Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trình bày tại phiên họp Quốc hội, sáng 2/11. Ảnh: TL |
Cân nhắc chính sách miễn, giảm thuế để đảm bảo nguồn lực ngân sách
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) đánh giá, nửa nhiệm kỳ đã qua, đất nước đã vượt qua nhiều sóng gió, thách thức, và đang sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới. Làm nên kết quả đó, có sự đóng góp rất quan trọng của công tác quản trị ngân sách và thực thi chính sách tài khóa.
Trong hoàn cảnh khó khăn, dịch bệnh, các kế hoạch tài chính, ngân sách trung hạn và hàng năm đều được triển khai thực hiện đạt và vượt kế hoạch; đảm bảo các nhu cầu chi định kỳ và đột xuất; bội chi thấp hơn dự toán; nợ công, nợ chính phủ nằm trong giới hạn an toàn; dư địa cho chính sách tài khóa được triển khai tích cực, hiệu quả… Chính sách tài khóa thời gian qua góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đồng thời cũng phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tiền tệ.
“Có thể nói, chưa bao giờ đất nước ta có được nền tảng tài chính quốc gia vững mạnh như hiện nay” - đại biểu Trần Văn Lâm nhận định.
Bên cạnh những thành công này, đại biểu Trần Văn Lâm cũng bày tỏ băn khoăn về một số chính sách thu đang có những bất cập như chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) với số thu lớn nhưng số hoàn cũng lớn, nên chăng có giải pháp căn cơ hơn… Hay việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu khi tình hình dịch bệnh phức tạp đã qua… Đối với nhiều chính sách miễn, giảm thuế khác, đại biểu đề nghị phải cân nhắc để bảo đảm nguồn lực ngân sách cho thực hiện các nhiệm vụ khác để xây dựng, phát triển đất nước.
Liên quan đến các chính sách về thu ngân sách, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) đánh giá, trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ đã rất quyết liệt, năng động, thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để có nguồn lực thực hiện các chương trình đề ra trong Nghị quyết 43. Thu ngân sách các năm gần đây đều đạt cao, đảm bảo các nhiệm vụ chi thường xuyên, đầu tư, cân đối các chương trình lớn của quốc gia. Đồng thời, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt các chính sách giảm, miễn thuế, phí… giúp thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho biết một số chính sách ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách của địa phương. Để bù đắp những khoản giảm thu này, đại biểu đề nghị cần tạo điều kiện cho địa phương thu từ những lĩnh vực đang tiềm năng, để cân đối hài hòa giữa thu và chi ở các địa phương.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) đề nghị Quốc hội xem xét đồng ý với đề xuất của Chính phủ tăng bổ sung cân đối cho các địa phương 2% so với dự toán năm 2023, để giảm bớt khó khăn cho các địa phương đang nhận cân đối từ ngân sách trung ương.
Dự toán thu ngân sách năm 2024 là chỉ tiêu rất nỗ lực
Phát biểu giải trình một số nội dung tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, Chính phủ trong thời gian qua đã thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, theo đó thực hiện chính sách tài khóa thâm hụt, giảm thuế nhưng vẫn tăng chi ngân sách.
Dự toán thu ngân sách năm 2024 tăng 5% so với năm 2023 Dự toán thu NSNN năm 2024 theo báo cáo Chính phủ trình Quốc hội là khoảng 1.700,9 nghìn tỷ đồng, tăng 80,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 5%) so với dự toán và ước thực hiện năm 2023. Tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 15,3% GDP. Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, phương án dự toán thu tăng 5% so với số ước thực hiện năm 2023 là khá tích cực trong bối cảnh dự kiến tăng trưởng kinh tế khoảng 6% - 6,5%, lạm phát khoảng 4% - 4,5%. |
Trong 3 năm qua, Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ, trình Quốc hội giảm nhiều loại thuế, tiền thuế đất. Theo đó, năm 2021 đã giảm được 132.400 tỷ đồng, năm 2022 giảm 233.000 tỷ đồng và năm nay dự kiến giảm khoảng 200.000 tỷ đồng. Nêu rõ đây là một nỗ lực rất lớn, Bộ trưởng cho biết sau khi giảm thuế vẫn phải đảm bảo cán cân tài khóa, đảm bảo đưa vào nền kinh tế nguồn lực 347.000 tỷ đồng hỗ trợ phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 43.
Về dự toán ngân sách năm 2023, đến ngày 30/10 thu ngân sách đã đạt 85%, tương đương 1.366.000 tỷ đồng. Trước một số ý kiến đại biểu cho rằng thu tăng nhiều từ tiền đất, Bộ trưởng giải thích thu tiền đất chỉ đạt của 57,8%, là khoảng 86.482 tỷ đồng. Các khoản thu dầu thô cũng chiếm phần nhỏ, khoảng 46.000 tỷ đồng, tương đương 2,6% tổng thu ngân sách. Do đó, thu ngân sách chủ yếu là từ sản xuất kinh doanh, đặc biệt là thu nội địa.
Đối với dự toán NSNN năm 2024, lãnh đạo ngành Tài chính đánh giá đây là một nỗ lực lớn. Nếu tính cả việc thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu và giảm thuế GTGT từ 10 % xuống 8% trong năm 2024, dự toán thu ngân sách năm 2024 sẽ là 1.757.900 tỷ đồng, như vậy là tăng được 8,46% so với dự toán và ước thực hiện của năm 2023.
“Đây cũng là một chỉ tiêu rất nỗ lực, đặc biệt chúng tôi đã bố trí chi xây dựng cơ bản tới 677.300 tỷ đồng, tức là chiếm 32% trong tổng chi ngân sách” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết. Cùng với đó, năm 2024 cũng phải bố trí nguồn lực để thực hiện chủ trương cải cách tiền lương, trong đó có nâng lương cơ sở từ 1/7/2024.
Giải trình một số ý kiến đại biểu về vướng mắc của các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay vấn đề là phải cải cách từ việc phân bổ, để cho các huyện làm. Chi đầu tư chỉ chi cho công trình hạ tầng kỹ thuật, ví dụ như điện, đường, trường, trạm… còn lại đưa hết vào chi thường xuyên, như chi sinh kế, nhà cho người nghèo, khoa học giáo dục, y tế, các khoản chi hỗ trợ đất ở... Có như vậy mới giải quyết được vướng mắc lâu nay.
Ngoài ra, trong quá trình góp ý, một số đại biểu đề nghị tiết kiệm hơn nữa chi thường xuyên. Đối với nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ quan điểm là chú trọng tiết kiệm hơn nữa trong chi đầu tư, đảm bảo hiệu quả, không để lãng phí, thất thoát. Với chi thường xuyên, người đứng đầu ngành Tài chính cho biết đã “rất tiết kiệm”, nguồn chi chủ yếu phục vụ con người, riêng chi lương, phụ cấp đã chiếm 66%, chi tiếp khách, công tác… hiện là rất ít.
Liên quan đến đề nghị giảm thuế GTGT 2% cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ, Bộ trưởng cho biết, theo đúng quy định Nghị quyết 43 là một số ngành nghề không được giảm, chẳng hạn như kinh doanh tài chính, viễn thông, chứng khoán, ngân hàng… “nếu giảm nhiều quá cũng gây áp lực lên ngân sách”, Bộ trưởng nói.
Nợ công giảm thấp tạo dư địa cho chính sách tài khóa, tiền tệ Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.Hồ Chí Minh) cho rằng với bối cảnh thế giới hiện nay không thuận lợi, tăng trưởng kinh tế tuy chưa đạt được mục tiêu đề ra nhưng đó là kết quả hết sức trân quý. Trong đó, đối với lĩnh vực tài chính, đại biểu đánh giá trong 3 năm qua ngành Tài chính đã có nhiều nỗ lực. Mặc dù đồng thời thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí và thực hiện các chương trình theo Nghị quyết 43, nhưng nhờ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, của ngành Tài chính, 3 năm qua thu ngân sách luôn vượt dự toán mặc dù bối cảnh kinh tế khó khăn. Đặc biệt, ngành Tài chính đã tăng cường chống thất thu thuế ở nhiều lĩnh vực mới như thương mại điện tử…, từ đó đã đạt được các kết quả tích cực. Trong 3 năm, thu ngân sách của nước ta đạt trên 5 triệu tỷ đồng, bằng 61% kế hoạch tài chính 5 năm, đại biểu nhấn mạnh. Với những nỗ lực như vậy, đại biểu chỉ ra nợ công của Việt Nam đã giảm còn 38% GDP, ở mức thấp so với mức trần Quốc hội quy định là 60%. Điều này giúp chúng ta có dư địa để cho chính sách tài khóa, tiền tệ trong thời gian tới. Từ đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách miễn giảm thuế, phí trong thời gian tới với liều lượng cao hơn và đối tượng mở rộng hơn. Cùng với đó, rà soát các khoản chi trong Nghị quyết 43 để chuyển nguồn, chuyển đối tượng, tiếp tục hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. |