Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 2,98 điểm (tương đương 0,53%) xuống mức 559,04 điểm trong khi HNX-Index có mức tăng nhẹ 0,05 điểm (tương đương 0,07%) lên mức 75,85 điểm. Thanh khoản trên cả hai sàn đều sụt giảm về mặt khối lượng lẫn giá trị khớp lệnh. Trong đó, sàn TP.HCM lần lượt giảm 37% về khối lượng và 38% về giá trị ; sàn Hà Nội cũng giảm lần lượt 41,5% về khối lượng và 35% về giá trị. Khối ngoại tiếp tục có thêm một tuần mua ròng trọn vẹn, song sức mua ròng đã yếu lại và có sự chuyển hướng từ sàn TP.HCM sang sàn Hà Nội. Bên cạnh đó, tác động của khối ngoại lên thị trường trong tuần qua là không đáng kể mặc dù họ vẫn giao dịch khá mạnh ở nhóm cổ phiếu lớn. Trong tuần, khối ngoại đã mua ròng gần 330 tỷ đồng trên sàn TP.HCM (giảm gần 30% so với tuần trước) và hơn 80 tỷ đồng trên sàn Hà Nội (tăng gần 85% so với tuần trước). Chuyên viên phân tích Trần Đức Anh, Công ty chứng khoán Bảo Việt đánh giá, việc thanh khoản trong tuần qua ở mức thấp và thị trường biến động giằng co phản ánh tâm lý dè dặt và thận trọng của nhà đầu tư sau chuỗi ngày biến động mạnh. Tuy nhiên, tín hiệu hồi phục trong phiên cuối tuần đã giúp hai chỉ số lấy lại phần lớn số điểm đã mất vào đầu tuần. Điều này cho thấy trạng thái cân bằng đã được xác lập trở lại sau một nhịp điều chỉnh, mở ra cơ hội quay lại xu hướng hồi phục trong tuần sau. Bên cạnh đó, những thông tin hỗ trợ về khả năng mở room ngoại cho các công ty chứng khoán và những tín hiệu khởi sắc của thị trường bất động sản có thể sẽ giúp các nhóm cổ phiếu liên quan thu hút dòng tiền trong thời gian tới. Tháng 6 cũng là giai đoạn mà các thông tin về kết quả kinh doanh quý 2-2014 của doanh nghiệp bắt đầu được hé lộ, đồng thời là thời điểm mà các quỹ ETFs sẽ công bố và thực hiện điều chỉnh danh mục của mình. Do đó, các cổ phiếu có liên quan tới động thái của 2 quỹ ETFs và nhóm cổ phiếu được dự báo có kết quả kinh doanh quý 2-2014 thuận lợi sẽ được chú ý và có thể thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Về thông tin mở room ngoại cho các công ty chứng khoán, các chuyên gia của Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng, nếu quyết định này thực sự được đưa ra thì sẽ chỉ các công ty chứng khoán hết room nước ngoài mới được hưởng lợi thực sự (hiện chỉ số Công ty chứng khoán Sài Gòn SSI và Công ty chứng khoán TP.HCM HSC), trong khi các công ty còn lại hiện tại vẫn đang còn nhiều room cho khối ngoại sẽ chỉ hưởng hiệu ứng tâm lý là chính. Nhóm nghiên cứu của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng dự báo thông tin nới room này sẽ chỉ mang lại hiệu ứng tâm lý hưng phấn trong ngắn hạn bởi điều này không thể nhanh chóng đi vào hiện thực do những vấn đề liên quan đến thủ tục giấy tờ. Theo đó, khi có nhu cầu tăng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại, công ty chứng khoán cần được Đại hội đồng cổ đông thông qua rồi sau đó trình lên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để được chấp thuận. Theo VDSC, cần ít nhất 3 – 6 tháng để một công ty chứng khoán thực sự nâng tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại sau khi dự thảo chính thức được thông qua. Nhóm nghiên cứu của Công ty chứng khoán FPT (FPTS) cũng cho rằng, tuần tới, trong bối cảnh thiếu thông tin vĩ mô tích cực hỗ trợ và mùa bóng đá World Cup 2014 chính thức bắt đầu nên khả năng bộ phận lớn nhà đầu tư tiếp tục đứng ngoài thị trường. Do vậy, FPTS nhận định thị trường sẽ tiếp tục giao dịch trầm lắng và theo xu thế đi ngang trong biên độ khá hẹp nên việc tham gia của nhà đầu tư 'lướt sóng' là khá rủi ro. Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư 'lướt sóng' chịu được rủi ro muốn tham gia thị trường, FPTS khuyến cáo nên tuân thủ việc mua vào khi VN-Index chạm vùng 540 và bán ra khi VN-Index tiến về vùng 560 - 570. Đối với nhà đầu tư dài hạn có thể chờ đợi khi thị trường giảm về vùng 535 - 540 để mua vào các mã cổ phiếu cơ bản tốt và có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn với giá hợp lý. |