn với người mẹ già hơn 80 tuổi bởi gần 60 năm bà Dương chưa bao giờ có được một cái tết trọn vẹn, hạnh phúc. Tôi chỉ nghĩ, ước gì cuộc sống có một phép màu để những mảnh đời bất hạnh được san sẻ yêu thương, đỡ vất vả và tìm cho mình một màu xanh hy vọng ở tương lai. Mâm cơm tươm tất, đầy đủ thịt cá trong căn nhà lành lặn, có thêm bộ quần áo mới khi tết đang cận kề, là ước mơ xa vời đối với gia đình bà Dương…
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Bà Nguyễn Thị Dương, ở ấp 11, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ hoặc Đội công tác xã hội Báo Hậu Giang, đường Võ Văn Kiệt, phường V, thành phố Vị Thanh. Số điện thoại: 0293.3878769.
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG