(CMO) Hoạt động kinh doanh xăng dầu được đánh giá là lĩnh vực khó quản lý và thất thu khá lớn. Thời gian qua, Cục Thuế đã tăng cường quản lý đối với các hoạt động trên lĩnh vực này, bước đầu đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh xăng dầu xuất hiện nhiều nghi vấn sai phạm.
Thực hiện Kế hoạch số 70 của UBND tỉnh về triển khai các biện pháp quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu, Sở KH&CN đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về đo lường trong kinh doanh xăng dầu để thực hiện lắp và niêm phong đồng hồ đếm tổng tại các cột bơm xăng dầu trên địa bàn. Theo đó, đoàn đã tiến hành kiểm tra, lắp đặt và niêm phong đồng hồ đếm tổng của 343 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh với 1.158 cột đo xăng dầu, đồng thời ngành thuế phụ trách kiểm tra ghi chỉ số trên công tơ tổng tại các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu.
Hiện nay, 1.158 cột đo xăng dầu của 343 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã được lắp đặt và niêm phong đồng hồ đếm tổng để kiểm soát lượng xăng dầu tiêu thụ, chống thất thu thuế.
Tính đến tháng 8/2017, lượng xăng dầu tiêu thụ tăng lên rất lớn (trên 19%), số thuế GTGT, thuế TNDN kê khai đạt trên 18 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhiều đơn vị quản lý, chống thất thu rất tốt, thuế phát sinh tăng cao so với cùng kỳ như: huyện Năm Căn tăng 279%, huyện Cái Nước tăng 134%...
Ngoài ra, thông qua quản lý kinh doanh xăng dầu, Cục Thuế đã khai thác thêm nguồn thuế bảo vệ môi trường. Bằng cách rà soát các DN phân phối xăng dầu để xác định các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu cung cấp xăng dầu cho các DN trên địa bàn tỉnh, ước 8 tháng thuế bảo vệ môi trường khoảng 190 tỷ đồng, đạt 70% dự toán năm, tăng 15% so với cùng kỳ.
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Cà Mau Nguyễn Thành Sua đánh giá: “Lượng xăng dầu tăng 19% là không phải nhỏ, sắp tới số thu này có khả năng sẽ tăng cao nếu kiểm soát chặt. Theo đó, dự báo thuế bảo vệ môi trường có khả năng tăng lên 450 tỷ đồng”.
Theo quy định của kinh doanh xăng dầu hiện nay, mỗi DN bán lẻ xăng dầu chỉ được hợp đồng với một nhà cung cấp, nhưng thực tế qua kiểm tra đã phát hiện có nhiều nhà cung cấp, điều này sai so với quy định của pháp luật.
"Các nhà cung cấp không xác định được nguồn gốc xăng dầu, vì đa phần các doanh nghiệp phân phối dạng trung gian. Do đó, nhiều khả năng chất lượng hàng hoá không đảm bảo. Tuy nhiên, đây chỉ là đánh giá chủ quan, việc kiểm định chất lượng hàng hoá có thật sự đúng hay không thì phải qua kiểm định của Sở KH&CN. Còn việc mua xăng dầu từ nhiều đầu mối đúng hay sai thì do Sở Công thương quản lý và xử lý", ông Sua cho biết.
Được biết, mỗi năm toàn tỉnh tiêu thụ khoảng 370.000 m3 xăng dầu. Nhưng hiện nay, ngành thuế chỉ quản lý được khoảng 70% lượng thuế bảo vệ môi trường. Đồng thời, ngành thuế hiện chỉ mới kiểm soát được 3 đầu mối: Công ty Xăng dầu Cà Mau, Công ty Thương nghiệp Cà Mau, Công ty Thương nghiệp Bạc Liêu có kê khai thuế bảo vệ môi trường tại Cà Mau và có đầu mối nhập khẩu cung cấp rõ ràng, còn những DN ở các tỉnh khác vào không kiểm soát được.
Theo nhận định chung, nếu DN phân phối kinh doanh xăng dầu không đạt chất lượng thì Sở KH&CN không cho hàng hoá vào thị trường Cà Mau. Theo đó, sẽ tăng cường nhận xăng dầu của Công ty Thương nghiệp Cà Mau, từ đó tăng thuế bảo vệ môi trường của Cà Mau lên.
Trước đây, ngành chức năng đã kiểm tra nhiều DN kinh doanh xăng dầu. Bộ KH&CN cũng thường xuyên lấy mẫu kiểm tra xét nghiệm. Đây là mục tiêu để nâng chất lượng xăng dầu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
"Như vậy, quy định hiện nay rất đầy đủ, nhưng có kiểm soát hết các DN xăng dầu nhập vào thị trường Cà Mau hay không thì cơ quan chủ quản mới nắm được, cơ quan thuế chỉ quản lý thuế. Để làm tốt vấn đề này, Sở Công thương cần ổn định lại DN đầu mối cho các cơ sở kinh doanh xăng dầu, Sở KH&CN kiểm được chất lượng hàng hoá, ngăn chặn kịp thời xăng dầu không đảm bảo chất lượng. Có như vậy mới không thất thoát ngân sách và đảm bảo chất lượng xăng dầu phục vụ nhu cầu người tiêu dùng", ông Sua khẳng định